Multimedia Đọc Báo in

Huyền thoại "đội quân tóc dài"

10:05, 12/05/2019

Kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, vừa qua, Ban Quản lý Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tại TP. Hồ Chí Minh trưng bày chuyên đề "Huyền thoại Đội quân tóc dài".

Xem những hiện vật và hình ảnh trưng bày trong chuyên đề, càng thấy tự hào hơn về người phụ nữ Việt Nam vừa dịu dàng, đảm đang vừa kiên cường, anh dũng.

Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, “Đội quân tóc dài” là một huyền thoại của phụ nữ Nam Bộ trong đấu tranh chính trị đi đôi với binh vận đã làm nên sức mạnh tổng hợp khiến kẻ thù khiếp sợ... Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cho biết: “Đội quân tóc dài” là một huyền thoại của phụ nữ Bến Tre và phụ nữ Nam Bộ trong đấu tranh chính trị tiêu biểu, sáng tạo, đi đôi với binh vận. Lực lượng chính của các phong trào là những bà mẹ già tóc bạc phơ, các chị ẵm con thơ, tay không, chỉ dựa vào thế hợp pháp với lý lẽ sắc bén của chính nghĩa buộc địch phải lùi bước mà đã làm nên sức mạnh tổng hợp khiến kẻ thù khiếp sợ”.

Khách tham quan không gian trưng bày chuyên đề
Khách tham quan không gian trưng bày chuyên đề "Huyền thoại Đội quân tóc dài" tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tại TP. Hồ Chí Minh.

Đội quân đặc biệt có thể nói là độc nhất vô nhị trên thế giới, xuất hiện từ những ngày đầu của phong trào đấu tranh yêu nước đầu thế kỷ 20, ngày càng lớn mạnh và chính thức mang tên “Đội quân tóc dài” từ cao trào Đồng Khởi ở Bến Tre năm 1960, sau đó lan rộng toàn miền Nam, từ thành thị đến nông thôn, vùng tạm chiếm đến trung tâm đô thị Sài Gòn.

“Đội quân tóc dài” luôn có mặt trong hầu hết các phong trào đấu tranh ở hậu phương, xây dựng xã ấp chiến đấu, tham gia du kích bảo vệ làng mạc, dân công tải thương tải đạn, giao liên… Khi giặc tràn vào thôn xóm, họ cũng là lực lượng đứng ra đấu tranh ngăn chặn bước tiến của địch, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân. Vũ khí đấu tranh của phụ nữ Việt Nam không phải là súng đạn mà chủ yếu là lòng yêu nước, là ý thức giác ngộ chính trị sâu sắc, là lý lẽ được vận dụng một cách thông minh, khôn khéo trong thế hợp pháp.

Người xem triển lãm cũng sẽ thấy sự đoàn kết đấu tranh kiên quyết về bền bỉ của phụ nữ Bến Tre qua hình ảnh chống trả một bọn lính cướp lúa của người dân vào năm 1950, buộc quân Mỹ ngụy phải trả lại ghe xuồng, thóc lúa mà chúng đã cướp đi… “Đội quân tóc dài” đã vận dụng “ba mũi giáp công” về chính trị, binh vận, quân sự, đánh vào những chỗ yếu, phân hóa hàng ngũ đối phương. Ngăn chặn, phá vỡ ý đồ thâm độc của Mỹ ngụy, như: kêu gọi binh sĩ địch quay về với nhân dân được phản ánh qua bức ảnh chụp năm 1972 phụ nữ huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) làm công tác binh vận.

Xem những hình ảnh được trưng bày tại triển lãm, chúng ta vô cùng cảm phục về những người phụ nữ xứ dừa Bến Tre không mảy may khiếp sợ kẻ thù hung bạo, đòn roi không khuất phục, kiên quyết giữ đất giữ làng với phương châm “Một tấc không đi, một ly không rời”; tìm đường về cho những đứa con lạc lối; xuống đường vì hòa bình, bảo vệ chủ quyền, đòi dân sinh dân chủ...

Một cô Bảy Tranh đã hơn 300 lần tham gia các cuộc biểu tình, được cử đi dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam để báo cáo về kinh nghiệm đấu tranh trực diện với kẻ thù, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tại đây, chúng ta cũng hiểu thêm về những người mẹ, người chị tiêu biểu như mẹ Dương Thị Lan, Phan Thị Ngỡi, Nguyễn Thị Niềm, Lữ Thị Tư, Trần Thị Kiềm, Dương Thị Lan (tỉnh Bến Tre) tham gia hàng trăm cuộc đấu tranh, làm giao liên, tiếp tế cho bộ đội. Trong đó, Mẹ Dương Thị Lan đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” năm 1978.

“Đội quân tóc dài” vinh dự được Bác Hồ biểu dương: “Miền Nam anh hùng có đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ toàn là phụ nữ. Họ rất mưu trí và dũng cảm làm cho địch phải khiếp sợ và gọi họ là “Đội quân tóc dài”…

Không khỏi xúc động khi được nhìn thấy những di vật của “Đội quân tóc dài”: “mớ tóc” của các mẹ Trịnh Cẩm, Dương Thị Sửu, Bảy Ràng và Võ Thị Lùng ở xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày (cũ) nay là huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) còn kịp giữ lại dù đã bị giặc cắt khi đi đấu tranh; chiếc nón lá của chị Lê Thị Định bị bọn Mỹ ngụy vẽ chữ “Đả đảo Cộng sản” và chiếc áo bà ba chị mặc khi đi đấu tranh, chị Định đã bị giặc sát hại nhưng tinh thần bất khuất của chị vẫn còn sống mãi; chiếc mâm của mẹ Nguyễn Thị Bảy dùng để dọn cơm cho đồng chí Lê Duẩn (nguyên Tổng Bí thư của Đảng ta); bếp dầu tự tạo, cần xé gánh gạo, chiếc đàn mandoline đến chiếc radio của bà Huỳnh Thị Khanh dùng nghe tin tức chiến sự giữa ta và địch nhằm có biện pháp đối phó; chiếc đồng hồ của Mẹ Việt Nam Anh hùng Lâm Thị Ngà dùng canh con nước lên xuống để đi mua lương thực tiếp tế cho bộ đội...

Những hiện vật ấy chứa đựng nhiều giá trị về một quá khứ hào hùng của phụ nữ Bến Tre nói riêng và phụ nữ Nam Bộ nói chung. Còn nữa, tấm biểu ngữ mang dòng chữ “Hòa bình, Độc lập, Dân chủ, Cơm no áo ấm, Hòa giải Dân tộc” của “Đội quân tóc dài” xã Tân Thủy, huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) căng lên khi đi đấu tranh trực diện. Qua thời gian, tấm biểu ngữ bị ố vàng nhưng vẫn khơi dậy không khí hào hùng, quật khởi một thời của các mẹ, các chị. Ngoài ra, khách tham quan cũng được tận mắt xem những tờ truyền đơn, khẩu hiệu liên quan đến công tác binh vận, thẻ căn cước để ngụy trang che mắt địch...

Huyền thoại “Đội quân tóc dài” đã làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng và phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong hoàn cảnh khó khăn, đánh địch bằng nhiều phương pháp độc đáo, thông minh, hiệu quả cao khiến địch luôn bị bất ngờ, không kịp đối phó.

       Nguyễn Văn Sơn


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.