Multimedia Đọc Báo in

"Vàng trong lửa"...

09:45, 26/07/2020

Nếu ai chưa từng một lần tới Côn Đảo và đi thăm hệ thống nhà tù ở Côn Đảo thì có lẽ chưa cảm nhận được hết những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh ở nơi được mệnh danh “địa ngục trần gian” trong cuộc chiến với kẻ thù.

Nhà tù của Hitler chỉ như ao cạn so với vực thẳm Côn Đảo

Trong suốt 113 năm (1862 - 1975), Côn Đảo đã trở thành nhà tù lớn nhất, dã man nhất, lâu năm nhất ở xứ Đông Dương, nơi phơi bày bản chất tàn bạo của chế độ nhà tù thực dân, đế quốc, với những hình thức tra tấn, đày ải man rợ nhất. Hệ thống nhà tù quy mô, kiên cố. Thời Pháp, chúng giam giữ tù nhân biến động ở mức trên dưới 2.000 người. Thời Mỹ - ngụy, số lượng tù nhân ở mức 4.000 người vào năm 1960, tăng đến mức 8.000 người những năm 1967 - 1969 và xấp xỉ 10.000 người những năm 1970 - 1972. Cho đến ngày giải phóng, Côn Đảo còn 7.448 tù nhân. Nói về sự tàn bạo ở nhà tù Côn Đảo, Giáo sư sử học Trần Ngọc Giàu đã nhận xét: “So với cái tàn ác ở nhà tù Côn Đảo thời Mỹ - ngụy thì nhà tù của Hitler giống như ao cạn so với vực thẳm...”.

Thời Pháp thuộc, Côn Đảo là một đơn vị hành chính ngang cấp quận, đặc điểm nổi bật nhất là ở đây chỉ có tù, không có dân. Từ khi thành lập (1862) cho đến hết chiến tranh thế giới thứ nhất, tù thường và tù chính trị ở Côn Đảo đều bị giam chung, không có sự phân biệt. Côn Đảo là nơi tập trung tù án nặng từ các nhà lao khác đưa về đày biệt xứ, những người đứng đầu các phong trào, các đảng phái chính trị, những đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương của Đảng Cộng sản Việt Nam, tức là những người mà địch liệt vào loại “nguy hiểm” bậc nhất đối với nền thống trị của chúng ở Đông Dương. Cho nên chế độ nhà tù Côn Đảo cũng khắc nghiệt vào bậc nhất. Lớp tù “quốc sự phạm” đầu tiên ra đảo là Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn... Ở nhà tù Côn Đảo có quá nhiều biện pháp giết dần, giết mòn người tù như ăn không đủ sống, ở không đủ chỗ, thở không đủ khí, tắm không đủ nước, mặc không đủ quần áo, làm không kịp thở... Trong khi ở đó lại quá thừa xiềng gông, roi vọt, xà lim, hầm tối; thừa cai ngục tàn bạo; thừa mánh khóe bịp bợm để đàn áp, lừa mị.

Du khách thăm khu Chuồng Cọp thời Mỹ - ngụy tại Nhà tù Côn Đảo.
Du khách thăm khu Chuồng Cọp thời Mỹ - ngụy tại Nhà tù Côn Đảo.

Không chỉ là nơi cách ly, giam giữ, khủng bố, đày ải, giết hại như thời Pháp thuộc, Mỹ -  ngụy đã biến nhà tù Côn Đảo thành nơi tiến hành các thủ đoạn tố cộng, diệt cộng tinh vi, thâm độc và tàn bạo nhất. Chúng không từ bỏ thủ đoạn nào như cải huấn, tâm lý chiến, chiêu hồi, chiêu hàng, khủng bố tàn bạo, đày ải trường kỳ, đánh đập vô hạn độ, bỏ đói khát triền miên, đẩy người tù vào cảnh ngộ cùng cực, làm cho họ kiệt quệ về thể xác, mòn mỏi về tinh thần, rã rời về ý chí để rồi đánh gục họ về lý tưởng. Chúng kết hợp kiểu khủng bố hành hạ tàn bạo nhất như thời trung cổ với các kiểu đàn áp bằng phương tiện hiện đại nhất, dã man nhất. Chúng có thể bịt tất cả các lỗ thông hơi trong xà lim, không cho tù nhân thở; có thể không cho họ ăn rau trong nhiều tháng, làm rối loạn các chức năng tiêu hóa, tuần hoàn của cơ thể... Có thể nói, sự tàn bạo, thâm độc và tinh vi của Mỹ - ngụy vượt xa thực dân Pháp. Chính vì vậy, mà loài người đã kinh ngạc, sững sờ và đau đớn trước những tội ác ghê tởm của Mỹ - ngụy khi một phần sự thật ở Chuồng Cọp Côn Đảo bị dư luận phanh phui.

