Multimedia Đọc Báo in

Những trận đánh không thể nào quên

06:12, 23/03/2021

Đã 50 năm trôi qua nhưng trong ký ức của tôi vẫn không thể nào quên được những ngày sát cánh cùng đồng đội tham gia các trận chiến đấu trên chiến trường Đường 9 – Nam Lào...

Mùa khô 1970 - 1971, Trung đoàn bộ 591 cao xạ pháo đóng quân trên ngọn đồi gần bản Cha Ki Phìn do Thiếu tá Lê Lẫm làm Trung đoàn trưởng và Thiếu tá Phạm Năm làm Chính ủy. Tôi tháp tùng Thiếu úy Đại đội trưởng Nguyễn Văn Khi lên Trung đoàn nhận mệnh lệnh chiến đấu. Đơn vị chúng tôi là Pháo cao xạ 37 ly nhưng Trung đoàn chỉ đạo kéo pháo về “Q 300” cất giấu, sau đó nhận súng máy cao xạ 14,5 ly hai nòng cơ động linh hoạt, rất phù hợp với việc đánh máy bay cường kích, máy bay trực thăng và quân đổ bộ đường không. Đơn vị đã nhanh chóng tiếp nhận vũ khí mới, tổ chức huấn luyện, đào đắp công sự, triển khai đội hình chiến đấu trên một ngọn đồi tranh, khá bằng phẳng phía đông đường 29, phía Nam đường 9 (gần bản Keng).

Ngày 4-2-1971, chúng tôi nhận lệnh chuyển trận địa lên cao điểm 255, xa đường 29 một chút nhưng gần đường 9 - Bản Đông hơn. Quả đồi hình “mâm xôi”, không lớn nên bố trí trận địa khá thuận lợi. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Khi bố trí 3 trung đội thành hình tam giác đều, “hỏa khí phân tán nhưng hỏa lực tập trung”. Chúng tôi khẩn trương triển khai đội hình chiến đấu, chuẩn bị đủ cơ số đạn 14,5 ly và súng bộ binh, đào, chỉnh, ngụy trang hầm pháo, mở đường tiến, đường lui khi cần. Đất đồi mùa khô khá cứng nhưng với công cụ chuyên dùng, sức trẻ và kinh nghiệm thường xuyên làm trận địa, cộng với tinh thần, khí thế nóng lòng “đón đợi địch đến để đánh” của bộ đội nên trận địa nhanh chóng được hoàn thành.

Các chiến sĩ quân giải phóng tham gia chiến đấu trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.  Ảnh: Tư liệu
Các chiến sĩ quân giải phóng tham gia chiến đấu trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Ảnh: Tư liệu

Không phải đợi lâu, sáng sớm ngày 8-2-1971, hàng loạt máy bay phản lực thay nhau bổ nhào ném bom xuống cao điểm 255; cùng lúc 3 sư đoàn ngụy quân Sài Gòn hành tiến theo hướng Lao Bảo - Bản Đông (mục tiêu là tiến qua Sê Pôn, hội quân tại Mường Phìn với 2 sư đoàn quân ngụy Lào nhưng đến Bản Đông thì bị ta chặn đánh không thể tiến sâu hơn). Khắp mặt trận Đường 9 - Nam Lào từ Khe Sanh, Lao Bảo đến Bản Đông, chiến sự diễn ra quyết liệt trên diện rộng (hơn 42 km chiều dài và gần 10 km chiều rộng). Ở khu vực Bản Đông, hàng chục máy bay phản lực nhào lộn ném bom, hàng trăm máy bay trực thăng rà lượn sát ngọn cây bắn M79 và đại liên xuống các khu vực chúng dọn bãi. Khắp chiến trường sục sôi, sặc mùi thuốc súng; tiếng máy bay gầm rú, tiếng nổ của bom, tiếng nổ của đạn pháo mặt đất, pháo phòng không vang dậy khắp vùng. Đây thật sự là cuộc đối đầu giữa hai lực lượng: Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam - miền Bắc XHCN với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Chúng ta chủ động lựa chọn vị trí, lợi dụng địa hình, địa vật, triển khai đội hình chiến đấu nên hết sức chủ động đợi địch đến để đánh.

Tại cao điểm 255, hàng loạt máy bay phản lực thay nhau bổ nhào ném bom, chúng tôi và các đơn vị bạn đã bắn trả quyết liệt, đồng thời chuẩn bị đánh quân đổ bộ đường không. Khói bom chưa tan thì hàng chục chiếc máy bay trực thăng HU 1A, HU 1B đã quần lượn, liên tục bắn đại liên và M79 xối xả xuống trận địa. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Khi đã bình tĩnh chỉ huy đơn vị chiến đấu, bắn rơi 7 máy bay trực thăng.

