Multimedia Đọc Báo in

Những "bông hồng thép" trên đường Trường Sơn

06:22, 24/03/2021

Năm 1968, đúng vào giai đoạn cam go nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, vào ngày 8-3, Cục Hậu cần Quân khu 5 quyết định thành lập Tiểu đoàn vận tải nữ 232 với nhiệm vụ gùi lương thực, đạn dược, cõng thương binh, mở đường và chống lầy để xe ô tô đi qua... Tiểu đoàn gồm 4 đại đội vận tải, 1 tiểu đoàn bộ, 1 trạm xá và 1 đội sản xuất với hơn 600 cô gái đang ở độ tuổi xuân thì mười sáu, đôi mươi.

Mặc dù chỉ tồn tại trong 4 năm (1968 - 1972) nhưng Tiểu đoàn vận tải nữ 232 dưới sự dẫn dắt của Tiểu đoàn trưởng Phạm Thị Thao đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vận chuyển hơn 5.000 tấn hàng ra chiến trường trên những đôi vai mảnh khảnh. Với phương châm "Đạp 50 cân xuống đất, hất 70 cân sang bên, vì chiến trường mang lên một tạ" hay "Không tính khối lượng, không tính chỉ tiêu, có sức bao nhiêu cống hiến tất cả", “Không để bộ đội ở chiến trường đói rét, thiếu lương thực, vũ khí súng đạn; không chuyển được hàng ra mặt trận là có lỗi với chiến sĩ”, dấu chân của các chị đã in khắp vùng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đường 9 - Nam Lào, từ dốc Lò Xo đến Hòn Kẽm, Đá Dừng, đèo Le, đèo Phượng Tổng...

Luồn rừng, băng đèo, lội suối dưới những cơn mưa tầm tã hay cái nắng cháy da, cái rét cắt thịt, gùi hàng gấp hai lần trọng lượng cơ thể trong lúc địch liên tục lùng sục, càn quét, đơn vị đã kiên cường "tiếp lửa" cho chiến trường. Nhiều chị được các cấp tặng danh hiệu “Kiện tướng hành lang”, được tặng Huy hiệu Bác Hồ, Huân chương Chiến công Giải phóng... Tiểu đoàn trở thành ngọn cờ tiêu biểu của ngành hành lang vận tải Khu 5, tập thể đơn vị và Tiểu đoàn trưởng Phạm Thị Thao, Chính trị viên phó Đại đội 2 Nguyễn Thị Huấn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Kiện tướng gùi hàng Nguyễn Thị Huấn (giữa) và đồng đội.  Ảnh tư liệu
Kiện tướng gùi hàng Nguyễn Thị Huấn (giữa) và đồng đội. Ảnh tư liệu

Hình ảnh những cô gái trẻ măng cùng chiếc gùi cao hơn đầu sẽ còn đọng lại mãi trong ký ức của đồng đội và nhân dân thuở ấy. Cao 1,55 m, vóc dáng mảnh mai song Chính trị viên phó Đại đội 2 Nguyễn Thị Huấn đã làm nên điều phi thường: Mang vác lượng hàng nặng gấp hơn hai lần trọng lượng cơ thể của mình. Đó là vào đầu năm 1972, đơn vị được giao vận chuyển nhiều loại vũ khí, trong đó có súng cối 120 mm vừa nặng, vừa cồng kềnh, gùi cá nhân không nổi mà hai người khiêng leo dốc cao không bảo đảm an toàn. Xung phong nhận trách nhiệm này về mình, suốt đêm đó chị Huấn thức trắng, tìm mọi cách buộc dây, gùi thử. Lúc đầu đứng dậy không nổi vì đế súng nặng 125 kg, chân đế lại đưa ra ngoài rất vướng. Gần sáng, chị mới tìm ra cách chèn thêm gỗ vào. Hôm sau, chị gùi đế cối vượt qua khe Chín Khúc, leo qua ngọn đồi Thanh Sơn đến được điểm giao hàng đúng thời gian quy định. Lần khác, chị gùi nòng súng ĐKZ 75 mm rất dài, vừa đi vừa cầm dao phát dây leo trên đầu, có lúc bị vấp ngã, cả người lẫn hàng đều lăn xuống dốc.

Thường trực đối mặt với “đói, đau, đạn, địch”, nhiều nữ quân nhân Tiểu đoàn đã mãi mãi nằm lại trên chiến trường, hy sinh vì bom đạn quân thù, vì vận chuyển hàng qua sông giữa mùa lũ lớn, vì những cơn sốt rét ác tính... Ngày ngày bền bỉ chất trên vai bao gạo nặng trĩu ra mặt trận song chị em vẫn chỉ ăn bo bo. Những ai đau ốm, bị thương và có lệnh của chỉ huy mới được phép lấy gạo sử dụng. Giữa đạn bom ác liệt, chị em san sẻ từng viên thuốc, cọng rau, thìa cháo và cùng hát vang những bài ca cách mạng: “Cô gái mở đường”, “Nổi lửa lên em”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Tiếng đàn Ta-lư”...

 “Bom thù, mưa dội, đường trơn/ Hàng em vẫn xẻ Trường Sơn đi về” - những “bông hồng thép” xinh đẹp và can trường “Vai trăm cân, chân vạn dặm” của Tiểu đoàn vận tải nữ 232 đã dệt nên bao huyền thoại, mãi bất tử cùng những chiến công trên các cung đường Trường Sơn máu lửa.

Đỗ Thị Ngọc Diệp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.