"Trường đại học sau chấn song sắt"

Ở nhà tù Côn Đảo, bọn thực dân, đế quốc tưởng có thể thủ tiêu cách mạng bằng cách giết chết dần những người cách mạng trong khổ sai, nhục hình, đói khát và bệnh tật, tưởng chừng những người tù bị tách khỏi Đảng và quần chúng nhân dân, với đoàn thể, với phong trào, không còn hoạt động gì được. Nhưng không, Côn Đảo được những người cộng sản biến thành chiến trường và trường học cách mạng, đã thực sự là một vườn ươm của cách mạng Việt Nam. Trong “địa ngục trần gian” ấy, người chiến sĩ cách mạng có thể sống và đấu tranh được là nhờ có lòng tin tưởng sắt đá, không gì lay chuyển nổi vào thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam. Chi bộ đầu tiên ở Nhà tù Côn Đảo thành lập đầu năm 1932, sau phát triển thành Đảng ủy Nhà tù Côn Đảo với nhiều cán bộ lãnh đạo có uy tín như Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh... và nhiều đồng chí cán bộ cao cấp khác của Đảng, chính họ đã từng trải qua “trường đại học sau chấn song sắt” ở Côn Đảo.

Mô hình phục dựng cảnh đánh đập tù nhân tại Nhà tù Côn Đảo.
Mô hình phục dựng cảnh đánh đập tù nhân tại Nhà tù Côn Đảo.

Trong kháng chiến chống Pháp, Đảng ủy Côn Đảo xác định: Nhà tù là một mặt trận, tù nhân là những chiến sĩ hoạt động ngay trong lòng địch. Ngoài việc học lý luận trong nhà tù thì nhiệm vụ của những người cộng sản là phải tổ chức tù nhân thành một lực lượng kháng chiến giữa sào huyệt của kẻ thù. Phải liên tục công kích địch, phá hoại cơ sở vật chất, tuyên truyền giác ngộ binh lính địch, tạo điều kiện cho các chiến trường giành thắng lợi. Do đó, Đảng ủy Côn Đảo đã tổ chức đoàn bộ tù nhân thành một đạo quân chiến đấu, dưới danh nghĩa công khai là Liên đoàn Tù nhân kháng chiến Côn Đảo, có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ cấp toàn đảo đến từng tổ ba người. Khi nhận được tin Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Đảng ủy Côn Đảo chỉ đạo chuyển phương án vũ trang giải phóng thành cuộc đình công kết hợp với bãi thực kéo dài 40 ngày đòi trao trả theo Hiệp định Giơnevơ.

Trong sự kìm kẹp tàn khốc, giữa xà lim, chuồng cọp, trong nanh vuốt, cạm bẫy của kẻ thù, người chiến sĩ cách mạng ý thức được rằng, nhà tù là mặt trận mà người tù là chiến sĩ, cuộc đấu tranh trong nhà tù cũng chính là một bộ phận của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trong điều kiện đặc biệt khó khăn. Trong đó, đấu tranh chính trị, bảo vệ khí tiết luôn là trung tâm cuộc đối đầu giữa người tù và bộ máy khủng bố của nhà tù, đó là nơi đối đầu gay gắt giữa ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội với một thế lực chống cộng quốc tế của chủ nghĩa thực dân mới. Phong trào đấu tranh của tù chính trị có lúc lôi cuốn hàng nghìn người tham gia, có lúc bị địch đàn áp chỉ còn lại vài người nhưng không lúc nào dừng lại. Và, chính những lúc thử thách cao nhất, gương chiến đấu bền bỉ, kiên cường và toàn thắng của Năm Anh trong lực lượng tù chính trị câu lưu, của Sáu Anh trong lực lượng tù án chính trị và gương hy sinh anh dũng của Trần Trung Tín, Lưu Chí Hiếu, Cao Văn Ngọc... cùng hàng trăm đồng chí, đồng bào minh chứng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Cùng với đó, đấu tranh chống ly khai của tù chính trị câu lưu và đấu tranh chống chào cờ của tù án chính trị là những hình thức đấu tranh cao nhất. Những người tù chính trị Côn Đảo đã vận dụng tất cả các hình thức như đưa đơn, kiến nghị, tạo dư luận, thuyết phục, đấu lý, tuyệt thực, tuyệt ẩm, mổ bụng quyết tử tranh đấu. Có cuộc đấu tranh bắt đầu từ từng người, vài người, đến cả phòng, toàn trại và nhiều trại phối hợp. Tất cả các hình thức, các lực lượng được huy động vào cuộc đấu tranh với mức tối đa, tạo nên sức mạnh ý chí to lớn của tù chính trị để chiến đấu và chiến thắng, mỗi thắng lợi giành được, người tù phải đổi bằng máu xương và tính mạng của mình.

Nếu nhìn nhận cách mạng là sáng tạo thì chắc chắn sẽ không có một nơi nào mà sáng tạo lại phải trả giá đắt như trong nhà tù Côn Đảo. Đó chính là thứ "vàng trong lửa", là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của nhân cách Việt Nam, của khí tiết cộng sản một thời hoa lửa.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.