Multimedia Đọc Báo in

Những ký ức mãi không quên

09:09, 29/07/2019
Mỗi dịp tháng bảy, ký ức trong tôi về những ngày cùng đồng đội chiến đấu lại rưng rưng, khắc khoải...

Ngày 25-6-1965, từ Lương Sơn (Hòa Bình), đơn vị hành quân đi “B”. Những ngày ấy, máy bay Mỹ ném bom dữ dội đánh phá cầu cống, đường giao thông huyết mạch và các khu vực trọng điểm miền Bắc. Đoàn tàu chở quân xuất phát từ ga Văn Điển (Hà Nội) đến cầu Yên (Ninh Bình) đã bị máy bay Mỹ đánh bom nên phải sang chuyến tàu phía Nam.

Đến ga Hà Trung (Thanh Hóa) tàu dừng, đêm khuya bộ đội ngồi nghỉ ven đường sắt. Tàu dồn toa, anh Hào, Trung đội phó Đại đội 3, quê Ninh Bình hy sinh bởi mệt thiếp đi trên đường ray khi đầu máy xe lửa chạy qua. Một tháng trời ngày nghỉ đêm đi, đến làng Ho (Quảng Bình) thì đơn vị chúng tôi rời đất Bắc vượt Trường Sơn. Đang mùa mưa, bộ đội hành quân qua dốc 1001, dốc 800, dốc Nguyễn Chí Thanh, dốc Bà Định… cơ man nào là đèo dốc, núi rừng trập trùng. Truyền đơn địch rải trắng lối quân đi. Những đêm yên trời lặng gió, C130 của địch quần lượn, loa phóng thanh trên máy bay vang vọng tiếng trẻ thơ khóc oe oe...

Đến rừng Kon Tum, Tiểu đoàn 2 tách khỏi trung đoàn tiếp tục hành quân vào Đắk Lắk. Chiều muộn hôm ấy, đơn vị dừng quân ở cánh rừng Ia Lốp, Ia Mơ, bộ đội đi kiếm rau rừng, bắt cua cá cải thiện bữa ăn. Sáng hôm sau, chiến sĩ Lê Văn Xoang, pháo thủ DKZ75, C4 quê Hà Nam chết trong cánh võng nơi Tây Nguyên lộng gió, trời đất bao la. Chúng tôi mai táng anh vào lòng đất mịn màu sắc đỏ, dưới tán cây rừng cành lá sum suê bạt ngàn xanh thẳm. Trên đường đi, bộ đội gặp máy bay Mỹ ném bom đánh phá ác liệt. Hành quân xa dài ngày vô cùng gian khổ, đói ăn thiếu thốn, bộ đội ta kiệt sức, lại bị sốt rét hành hạ, có nhiều chiến sĩ đã hy sinh nơi rừng xanh núi thẳm.

Tượng đài Mậu Thân 1968 được xây dựng tại Ngã ba Hòa Bình, TP. Buôn Ma Thuột.  Ảnh minh họa
Tượng đài Mậu Thân 1968 được xây dựng tại Ngã ba Hòa Bình, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh minh họa

Cuối tháng 9-1965, Tiểu đoàn đóng quân ở khu rừng nơi chân núi Chư Yang Sin, xã Khuê Ngọc Điền, H9 (nay là huyện Krông Bông). Đêm 6-3-1966, đơn vị đột nhập ấp Kim Châu Phát nhằm cắt đường 21 (nay là đường 26), kêu gọi bảo an, dân vệ cùng nhân dân hưởng ứng theo cách mạng. Bộ đội tập kết ở buôn Một tại rừng Krông Kmar (Khuê Ngọc Điền), hợp đồng tác chiến trên sa bàn..., có các bộ phận phục vụ chiến đấu. Lực lượng ta có 2 đại đội xung kích, trang bị vũ khí súng AK, B40...

