Multimedia Đọc Báo in

Nhớ chiến khu

09:08, 23/11/2020

Năm 1972, địch càn vào khu căn cứ Krông Bông. Đêm chúng ngủ lại Trường nội trú buôn Chàm do anh Hoàng Đức Hiển làm Hiệu trưởng. 

Biết rằng hôm sau rút đi, chúng sẽ đốt trường, không tiếc những gùi sắn bắp mà lo cháy mấy quyển sách giáo khoa mới đi tận khu V (đóng ở Quảng Nam) xin về để giảng dạy, anh Hiển không quản nguy hiểm bò qua mấy tên lính gác để lấy bằng được mấy quyển sách giáo khoa và an toàn rút ra ngoài.

Có một thời như thế! Sách quý hơn tính mạng mình. Đó cũng là nhà giáo hết lòng vì học sinh thời ở rừng.

Năm 1973, tôi đi công tác lẻ từ Thăng Lễ đến Khuê Ngọc Điền. Lười trèo đèo dốc, tôi chọn đường bằng theo đường ô tô đi các dinh điền. Đường này ít rừng, trống trải nhưng dễ đi. Không ngờ trực thăng địch phát hiện vòng đuổi theo, gọi loa chiêu hồi. Tôi vội quất một băng AK rồi vọt vào rừng. Địch vòng lại bắn cầu âu rồi hai bên ai đi đường nấy, thật hú vía. Sau này các khu đất trống trong căn cứ đều có chông bố phòng. Những bãi cỏ tranh trống trải được cắm chông dài 2 mét để chống trực thăng đổ bộ, ở dưới thấp là có chông thò, chông thụt. Lưới chông vây địch, hạn chế thiệt hại cho khu căn cứ. Ban Giáo dục H9 ít người nên được phân làm 50 chông dài 2 mét và 500 chông nhỏ. Sau một tuần chúng tôi đã vượt chỉ tiêu.

Năm 19794, tôi dẫn đoàn giáo viên H9 sang H5 mở lớp bồi dưỡng hè do anh Hồ Thược, Trưởng Ban Giáo dục tỉnh phụ trách. Vất vả nhất là Đỗ Văn Giáo lo hậu cần nên gùi xoong, nồi thường phát ra tiếng động. Khổ nhất là bám theo giao liên khi vượt đường từ cánh Nam lên cánh Bắc (lúc đó là đường 21) và từ cánh Đông sang cánh Tây (đường 14). Hai cậu trai trẻ là Bùi Văn Đồng và Nguyễn Văn Dân (Quang) được phân công chốt chặn hai đầu đường cho đoàn đi qua thật nhanh. Có lần đang vượt đường thì có xe địch, thấy có AK lăm lăm của đoàn đông người nên cả hai bên không nổ súng. Tất cả đều an toàn. Hôm sau, đoàn bắn được con nai ở H5, kéo nhau đến Suối Đá mới có nước làm thịt và để chia mỗi người mang một ít cho nhẹ. Đâu ngờ khói bốc lên nên trực thăng địch phát hiện mục tiêu, quần thảo trên đầu. Thế là quăng vội ba lô, mỗi người một khẩu AK chạy vội lên đồi trống, phía ấy có rừng. Lên đỉnh đồi, địch bắn xuống đội hình nhưng không ai việc gì.

Tôi là người sợ chết nhưng là Trưởng đoàn nên trong hoàn cảnh đó tạm thời coi là dũng cảm và quyết định: Tất cả các đồng chí giương súng AK bắn trực thăng. Bắn xong cả hai bên đều chạy. Trực thăng thả khói sáng, chúng tôi đã chạy vào rừng. Cảnh bắn máy bay trên đồi trống bây giờ nhớ lại vẫn còn run.

Các đại biểu tại Lễ khánh thành Bia Di tích lịch sử quốc gia “Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III (tháng 7-1966)”.  Ảnh: Thế Hùng
Các đại biểu tại Lễ khánh thành Bia Di tích lịch sử quốc gia “Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III (tháng 7-1966)”. Ảnh: Thế Hùng

Mùa hè 1974, tôi có dịp đi Thăng Lễ, đi một mình, lại bị sốt rét ác tính quật ngã dọc đường. Không đi nổi, bò lết dọc đường đầy phân heo, phân cọp. May mắn bò lết được vào quân giới Đắk Lắk, lúc đó có anh Sửu, anh Hoàng ở nhà với nhiệm vụ cưa bom, cưa đạn lấy thuốc nổ để chế tạo mìn. Hai anh bẻ bắp non, luộc lấy nước cho tôi uống, chăm sóc tôi một tuần mới đỡ để vào bệnh xá H9 nhờ anh Thành, chị Quyền chăm sóc. Công ơn các anh chị, tình cảm những người cùng chiến trường, tôi mang nợ suốt đời.

Thời gian ở Khuê Ngọc Điền, tôi ở gần anh Ba Lại làm Xã đội trưởng. Vợ Ba Lại là Bốn Xuân, cả hai đều quý tôi; có lần đánh cá và bồi dưỡng cho tôi. Tôi ở với chú Xứng, ông già có mấy con đều đi thoát ly. Kế bên là chị Chín Kiển, chồng chết vì pháo địch. Chị có đứa con tên là Thu. Cháu Thu mới 8 tuổi mà có năm dắt mẹ theo dân làng vào rừng sâu lánh giặc. Mẹ bị mù vì bom Mỹ mà có năm dắt mẹ 18 lần chạy giặc.

Tôi nợ ân tình tất cả. Dù sổ tay đã ghi đầy nhưng chưa có dòng nào đọng lại, thấm đẫm ân tình vùng căn cứ một thời.

Hoạt động gần nửa thế kỷ ở Đắk Lắk, cái đọng lại là ân tình với đồng bào, đồng chí. Tôi biết rằng mình còn mắc nợ với dân, với Đảng bộ rất nhiều.

Tôi sinh hoạt ở Đảng bộ H9, qua các đồng chí Bí thư Huyện ủy: H’Ri, Trần Trương, Huỳnh Thanh Vân, đồng chí nào cũng tràn đầy tinh thần cách mạng, lãnh đạo huyện có vùng giải phóng rộng lớn, nhiều khó khăn nhưng luôn giàu nghị lực, ý chí để hoàn thành nhiệm vụ.

Chi bộ Giáo dục sinh hoạt chung với Chi bộ Kinh Tài cùng đóng gần nhau bên dòng Krông Bông. Dù bận đến đâu, ngày sinh hoạt Chi bộ cũng đông đủ. Những ngày kỷ niệm thành lập Đảng, ngày lễ, tết đều tổ chức đàng hoàng, chu đáo, đều có khẩu hiệu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Lúc bấy giờ không có khái niệm thoái hóa, biến chất mà gửi trọn niềm tin vào lý tưởng của mình.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 thành công tốt đẹp, những quyết sách càng đặt trọng trách lên Đảng bộ để dân càng tin tưởng và kỳ vọng đưa Đắk Lắk trở thành tỉnh phát triển bền vững, giàu đẹp như mong ước của các bậc tiền bối 80 năm qua.

Hữu Chỉnh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.