Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 65 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7-5-1954 - 7-5-2019)

Chiến thuật đặc biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trận Điện Biên Phủ

08:58, 07/05/2019

Sau khi thất bại trong đông xuân 1953 - 1954, thực dân Pháp quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, với lực lượng lúc cao nhất lên đến 16.200 quân, được bố trí thành một hệ thống phòng thủ chặt chẽ gồm 49 cứ điểm. Cả Pháp và Mỹ đều coi Điện Biên Phủ là pháo đài “bất khả xâm phạm”.

Theo đề nghị của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến, chỉ định Bộ Chỉ huy chiến dịch và Đảng ủy Mặt trận. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy chỉ đạo mặt trận Điện Biên Phủ, đồng thời với tư cách Tổng Tư lệnh có nhiệm vụ chỉ đạo các chiến trường khác trên cả nước, kể cả bộ đội tình nguyện của ta ở Lào và Campuchia.

Đầu tháng 1-1954, trước khi lên đường ra mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuổi Tát chào Bác Hồ. Bác hỏi: “Chú ra mặt trận lần này có khó khăn gì không?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Chỉ khó khăn là xa hậu phương nên khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết thì khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”. Bác nói “Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền, có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Bác nhắc: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng; chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Những lời dặn dò của Bác là tư tưởng chỉ đạo giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp có căn cứ để xử trí trong quá trình chỉ huy trận đánh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ tư từ phải sang) và các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ  bàn kế hoạch tác chiến.  Ảnh Tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ tư từ phải sang) và các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ bàn kế hoạch tác chiến. Ảnh Tư liệu

Ngày 14-1-1954, tại hang Thẩm Púa, Sở Chỉ huy đầu tiên của chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phổ biến lệnh chiến ấu cho hội nghị cán bộ chiến dịch theo phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”… Dự kiến trận đánh sẽ diễn ra trong 2 ngày, 3 đêm. Thời gian nổ súng ấn định lúc đầu là l7 giờ ngày 20-1 và sau đó là 17 giờ 30 ngày 25-1-1954, bằng tiến công ồ ạt đồng loạt, thọc sâu. Tuy nhiên, trong ngày và đêm 25-1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp suy nghĩ và quyết định phải cho lui quân do có nhiều khó khăn… Đại tướng cho rằng phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” mang nhiều tính chủ quan, không đánh giá đúng thực lực hai bên, không thể bảo đảm chắc thắng.

Ông kiên quyết tổ chức lại trận đánh theo phương án “đánh chắc, tiến chắc”, đánh dài ngày theo kiểu “bóc vỏ” dần tập đoàn cứ  điểm. Chiều 26-1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định hoãn cuộc tấn công. Ông kết luận: “Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra”. Sau này, Đại tướng cho rằng đây là quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của mình.

Quyết định đó ngay lập tức được báo về Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ hoàn toàn. Như vậy, chuẩn bị theo phương châm mới, trận đánh lịch sử được lùi lại một tháng rưỡi. Trong khoảng thời gian đó, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục đánh nghi binh ở Thượng Lào, mở đường rộng hơn, dài hơn chung quanh núi rừng Điện Biên Phủ, rồi kéo pháo vào, xây dựng công sự kiên cố hơn, hào được đào sâu hơn, tiếp cận gần hơn căn cứ quân Pháp. Đồng thời lương thảo, vũ khí từ hậu phương dồn lên cho mặt trận nhiều hơn. Tất cả chuẩn bị cho trận đánh dài ngày, có thể sang đến cả mùa mưa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ bàn bạc kế hoạch tác chiến. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ bàn bạc kế hoạch tác chiến. Ảnh tư liệu

Về chiến thuật, vây chặt, lấn sâu, tiến công không ngừng, phá hủy công sự địch, triệt viện binh và tiếp tế, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm và cụm cứ điểm từ chiến trường Điện Biên Phủ mà bắt đầu là sử dụng chiến thuật đào hào vây lấn được xem là một sáng tạo hết sức độc đáo của quân ta. Thông qua hệ thống chiến hào ngay từ dưới lòng đất, các chiến sĩ ta linh hoạt vượt qua các bãi đất trống tiếp cận các mục tiêu tiến công sao cho đạt tới mức an toàn nhất.

 Ngay từ ngày đầu tiên của trận đánh 13-3-1954, bộ đội ta tấn công vào đồi Him Lam, quân Pháp nhận thức sự nguy hiểm của cách đánh này nhưng không tìm được biện pháp nào để khắc chế. Bộ đội ta vây lấn đào hào; qua ba đợt tấn công của ta, quân Pháp bị thu hẹp đến mức không thể thu hẹp hơn. Cuộc chiến đấu ngày càng yếu thế cho quân Pháp, tình cảnh của đạo quân đồn trú trên chiến trường này ngày càng bi đát và đi đến cùng cực.

Sau này trong hồi ký của mình, tướng Henri Navarre, Tổng Chỉ huy quân Pháp tại trận Điện Biên Phủ đã khẳng định: “Nếu Tướng Giáp tiến công vào khoảng 25-1 như ý đồ ban đầu thì chắc chắn ông ta sẽ thất bại. Nhưng không may cho chúng ta, ông đã nhận ra điều đó và đây là một trong những lý do khiến ông tạm ngừng tiến công”. Ngày 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của ta tung bay trên nóc hầm De Castrie; 16.200 tên địch (kể cả bộ chỉ huy mặt trận) đều bị tiêu diệt hoặc bắt sống.

Quân và dân Việt Nam đã làm nên một Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến công lừng lẫy trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ không những làm cho kẻ thù phải khiếp đảm, kinh ngạc, khâm phục mà còn làm rạng danh cho Tổ quốc, làm tăng vị thế và uy tín của Đảng và Chính phủ ta trên trường quốc tế, là điều kiện vô cùng quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc để buộc Pháp phải công nhận chủ quyền của dân tộc ta và rút hết quân đội khỏi Việt Nam.

  Ngô Sáu - Phương Loan

(Trường Chính trị tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.