Thực lực đối phương có khoảng 100 lính bảo an, dân vệ, một khẩu trung liên bờrôninh, súng tiểu liên tômxông, tuyn, car-bine và súng trường garăng là vũ khí thời Pháp trang bị cho lính địa phương. Bộ đội ta xông vào ấp, chúng ở các nhà dựa vào giao thông hào liên gia đánh trả. Quả lựu đạn nổ gần tổ gọi loa binh vận, đồng chí Thự bị thương, tôi gắng sức cõng Thự chạy băng qua vườn chuối, súng garăng địch bắn, đạn bay sát rạt quanh mình. Trời rạng sáng, ra đến hàng rào đơn cuối cùng, tay bóp chặt sợi dây thép ở dưới, tôi lấy sức mạnh kéo thốc lên để Thự chui qua. Hai bàn tay tôi bị thép gai đâm thủng tóe máu đỏ lòm. Trận ấy, Nguyễn Ngọc Trâm (quê Gia Viễn, Ninh Bình), Nguyễn Văn Vạn (quê Nam Định) ở tiểu đội tôi và một số chiến sĩ trong đơn vị hy sinh.

Đêm 27-10-1967, Đại đội 310 tập kích khu cơ giới pháo binh Buôn Ma Thuột (nay là cơ quan Bộ đội Biên phòng tỉnh). Súng đạn nổ ran trời đất. Một chớp lửa sáng lòe, quả đạn nổ đinh tai, tôi ngất xỉu tức ngực điếc đặc, khi tỉnh dậy toàn thân rớm máu, mảnh đạn xé ốp che tay khẩu súng AK, xuyên thấu bàn tay tứa máu nhớp nháp. Bốn đồng đội quanh tôi hy sinh: Nguyễn Hữu Nhấn (quê Ninh Bình) có người yêu làm Bí thư xã Đoàn; Tạ Bá Nhi (quê Ninh Bình) có vợ và một con gái; Vũ Như Tiện (quê Gia Viễn, Ninh Bình) cũng có vợ và một con gái; Lâm Đức Tuấn (quê Gia Viễn, Ninh Bình) chưa vợ. Linh cảm điều dữ, nhìn tôi rồi Cuỗi chỉ tay xuống đất. Quả thật trận ấy anh hy sinh. 

Cuộc Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968, thị xã Buôn Ma Thuột rực trời lửa đỏ. Đêm ấy, 6 đồng đội hy sinh: Lê Văn Kha (quê Quảng Nam), Nguyễn Văn Đang (quê Quảng Nam), Nguyễn Văn Long (quê Quảng Nam, ngụ Quảng Cư, Đắk Lắk), Trần Văn Bính (quê Quảng Nam, ngụ Vụ Bổn, Đắk Lắk), Trương Ngọc Quế (quê Nho Quan, Ninh Bình), Đặng Văn Ngưỡng (quê Hoa Lư, Ninh Bình).

Đầu mùa khô năm 1969, hôm ấy đồng chí Trương Trừ, Tham mưu trường Tiểu đoàn 401, tôi là Trợ lý chính trị cùng đi có liên lạc, trinh sát và bộ phận thông tin cơ yếu, báo vụ... mang đài 15W hành quân về hướng rừng để phục vụ đơn vị chiến đấu trong thị xã Buôn Ma Thuột. Lúc 10 giờ sáng, chúng tôi đi đến tây buôn Rang thì bị địch phục kích. Toản là liên lạc quê Thanh Hóa đi trước dính mìn bị thương, quần rách té tua, chạy đến báo với tôi rằng anh Trừ đã hy sinh. Tôi chấn chỉnh đội hình, phân công người cáng Toản, cho anh em hành quân về vị trí đơn vị đóng quân tại rừng buôn Phơn. Hai ngày sau đơn vị cử người đến mai táng anh Trừ (quê Khánh Hòa) và anh Đạt, lính trinh sát quê Thanh Hóa…

Những lính chiến từng xông pha trận mạc có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc khắc đậm trong ký ức không thể nào quên. Trải qua binh đao đạn lửa, chúng tôi may mắn còn sống để hưởng những ngày tháng hòa bình, càng dặn mình luôn giữ mình trong sáng, sống xứng đáng để không hổ thẹn với những đồng đội đã hy sinh…

Đoàn Viết Doãn

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.