Multimedia Đọc Báo in

Chuyện phòng dịch bệnh ở bon làng M'nông xưa

10:06, 08/08/2020
Thời xưa, đời sống của đồng bào miền núi rất khó khăn, đi liền với đói nghèo, lạc hậu thì dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Đồng bào ở các bon làng M’nông xưa có nhiều cách để phòng, chống dịch bệnh.
 
Theo kinh nghiệm dân gian, có hai cách phòng chống dịch bệnh: Phòng dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào làng và phòng bệnh từ bên trong lây sang bon làng khác. Đối với cách thứ nhất, nếu người trong làng đi đến bon làng khác đang bị dịch bệnh thì không được về thẳng làng mà phải ở ngoài rừng “cách ly” một thời gian. Người nhà và bà con trong làng dựng cho một cái lán nhỏ ở bìa rừng, cung cấp đồ ăn hằng ngày.
 
Sau thời gian, nếu người bị cách ly vẫn khỏe mạnh, không có nguy cơ lây bệnh cho mọi người thì được cho về làng. Thời gian ở trong rừng cũng phải ít nhất 10-15 ngày, người cách ly phải “tắm 7 con suối” rồi mới được về nhà. Ai vi phạm để cho dịch bệnh tràn vào bon làng là bị phạt.
 
Ở cách thứ hai, trường hợp trong làng đang có dịch bệnh thì các thành viên trong làng đều tuân thủ các quy định, luật tục nhằm tránh nguy cơ lây lan đến bon làng khác. Theo đó, người trong làng không được sang bon khác. Người ta thường làm dấu hiệu trên các con đường vào làng bằng cách chăng dây buộc trâu ngang đường đi. Khách hoặc người lạ vào làng thấy dây buộc trâu chăng ngang đường là biết có chuyện bất ổn, tín hiệu “nội bất xuất ngoại bất nhập” và tự giác rút lui ngay lập tức mà không cần có “đội cưỡng chế ”. Khi xảy ra dịch bệnh không được ở nhà, không được “tập trung đông người” mà phải phân tán vào rừng, “tự cách ly” để khỏi bị lây nhiễm. Khi hết dịch phải rời làng đi nơi khác thật xa.
 
Làng M'nông xưa với với những ngôi nhà trệt rất dài.  Ảnh: Jean- Marie Duchange
Làng M'nông xưa với với những ngôi nhà trệt rất dài. Ảnh: Jean- Marie Duchange
Truyền thống cư trú phân tán của một số tộc người ở vùng cao cũng có tác dụng ngăn ngừa lây lan dịch bệnh. Các hộ sống cách xa nhau là cách tốt nhất để hạn chế dịch bệnh lây lan trong điều kiện y tế yếu kém như trước đây. Các vị già làng, những người đứng đầu làng luôn khuyên bảo, nhắc nhở dân chúng thực hiện phòng chống dịch bệnh. Những người không tuân thủ sẽ bị bà con lên án, đặc biệt, người làm lây lan bệnh, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, tính mạng của người dân trong làng thì bị xử phạt nghiêm khắc.
 
Luật tục M’nông (phat duôih) có những quy định cụ thể về việc phân xử, xét xử cho các đối tượng làm lây lan dịch bệnh. Trong công trình Luật tục M’nông (Nxb Chính trị Quốc gia, năm 1988) đã sưu tầm, ghi nhận có hàng trăm “điều luật” về việc phòng và chống dịch bệnh và xét xử, phạt vạ những trường hợp sau: “Có bệnh truyền nhiễm mà không khai báo”, “tội không khai báo người bị chết vì dịch bệnh”, “tội gieo rắc, lây dịch bệnh cho người khác”, “tội phao tin không đúng về dịch bệnh làm dân làng sợ hãi”...
 
Về “Tội gieo rắc, lây lan dịch bệnh cho người khác”, luật tục M’nông quy định như sau: “Bon mình có bệnh lây truyền/Mình không được vào bon người khác/Nếu ta vào bon họ/Tức là truyền bệnh cho bon đó/Nếu bon họ có bệnh truyền nhiễm/Ta không được vào bon của họ/Nếu ta vào bon họ/Tức là rước bệnh về làng mình/Mang bệnh về gây hại bon làng/Mang dây mây từ ngoài rừng xa/Làm cho bon làng bị gai đâm/Đổ nước tro làm cho giường mục”.
 
Đến nay, dù xã hội loài người đã phát triển, song khi gặp dịch bệnh, việc đối phó với khủng hoảng này tùy theo điều kiện của từng vùng. Thực tế cho thấy, việc phòng ngừa dịch bằng cách ly, ngăn chặn từ xa trở nên hiệu quả trong đối phó với đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra trên toàn thế giới.
 
Thời xưa, bằng nếp sống, cách ứng xử, luật tục... đồng bào M’nông và các dân tộc khác ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên cũng đã vượt qua những đại dịch nguy hiểm và từ đó hình thành ý thức, kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch bệnh, bảo vệ cuộc sống dân làng.
 
Tấn Vịnh
 
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.