Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn quần thể hang đá Khuê Ngọc Điền

09:43, 02/09/2018

Tựa mình vào lòng núi, lại được bao phủ bởi cánh rừng rậm rạp, quần thể hang đá Khuê Ngọc Điền (xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) từng là nơi hoạt động cách mạng của quân, dân xã và một số cơ quan, ban, ngành của tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ.

Giữa trập trùng đồi núi

Năm 1966, địch tăng cường càn quét, đánh phá Khuê Ngọc Điền theo chính sách “đốt sạch, phá sạch, giết sạch”. Để bảo vệ dân, bảo vệ sản xuất, Chi bộ Đảng xã Khuê Ngọc Điền ra chủ trương sơ tán dân vào vùng hang đá hoặc nguồn suối để lập làng chiến đấu… Những tài liệu đọc được trong cuốn “Lý lịch di tích lịch sử hang đá Khuê Ngọc Điền” khiến chúng tôi luôn nung nấu nguyện vọng sớm được đến đó một lần!

Sau nhiều cuộc hẹn gặp dang dở, chúng tôi quyết tâm lên đường, tìm về quần thể hang đá Khuê Ngọc Điền dù biết sẽ có nhiều khó khăn phía trước. Vượt quãng đường lởm chởm ổ voi, ổ gà từ xã đến thị trấn, chúng tôi rẽ về hướng cầu treo Krông Kmar, rồi men theo đường đất hẹp ven suối cùng tên. Nhờ người dẫn đường là anh Trần Văn Lệ, cán bộ văn hóa xã dày dặn kinh nghiệm nên mọi người nhanh chóng vượt qua được quãng đường đất nhỏ, hẹp, đầy bụi rậm.

Quần thể hang đá Khuê Ngọc Điền nằm giữa cánh rừng rậm rạp.
Quần thể hang đá Khuê Ngọc Điền nằm giữa cánh rừng rậm rạp.

Hành trình giờ mới thực sự bắt đầu. Dừng xe máy dưới chân núi, cả đoàn men theo lối mòn mờ dần, phảng phất mùi hương hoang dại của đại ngàn. Anh Lệ chỉ tay về phía lưng chừng núi và cho biết, đó chính là quần thể hang đá Khuê Ngọc Điền. Xung quanh khu vực ấy người dân đã làm rẫy, trồng cây, nên nếu nhìn từ xa chỉ thấy thấp thoáng những phiến đá lộ thiên rất đỗi bình thường như nhiều triền núi khác.

Băng rừng rậm, chúng tôi cố gắng tiếp cận các hang đá, nhưng thực sự không dễ dàng. Có những đoạn đường, mọi người phải hỗ trợ nhau, tận dụng dây leo, cây cối xung quanh để vượt qua ngóc ngách của vách đá cheo leo, hiểm trở, sâu hoắm. Các hang đá nằm chồng lên nhau, được hình thành bởi nhiều khối đá với nhiều hình dạng, kích thước, diện tích. Bên trên và ngoài hang có đủ loại cây, dây rừng trùm lên chằng chịt như bảo vệ, ngụy trang khiến khu vực này càng thêm phần thâm u, khó phát hiện.

Cũng bởi địa thế đặc biệt ấy nên suốt những năm chiến tranh, quần thể hang đá Khuê Ngọc Điền được Chi bộ Đảng xã chọn làm nơi ẩn nấp, bảo vệ nhân dân, du kích xã, tránh sự càn quét của kẻ địch và là nơi hoạt động bí mật vững chắc của cách mạng cho tới ngày toàn thắng. Tùy vào diện tích, cấu tạo các hang, có nơi chứa được 30 – 40 người, nhưng cũng có nơi chỉ đủ chỗ cho 7 – 8 người. Tất cả mọi sinh hoạt của người dân trong hang đều diễn ra hết sức bí mật theo phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, người đi sau phải xóa dấu vết để địch không thể phát hiện.

Một đời khó quên

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ký ức hào hùng của quân và dân Khuê Ngọc Điền luôn khắc sâu vào tâm khảm của người chiến sĩ từng xông pha trận mạc. Ông Đỗ Cửu, từng là Xã đội trưởng xã Khuê Ngọc Điền và trực tiếp tham gia cách mạng những năm 1965 – 1975 tại địa phương. Ông bồi hồi kể lại: mặc cho địch tăng cường càn phá, gây tổn thất rất nhiều cho chúng ta, nhưng với tinh thần, ý chí cách mạng cao, dân ta vẫn quyết không bỏ ruộng rẫy, cùng du kích xây dựng hầm hào, công sự, đào đắp ụ chống máy bay, đặt hàng trăm bẫy chông… quyết tâm bảo vệ nơi hậu phương vững chắc của cách mạng.

Năm 2015, UBND tỉnh đã có Quyết định số 245/QĐ-UBND xếp hạng quần thể hang đá Khuê Ngọc Điền là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Hoạt động giữa lằn ranh sinh tử, du kích xã đã phát động phong trào thi đua chống máy bay địch và lập ra các tổ bắn máy bay bằng súng trường. Với tinh thần đoàn kết, quả cảm, quân và dân xã Khuê Ngọc Điền đã tiêu diệt hàng trăm tên địch; bắn rơi, phá hủy nhiều máy bay, xe quân sự; bẻ gãy nhiều cuộc tấn công, tập kích của địch…

Mặt hang gồ ghề, trơn trượt rất khó di chuyển.
Mặt hang gồ ghề, trơn trượt rất khó di chuyển.

Có một sự kiện diễn ra ở quần thể hang đá mà mỗi lần nhắc đến ông Đỗ Cửu lại rưng rưng cảm động. Đó là năm 1969, tại hang đá Bà Mười (còn gọi là hang Mười Hơn) đã diễn ra lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi nghe tin Bác Hồ mất, toàn thể nhân dân Khuê Ngọc Điền đã tập trung về khu vực hang đá, dựng nhà thờ Bác bằng các nguyên liệu tranh, tre, nứa với diện tích khoảng 12 m2. “Lễ truy điệu diễn ra khá nhanh, giản đơn, chỉ có lá cờ Tổ quốc, di ảnh của Bác Hồ và một bát hương, nhưng đầy ắp tình cảm. Chủ tịch xã lúc đó là ông Phạm Ấn đã đọc Di chúc, tiểu sử của Bác và làm lễ mặc niệm trong sự tiếc thương vô hạn của mọi người” – ông Đỗ Cửu hồi tưởng.

Do được làm từ các vật liệu tạm bợ nên hiện nay, các hạng mục trong quần thể hang đá gần như không còn gì. Dù thế, với người dân Khuê Ngọc Điền, dấu ấn của nó để lại không chỉ là giá trị lịch sử, mà còn là niềm tự hào khôn xiết. Anh Trần Văn Lệ khẳng định: không chỉ bây giờ mà cả sau này, người dân Khuê Ngọc Điền luôn tạc dạ ghi ơn những hy sinh mất mát của các thế hệ cha anh đi trước. Hy vọng quần thể hang đá sẽ được các cấp quan tâm, đầu tư bảo tồn để phát huy tối đa giá trị về “địa chỉ đỏ” này.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.