Multimedia Đọc Báo in

Năm Sửu với những sự kiện lịch sử đáng nhớ

20:21, 11/02/2021

Năm ất sửu 905: Khởi nghĩa Khúc Thừa Dụ

Khúc Thừa Dụ (830 - 907) lãnh đạo nhân dân nổi dậy chống nhà Đường, chiếm thành Tống Bình, tự xưng là Tiết Độ Sứ, đóng đô ở La Thành, xây dựng chính quyền tự chủ, kết thúc ách thống trị hơn 1.000 năm của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Khúc Thừa Dụ quê ở Hồng Châu (thuộc địa hạt Bàng Giang, Ninh Giang, Hải Dương).

Năm kỷ sửu (1049): Xây dựng chùa một cột

Tháng mười (lịch ta), vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng chùa Diên Hựu. Truyền thuyết kể lại rằng, chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ. Theo đó, tòa sen của Phật bà Quan Âm (điện thờ) được đặt trên cột đá như đã thấy trong mộng của nhà vua. Chùa mang tên Diên Hựu, nghĩa là “Phúc lành dài lâu”. Thời phong kiến, chùa đã nhiều lần trùng tu. Năm 1954, quân đội viễn chinh Pháp trước khi rút khỏi Hà Nội đã cho đặt mìn để phá chùa Một Cột. Sau khi tiếp quản thủ đô, năm 1955, Bộ Văn hóa đã tiến hành xây dựng lại chùa Một Cột theo kiến trúc cũ do Kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng đảm nhiệm. Chùa Một Cột được công nhận là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á.

Năm đinh sửu (1397): Hồ Quý Ly tiến hành cải cách hành chính

 Hồ Quý Ly (1336 - 1407) thực hiện cải cách chế độ hành chính, nhằm tăng cường tổ chức của các khu vực hành chính, chia nước ra làm lộ và trấn. Cùng năm 1397, Hồ Quý Ly bức vua Trần dời đô vào Thanh Hóa, gọi thành mới xây ở núi An Tôn là Tây Đô. Thăng Long (hay Đại La Thành) đổi thành Đông Đô. Thành nhà Hồ (Tây Đô) có chu vi trên 3,5 km, rộng khoảng 150 ha, xây dựng ở vị trí đặc biệt hiểm yếu, nằm giữa hai con sông lớn là sông Mã và sông Bưởi, vây quanh thành là hệ thống núi non hiểm trở.

Năm kỷ sửu (1469): Vẽ bản đồ Hồng Đức

Bản đồ Hồng Đức, tức Hồng Đức bản đồ sách, được vẽ theo lệnh của vua Lê Thánh Tông. Năm 1490, bộ bản đồ được hoàn thành, tuy nhiên, bản gốc đã bị thất truyền. Bản đồ Hồng Đức gồm 5 tập, theo thứ tự mang tên: Hồng Đức nhị thập nhất niên tứ nguyệt sơ lục nhật, Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, Giáp Ngọ niên bình Nam Đồ, Cảnh Thịnh tân đồ Đại Man quốc, Cao Bằng phủ toàn đồ. Bản đồ Hồng Đức được xem là bản đồ địa lý và hành chính đầu tiên do nhà nước phong kiến Việt Nam thực hiện.

Đinh sửu (1697): Ban hành đại việt sử ký toàn thư

Ban hành Đại Việt sử ký toàn thư (năm Chính Hòa thứ 18, triều vua Lê Hy Tông). Bộ quốc sử này gồm 25 quyển viết bằng chữ Hán. Đại Việt sử ký toàn thư là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, là di sản vô giá của văn hóa dân tộc Việt Nam, là kho tư liệu phong phú không những cần thiết cho ngành sử học mà còn giúp ích cho nhiều ngành khoa học xã hội khác và cũng là một bộ sử có giá trị văn học.

Năm ất sửu (1865): Xuất bản tờ báo quốc ngữ đầu tiên

Gia Định báo xuất bản số đầu tiên ngày 15 tháng 4 tại Sài Gòn. Tờ báo do Trương Vĩnh Ký sáng lập và cũng là tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn, Gia Định báo chính thức đình bản vào ngày 1-1-1910. Báo có khổ 25x32cm với giá 0,97 đồng/tờ. Thời gian đầu, báo ra mỗi tháng 1 kỳ vào ngày 15 hằng tháng sau đó mỗi tháng 2 kỳ, rồi mỗi tuần 1 kỳ, không cố định thời gian và số trang. Trương Vĩnh Ký đề ra ba mục đích cho tờ báo: Truyền bá chữ quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học trong dân.

Năm quý sửu 1973: Hiệp định paris được ký kết

 Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký kết tại Paris, thủ đô nước Pháp. Theo thỏa thuận giữa các bên ghi trong Hiệp định, ngày 29-3-1973, quân nhân Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, chấm dứt mọi can thiệp quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ đối với vấn đề Việt Nam. Hiệp định Paris được ký kết vào những ngày giáp Tết Quý Sửu khiến nhân dân hai miền Nam - Bắc như vỡ òa trong niềm vui được đón cái Tết đầu tiên im tiếng súng và hy vọng về một ngày hòa bình, thống nhất non sông đang đến gần sau hơn một phần tư thế kỷ chiến tranh chia cắt, đau thương.

 Nguyễn Duy Xuân (st-bs)   

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.