Multimedia Đọc Báo in

Kỳ tích trong lòng đất

17:51, 23/07/2020

Nằm trọn trong quả đồi đất đỏ sát mép bờ biển thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, Khu di tích lịch sử địa đạo Vịnh Mốc hiện lên trong vẻ yên bình dưới bạt ngàn rặng tre xanh mát.

Trực tiếp chui xuống địa đạo, tận mắt chứng kiến khung cảnh ngôi làng trong lòng đất, mới cảm nhận phần nào sự khốc liệt của chiến tranh, sự hy sinh to lớn và lòng dũng cảm, ý chí quật cường của quân dân ta trong công cuộc bám đất giữ làng, chống quân xâm lược. 

a
Dấu tích một hố bom phía trên địa đạo

Trong chiến tranh, kẻ thù đã dội xuống vùng đất Vĩnh Linh một khối lượng bom đạn khổng lồ, từ năm 1965 -1972 đã dội xuống hơn nửa triệu tấn. 

a
Khu vực di tích trưng bày một số loại bom trong chiến tranh kẻ thù đã dội xuống đây

Năm 1965, trước sự đánh phá tàn khốc của không quân và pháo binh Mỹ, làng Vịnh Mốc đã bị hủy diệt hoàn toàn.  

a
Dưới những rặng tre xanh là hệ thống giao thông hào chạy dài nối tới các cửa hầm

Kiên quyết bám đất giữ làng, quân và dân Vĩnh Linh đã chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống lòng đất, kiến tạo một hệ thống làng hầm độc đáo có chiều dài tổng thể 1.701 m, gồm có 13 cửa ra vào địa đạo (trong đó có 6 cửa được thông lên đồi, 7 cửa thông ra hướng biển) và 3 giếng thông hơi.

a
Du khách tham quan một cửa địa đạo thông lên đồi

Bắt đầu từ một cửa địa đạo thông lên đồi, du khách theo những bậc tam cấp đi xuống sâu trong lòng đất.​Suốt hàng tiếng đồng hồ chui trong lòng đất với hệ thống đường hầm chính dài hàng trăm mét và vô số ngách hầm, tầng bậc, lúc có thể thẳng lưng sải bước trong đoạn hầm rộng, lúc phải cúi lom khom hoặc bò qua những đoạn thấp hẹp quanh co, nhưng vẫn cảm thấy hít thở dễ chịu nhờ hệ thống thông hơi, thông khí được bảo đảm. Có lẽ đây là yếu tố hết sức quan trọng giúp cho cả một ngôi làng sống và chiến đấu dưới địa đạo suốt bao năm trời.

a
Lối xuống địa đạo sâu hun hút, phía ngoài cửa hầm có cột gỗ để chống sập và sụt lở, được ngụy trang kín đáo, chếch theo hướng gió, đảm bảo thông thoáng 

Cấu trúc đường hầm cùng những công trình dưới lòng đất như một pháo đài vững chãi với 3 tầng thông nhau. Tầng một sâu cách mặt đất 8 – 10 m dùng để cơ động chiến đấu và trú ẩn. Tầng 2 cách mặt đất từ 12 - 15 m là nơi sinh sống của dân làng. Tầng 3 sâu hơn 23 m, dùng làm kho chứa lương thực và vũ khí cho đảo Cồn Cỏ cũng như phục vụ chiến đấu cho quân và dân địa đạo Vịnh Mốc.

a
Những ngách hầm trong địa đạo

Càng khám phá sâu trong lòng đại đạo, càng thêm khâm phục lòng quả cảm và trí sáng tạo của quân dân Vịnh Mốc. Ở tầng thứ hai, dọc hai bên đường hầm hiện còn nguyên những ô nhỏ được khoét sâu vào bên trong làm chỗ ở cho hộ gia đình có từ  2 - 4  người . 

a
Căn hộ gia đình trong địa đạo

Cùng với đó, các công trình phục vụ đời sống dân làng cũng được tạo dựng, bố trí một cách khoa học. Khu vực trung tâm của địa đạo có hội trường với sức chứa từ 50 - 60 người làm nơi hội họp, sinh hoạt, xem phim, biểu diễn văn nghệ; có bảng tin thông báo tình hình. Rải trong các đường hầm đủ giếng nước để sinh hoạt, bếp nấu ăn (bếp Hoàng Cầm), kho chứa lương thực, nhà vệ sinh, nơi đặt máy điện thoại…

a
Nhà hộ sinh trong địa đạo

Điều thú vị là  bên cạnh trạm phẫu thuật, nơi đây còn có một nhà hộ sinh. Trong khoảng gần 2.000 ngày đêm dưới lòng đất, nhà hộ sinh đã đón 17 cháu bé ra đời an toàn .

a
Chăm sóc những em bé sinh ra trong địa đạo (ảnh chụp lại tại nhà trưng bày trong khu di tích)

 

aNơi hội họp của dân làng khá rộng rãi, thoáng đãng

Qua rất nhiều đoạn hầm chạy dích dắc, trượt xuống đến tầng thứ ba, tầng sâu nhất của địa đạo, du khách được trải nghiệm cảm giác hồi hộp khi men theo vách tường ẩm lạnh dò dẫm lối đi hun hút trong bóng tối. Rồi cảm giác ấy vỡ òa thành tiếng reo vui khi chợt thấy ánh sáng bừng lên cuối đường hầm, đó là nơi cửa địa đạo thông ra biển. Một cảm giác tự hào, thán phục ngập tràn khi được biết, từ nơi đây, hàng trăm chuyến thuyền cảm tử đã vượt biển, chi viện cho đảo Cồn Cỏ, góp phần giữ biển đảo quê hương.

a
Cửa địa đạo thông ra biển, nơi bắt đầu con đường chi viện vũ khí, lương thực tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ

Trải nghiệm thực tế có thể thấy, việc xây dựng hệ thống địa đạo như vậy đã là một kỳ tích, việc duy trì cuộc sống bình thường cho cả một ngôi làng trong lòng đất suốt 2.000 ngày đêm như thế đã là điều đáng khâm phục. Từ trong lòng đất, quân và dân Vịnh Mốc - Vĩnh Linh còn lập nên những kỳ tích khi không chỉ kiên trung bám đất giữ làng mà còn tham gia chiến đấu, cứu chữa thương binh, chi viện cho đảo Cồn Cỏ, cùng quân dân Vĩnh Linh kiên cường đánh trả, đập tan âm mưu xâm lược của kẻ thù. Trải nghiệm thực tế cũng cho thấy, cuộc sống dưới lòng đất suốt một thời gian dài như vậy không phải không phát sinh những bất tiện, khó khăn bất trắc. Hiểu điều đó càng thêm cảm phục những chiến công, biết ơn những hy sinh thầm lặng đã góp phần đưa sự nghiệp cách mạng tới ngày toàn thắng.

Hoa Hồng

 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.