Multimedia Đọc Báo in

Ký ức của "Xạ thủ B41"

09:44, 26/07/2020

Trong căn nhà nhỏ ở đường Nguyễn Trung Trực, TP. Buôn Ma Thuột vào một ngày tháng 7, cựu chiến binh Nguyễn Đình Hãn cẩn thận lấy từng tấm huy chương, bằng khen... ra lau chùi và xem lại từng dòng nhật ký xưa. Ký ức những năm tháng chiến đấu lại ùa về...

Quê ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), năm 1967 ông viết đơn nhập ngũ; sau gần một năm huấn luyện cấp tốc, ông được điều động vào Tây Nguyên và được biên chế vào Tiểu đoàn 301. Ông Hãn nhớ lại: “Ngày khoác ba lô lên đường, bố mẹ dặn dò dù gian khổ, hiểm nguy đến đâu cũng phải noi gương các anh, không được chùn bước”.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Hãn chia sẻ với phóng viên về những kỷ vật chiến tranh.
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Hãn chia sẻ với phóng viên về những kỷ vật chiến tranh.

Trong rất nhiều trận chiến cùng đồng đội, ký ức sâu sắc nhất của ông là những lần chiến đấu với vũ khí là khẩu B41. Vào một ngày tháng 3 năm 1969, ông cùng tiểu đội nhận lệnh chặn đánh địch đi càn ở khu vực đèo Hà Lan (thị xã Buôn Hồ). Vào thời điểm này, sau chiến dịch Mậu Thân 1968, địch tăng cường càn quét nên nhiệm vụ của tiểu đội mang ý nghĩa lớn làm nao núng, khủng hoảng tinh thần của địch.

Sau khi nhận lệnh tấn công, ông cùng các đồng đội đi trinh sát và lựa chọn những vị trí hiểm yếu và bất ngờ để tập kích. Trong lần tấn công này, ông được cấp trên giao một trọng trách rất đặc biệt: phải tiêu diệt lực lượng địch với loại khí tài mới mà không phải chiến sĩ nào cũng có khả năng sử dụng là súng chống tăng B41. Ông Hãn cho biết, lúc đó súng chống tăng B41 mới được trang bị cho chiến trường nhưng chưa rõ hiệu quả thực chiến nên mọi người rất hồi hộp khi thực hiện nhiệm vụ này. Người sử dụng được B41 không chỉ có thể lực tốt mà còn phải có tinh thần vững, lanh lẹ, mưu trí và dũng cảm.

Ông Hãn kể lại: Lúc đó vào khoảng 5, 6 giờ sáng, sương mù nhiều; trực thăng đổ bộ, mọi người đều cẩn thận giấu mình trước sự do thám của địch. Khi những toán địch đi càn xuất hiện, cùng với những chiếc xe bọc thép được vũ trang kỹ càng, lúc này, mặt trời đang dần xuất hiện nên ông quyết định tìm vị trí thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ trước khi tình thế trở nên khó khăn hơn.

Ngay trước mặt ông là một xe bọc thép 113 với toán lính đi đầu, ông cẩn thận lắp đạn, đưa lên vai và ngắm trực tiếp vào chiếc xe đi đầu. Nín thở, há miệng, ông bóp cò, một ánh lửa bay xẹt qua màn sương trúng trực tiếp vào chiếc 113. Một tiếng nổ chát chúa vang lên khiến địch hoảng loạn bắn tứ tung và rút lui; cũng từ đó vũ khí mới B41 còn được đặt biệt danh "Hỏa tiễn mặt đất". Sau đó, với những lần ra trận cùng với khẩu B41, ông được gọi là "Xạ thủ B41" bởi khả năng ngắm chính xác và bắn trúng mục tiêu, được tặng thưởng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ"...

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Hãn nhớ lại những hồi ức chiến tranh.
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Hãn nhớ lại những hồi ức chiến tranh.

Luôn trăn trở với những người đồng đội chiến đấu cùng đơn vị, mỗi dịp họp mặt ông Hãn và các đồng đội cũ đều nhắc về trận đánh ở Ấp Blay Bay (Gia Lai) vào năm 1971. Trận đó, mũi chủ công quân ta đã tiến đánh và tiêu diệt cứ điểm của địch, tuy nhiên nhiều đồng đội hy sinh khiến ông luôn day dứt và trăn trở. Mỗi lần nhắc đến trận đánh, mắt ông ngân ngấn nước. Ông Hãn tâm sự: "Ngày đó, địch xả súng bất ngờ khiến các anh đại đội trưởng, chính trị viên đều hy sinh trong trận khiến chúng tôi thương tiếc khuôn nguôi và chôn cất các anh ngay bên bờ sông Ba...".

Đi qua những ngày tháng khốc liệt của đạn bom, hơn ai hết, người cựu chiến binh Nguyễn Đình Hãn cảm nhận rõ sự hy sinh, mất mát mà chiến tranh để lại. Trong chân và trên mặt ông vẫn còn các mảnh đạn nên mỗi khi thay đổi thời tiết, đều bị đau đớn; nhưng  ông lại xem đây là kỷ vật đặc biệt về một thời hào hùng, bi tráng không thể nào quên.

Gia Thịnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.