Nhận lệnh cấp trên, đơn vị chúng tôi chuyển sang cao điểm 462, phía Nam cao điểm 255 chừng 800 mét. Tại đây 3 trung đội cũng bố trí theo hình tam giác đều nhưng địa hình rộng nên các trung đội gần như độc lập tác chiến, lấy tiếng súng làm hiệu lệnh hợp đồng. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Khi chỉ huy trực tiếp Trung đội 1 do Phạm Văn Lụa (dân tộc Mường, quê Thanh Hóa) làm Trung đội trưởng; Chính trị viên Đại đội Nguyễn Văn Phẩm (quê Hải Hưng) đi với Trung đội 2 do đồng chí Huế (quê Nghệ An) làm Trung đội trưởng; đồng chí Hoàng Văn Liên, Đại đội phó đi với Trung đội 3, do đồng chí Nguyễn Văn Bào (quê Hà Bắc) làm Trung đội trưởng. Rút kinh nghiệm bị địch bắn xối xả vào trận địa trong trận đánh ngày 8-2-1971, để bớt thương vong, bảo toàn lực lượng, chiến đấu lâu dài, Đại đội trưởng ra lệnh: “Địch đến từ hướng trung đội nào, trung đội đó phải bắn trước, tiếng súng là hiệu lệnh hiệp đồng để các trung đội phối hợp chiến đấu và bắn chiếc đi sau, nhớ là bắn chiếc đi sau!". Đây là chiến thuật linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả của Đại đội trưởng mà sau trận đánh chúng tôi mới ngẫm ra.

Ngày 11-2-1971, từ sáng sớm, máy bay địch quần đảo, đánh phá dữ dội cao điểm 462. Vẫn thủ đoạn quen thuộc, máy bay phản lực bổ nhào ném bom dọn bãi, máy bay trực thăng hạ thấp độ cao, tìm mục tiêu, dùng súng đại liên bắn quét, súng M79 và cả lựu đạn tấn công chế áp hỏa lực ta. Nhiều lúc không nghe tiếng bom, đạn nổ, chỉ thấy lụp bụp, đất đá rào rào, khói bụi mù mịt. Tuy nhiên toàn Đại đội vẫn chiến đấu kiên cường, đánh trả quyết liệt, bắn rơi 12 máy bay trực thăng.

Sau khi đánh phá dọn bãi, địch bắt đầu đổ quân, đơn vị được lệnh rút về cao điểm 595 phía Tây đường 29 (gần cao điểm 660). Đây là chốt chặn, đánh địch nếu chúng đổ quân xuống cao điểm 660. Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra, bởi chúng đã bị các sư đoàn bộ binh thiện chiến của ta bao vây khóa chặt, đánh cho tơi tả tại khu vực Bản Đông - Đường 9. Sư đoàn 308 có nhiệm vụ chốt chặn, không cho địch vượt qua ngầm Thà Khống. Các Sư đoàn 304, 308, 324 (của Binh đoàn 70), Sư đoàn 968 của Đoàn 559, Sư đoàn 2 (của Quân khu 5), cùng các Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp, hai trung đoàn pháo cao xạ cùng nhiều đơn vị phối thuộc đã đánh tơi bời quân địch khi chúng thoát ly công sự, chưa kịp bố trí, triển khai lực lượng dọc theo Đường 9. Chúng ta đã chủ động chặn đầu, khóa đuôi, không cho tiến, không cho rút, kìm chân địch để đánh và ngày 23-3-1971 tập đoàn cứ điểm địch ở Bản Đông bị tiêu diệt, cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của Mỹ - ngụy đã bị đánh bại. Chúng ta đã chiến thắng! Bản hùng ca Đường 9 - Nam Lào là tiếng chuông báo hiệu sự thất bại của Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” mà đế quốc Mỹ xâm lược đã vạch ra.

Tuy nhiên, có chiến thắng nào lại không có sự hy sinh mất mát. Trong chiến dịch này, Đại đội tôi đã vĩnh viễn không còn Đại đội phó Hoàng Văn Liên, Khẩu đội trưởng Ngô Sỹ Bình và chiến sĩ Phạm Văn Ư.

Nhớ về chiến thắng Bản Đông, Đường 9 - Nam Lào, tôi viết những dòng này, thay cho nén tâm nhang, tri ân các đồng đội đã hy sinh, góp phần cho chiến thắng và cho chúng ta có được hạnh phúc hôm nay.

Hoàng Chuyên

Cựu chiến binh Ðường 9 - Nam Lào


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.