Multimedia Đọc Báo in

Những đội du kích miền rừng trong kháng chiến chống Pháp

14:56, 25/09/2019

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, một trong những lực lượng có những đóng góp quan trọng làm nên những thắng lợi vẻ vang là các đội du kích được thành lập và hoạt động nơi miền rừng núi Tây Bắc, Đông Bắc. Những chiến công của họ đã để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc...

Đội du kích tại khu rừng Khuổi Nọi

Đội du kích Bắc Sơn là lực lượng vũ trang đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 27-9-1940, nhân dân Bắc Sơn (Lạng Sơn) nhân cơ hội quân Pháp thua chạy trên đường rút lui qua châu Bắc Sơn đã nổi dậy đấu tranh, tước khí giới của quân Pháp để trang bị vũ trang cho mình, giải tán chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng. Ngay sau khi được tin cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử đồng chí Trần Đăng Ninh trực tiếp lên lãnh đạo phong trào và hướng cuộc khởi nghĩa vào mục tiêu xây dựng lực lượng để chiến đấu lâu dài.

Ngày 13-10-1940, cuộc họp tại khu rừng Tân Hương đã quyết định thành lập đơn vị du kích Bắc Sơn đầu tiên. Hội nghị Trung ương VII của Đảng đã quyết định duy trì lực lượng vũ trang Bắc Sơn để chuẩn bị cho các cuộc khởi nghĩa sau này, cũng như xây dựng trung tâm căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai làm chỗ dựa cho đấu tranh vũ trang. Sau một thời gian chuẩn bị, vào ngày 14-2-1941, Đội du kích Bắc Sơn được chính thức thành lập ở khu căn cứ Khuổi Nọi, thuộc xã Vũ Lễ, châu Bắc Sơn (Lạng Sơn). Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thay mặt Trung ương Đảng công nhận, trao nhiệm vụ và lá cờ đỏ sao vàng cho đơn vị vũ trang đầu tiên của Đảng gồm 32 cán bộ, chiến sĩ là con em đồng bào các dân tộc Lạng Sơn đã được giác ngộ cách mạng, một lòng đi theo Đảng. Khi mới thành lập, vũ khí của Đội du kích Bắc Sơn có 5 súng trường, súng kíp và dao găm. Là lực lượng vũ trang đầu tiên của Đảng ta, Đội du kích Bắc Sơn đã lập nên những chiến công vang dội, góp phần làm nên chiến thắng của cuộc đấu tranh vũ trang của quân và dân ta.

Đội du kích mang tên Mẹ Âu Cơ

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh, tại xã Hiền Lương (Hạ Hòa - Phú Thọ) cùng làng Vần (Trấn Yên - Yên Bái), Chiến khu Vần - Hiền Lương được thành lập từ chủ trương tại Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ là phát triển chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa chống Nhật để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa cho kịp thời cơ. Chiến khu Vần - Hiền Lương là một trong bảy chiến khu quan trọng trong cả nước, tạo sự liên lạc giữa các chiến khu, làm nên những “bàn đạp” cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.

Đền Mẫu Âu Cơ gắn với sự ra đời của Đội du kích Âu Cơ.
Đền Mẫu Âu Cơ gắn với sự ra đời của Đội du kích Âu Cơ.

Vào tối ngày 14-5-1945, tại chùa Linh Phúc (xã Hiền Lương, cạnh đền Mẫu Âu Cơ) trước sự chứng kiến của đông đảo quần chúng, Đội du kích Âu Cơ đã được thành lập với 33 đội viên. Sau hơn một tháng hoạt động, đội du kích đã phát triển lên tới 100 đội viên. Uy tín và ảnh hưởng của Đội du kích Âu Cơ và khu căn cứ Vần - Hiền Lương ngày càng lớn mạnh. Hưởng ứng chủ trương của Đảng phá kho thóc Nhật cứu đói cho dân, Đội du kích Âu Cơ đã bí mật phá kho thóc Nhật ở gần đầm Vân Hội vào ngày 13-6-1945 và đã thu được hàng trăm tấn thóc, giải quyết cứu đói cho nhân dân.

Tiếp theo đó, vào rạng sáng ngày 2-8-1945, đúng theo kế hoạch, mặc dù nước lũ dâng cao nhưng lực lượng vũ trang của Đội du kích Âu Cơ đã phân chia làm các tổ chặn đường tấn công của Nhật, tước khí giới, khiến cho toán quân Nhật tan tác, một số phải bỏ chạy về Yên Bái. Đến nay, người dân Hiền Lương và làng Vần vẫn đọc cho nhau nghe những vần thơ nói về khí thế sôi sục của những ngày tiền khởi nghĩa ở Chiến khu Vần - Hiền Lương ngày ấy: “Nhật về khủng bố Âu Cơ/Bị quân dân đánh bất ngờ thua to/Bốn thằng chết, một đắm đò/Quân dân phấn khởi reo hò khắp nơi!”.

Bến ngòi Vần và những chiếc thuyền nan, là phương tiện hoạt động của Đội du kích Âu Cơ.
Bến ngòi Vần và những chiếc thuyền nan, là phương tiện hoạt động của Đội du kích Âu Cơ.

Đội du kích trên đỉnh đèo Khau Phạ

Dưới sự đàn áp, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp và bọn Quốc dân đảng, đồng bào các dân tộc vùng Cao Phạ (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) trong đó, chủ yếu là đồng bào Hmông đã vùng lên đấu tranh. Vào năm 1944, đồng bào Hmông nơi đây thành lập một đội vũ trang. Tháng 10-1946, Đội du kích Khau Phạ đã được thành lập tại bản Trống Tông Khúa trên đỉnh đèo Khau Phạ, ban đầu chỉ có 7 đội viên, vũ khí chỉ có 3 khẩu súng kíp tự tạo, dao, gậy, cung nỏ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đội đã phát triển lên tới 200 hội viên, chủ yếu là người dân tộc Hmông. Họ được gọi với biệt danh là “Những chiến binh mây mù” trên đỉnh trời Khau Phạ.

Từ khi thành lập, Đội đã hoạt động tích cực tại khu vực Tú Lệ, Cao Phạ, Mù Cang Chải, không ngừng chặn đứng các cuộc đàn áp, tấn công và tiến quân của quân địch. Vào những năm 1948, 1949, 1951, 1952, Đội du kích Khau Phạ đã góp phần tăng sức mạnh chiến đấu và tấn công kẻ địch tại khu vực Nghĩa Lộ, Than Uyên, Phù Yên (Sơn La), chặn các đường tiến quân của kẻ thù. Đặc biệt, trong chiến dịch giải phóng Tây Bắc năm 1952, Đội du kích Khau Phạ đã phối hợp với bộ đội chủ lực tiến hành nhiều trận đánh lớn, thu được hàng trăm vũ khí các loại của kẻ thù. Hiện nay, trên đỉnh đèo Khau Phạ còn đó bia đá di tích ghi lại chiến công của Đội du kích Khau Phạ. Vào năm 2012, nơi thành lập Đội du kích Khau Phạ đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.

Nguyễn Thế Lượng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.