Multimedia Đọc Báo in

Bài học về nghệ thuật quân sự mở đầu kháng chiến toàn quốc

08:37, 23/12/2020

Toàn quốc kháng chiến (mở đầu vào đêm ngày 19-12-1946) - cuộc tổng giao chiến đầu tiên, mở đầu cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam, với sự hưởng ứng, phối hợp của quân và dân khắp mọi miền Tổ quốc, giành được những thắng lợi quan trọng, tạo tiền đề chuyển đất nước vào chiến tranh, tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. Sự kiện đó thể hiện tài nghệ lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước hết, đó là nghệ thuật xác định rõ kẻ thù và phân hóa kẻ thù

Sự “nhân nhượng cuối cùng” để tránh một cuộc chiến tranh nổ ra đối với nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ, đó là từ Hiệp định sơ bộ (6-3-1946) hòa hoãn và nhượng bộ với Pháp, đuổi 20 vạn quân Tưởng về nước mà không cần một cuộc chiến; đến Tạm ước 14-9, ta tiếp tục nhượng bộ một số quyền lợi về kinh tế, văn hóa cho Pháp trong khi thế và lực của ta chưa mạnh. Bởi trước đó, Đảng ta đã xác định: “nhất định không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”. Thực tế thì ngày 20-11-1946, quân Pháp chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, mở đầu kế hoạch lấn chiếm miền Bắc nước ta. Từ đầu tháng 12-1946 trở đi, tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn khi quân Pháp chiếm thêm Hải Dương, khiêu khích Hà Nội và nhiều nơi khác. Trước tình hình đó, không còn con đường nào khác, nhân dân ta đã giành quyền chủ động tổ chức chiến đấu chống kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp, với mục tiêu cứu nước giành độc lập dân tộc và phương pháp chiến tranh nhân dân theo phương châm “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”.

 Thứ hai, nghệ thuật lựa chọn thời cơ mở đầu cuộc kháng chiến

Sau thời gian hòa hoãn để xây dựng thực lực, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chủ động tiến công kẻ thù, mở đầu toàn quốc kháng chiến, tạo thế chủ động bước vào cuộc chiến tranh tự vệ, đẩy Pháp vào thế bị động. Mở đầu toàn quốc kháng chiến bằng một cuộc tiến công đồng loạt ở các đô thị. Thắng lợi to lớn hơn nữa là ta chiến đấu tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, đồng thời còn giam chân chúng trong các đô thị, không cho chúng nhanh chóng mở rộng chiếm đóng ra các vùng nông thôn, ngoại thành. Thắng lợi đó góp phần làm tiêu tan mưu đồ đánh úp của quân Pháp, khiến Pháp từ thế chủ động thành bị động, làm thất bại âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của chúng. Bên cạnh đó, thành công trong mở đầu toàn quốc kháng chiến đã bảo vệ an toàn cơ quan đầu não kháng chiến, bảo toàn được chủ lực, tạo ra lợi thế và khoảng thời gian cần thiết cho đất nước triển khai thế trận chiến đấu trong thời chiến.

Phát lệnh toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội tháng 12-1946. Ảnh: TTXVN
Phát lệnh toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội tháng 12-1946. Ảnh: TTXVN

Thứ ba, nghệ thuật xây dựng kế hoạch và điều hành tác chiến

Theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy chiến khu 11 (mặt trận Hà Nội) xây dựng phương án tác chiến là chủ động tập kích, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quân Pháp, tập trung lực lượng đánh một vài vị trí, tổ chức các khu tác chiến dài ngày trong thành phố và tỏa ra các cửa ô; kết hợp trong ngoài cùng đánh. Các lực lượng giam chân địch càng lâu càng tốt; khi điều kiện thực hiện nhiệm vụ không còn nữa thì chủ động rút khỏi thành phố để bảo toàn và phát triển lực lượng, thực hiện kháng chiến lâu dài. Đây là kế hoạch tác chiến chiến lược trên quy mô cả nước, trong đó, mặt trận Hà Nội được coi là chiến trường chính.

Quán triệt quyết tâm của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy đã chỉ đạo các khu mở đợt tiến công vào vị trí đóng quân của Pháp từ phía Bắc vĩ tuyến 16 trở ra. Tiêu diệt một bộ phận quân địch ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Cầu Đuống, Hải Dương, Nam Định; cô lập địch ở Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng; chặn đánh, giam chân chúng một thời gian ở Hà Nội và một số thành phố, thị xã khác, tạo điều kiện chuyển cả nước vào cuộc kháng chiến. Sau đó, ta chủ động rút khỏi đô thị để bảo toàn lực lượng chủ công, kháng chiến lâu dài. Đối với chiến trường Nam Trung Bộ, Nam Bộ, phải đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu hao, tiêu diệt địch ở đô thị và nông thôn.

Thứ tư, nghệ thuật sử dụng lực lượng

Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đây là cuộc kháng chiến lâu dài, trải qua ba giai đoạn: phòng ngự, cầm cự, phản công. Trong cuộc kháng chiến ấy, để giành được thắng lợi phải xây dựng được lực lượng vũ trang nhân dân hùng hậu, bao gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Ở mặt trận Hà Nội, lực lượng gồm năm tiểu đoàn Vệ quốc quân (191, 77, 145, 523, 56), mỗi tiểu đoàn tổ chức thành ba bộ phận: bộ đội phòng ngự, bộ đội tiến công và bộ đội dự bị, ngoài ra còn có trên 8.000 tự vệ và công an xung phong. Mặt trận Hải Dương và đường số 5 có Trung đoàn 44 của Chiến khu 3 cùng dân quân, tự vệ. Ở Bắc Ninh, Bắc Giang có Trung đoàn Bắc Bắc thuộc Chiến khu 12. Ở Nam Định có Trung đoàn 34 thuộc Chiến khu 2 và khoảng 1.000 dân quân tự vệ. Tại Đà Nẵng, có các Trung đoàn 93, 96 của Khu 5 cùng quân dân và tự vệ. Ở Huế, có Trung đoàn Trần Cao Vân và 2 tiểu đoàn tiếp phòng, một số đại đội độc lập và khoảng hơn 1.000 tự vệ thành.

Cùng với đó, ta mở mặt trận Tây Tiến với ba tiểu đoàn của Chiến khu 2 và Chiến khu 3 nhằm hướng Tây Bắc, tiến sang Sầm Nưa. Chiến khu 4 đưa một tiểu đoàn của Thanh Hóa sang Sầm Nưa và một tiểu đoàn của Nghệ An sang Xiêng Khoảng. Quân ta nhanh chóng giải phóng lưu vực sông Mã, Sầm Tố, tiến vào Sầm Nưa, mở ra vùng căn cứ kháng chiến rộng lớn cho lực lượng cách mạng Lào tiến hành kháng chiến lâu dài.

Nhân dân  thủ đô Hà Nội dựng chiến lũy chống giặc Pháp tại phố  Mai Hắc Đế.  Ảnh tư liệu
Nhân dân thủ đô Hà Nội dựng chiến lũy chống giặc Pháp tại phố Mai Hắc Đế. Ảnh tư liệu

Thứ năm, vận dụng các hình thức chiến thuật, phương thức tác chiến

Trong cuộc kháng chiến, tùy thuộc vào tình hình cụ thể, từng trận đánh mà ta vận dụng các hình thức đánh phù hợp như: tập kích, phục kích địch, đồng thời thực hành các trận phòng ngự bảo vệ những vị trí quan trọng. Với cách đánh “trùng độc chiến”, đánh cả mặt trước và mặt sau lưng địch, khiến quân Pháp luôn bị phân tán. Về hình thức, phương thức hoạt động tác chiến: du kích chiến vẫn là căn bản nhưng tìm mọi cơ hội để đánh vận động chiến, tiêu diệt địch; triển khai du kích khắp nơi, dùng binh lực lớn đánh vận động chiến nhưng không mạo hiểm; địa lôi chiến; phá hoại tiêu thổ đô thị nhỏ; đánh giao thông vận tải... Nhờ vận dụng sáng tạo hình thức chiến thuật trong từng trận đánh mà quân dân ta đã tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giam chân địch dài ngày trong thành phố, bảo toàn quân chủ lực, tạo điều kiện để cơ quan, kho tàng, công xưởng và nhân dân di chuyển an toàn lên khu căn cứ, tổ chức kháng chiến lâu dài.

74 năm trôi qua nhưng sự kiện mở đầu toàn quốc kháng chiến vẫn để lại những bài học kinh nghiệm quý giá. Bài học đó không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có giá trị hiện thực sâu sắc để vận dụng, phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.