Multimedia Đọc Báo in

Ký ức về những ngày giải phóng H9

08:33, 25/05/2021

Đến nay đã tròn 56 năm kể từ ngày H9 (huyện Krông Bông) được giải phóng (ngày 9-5-1965) nhưng ký ức về những ngày hào hùng ấy vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của những người trực tiếp tham gia các trận đánh năm ấy...

Ông Y Sai Niê Kđăm (thường gọi Ama Phương) ở buôn Chàm (xã Cư Drăm) nguyên là trạm phó T3 thời ấy.

Ông kể lại: Thực hiện chủ trương của Đảng bộ B5 (phiên hiệu của tỉnh Đắk Lắk lúc bấy giờ) là phải mở cho bằng được vùng nông thôn dinh điền, đồn điền là nơi đông dân, lực lượng của địch mạnh để tiến tới xây dựng căn cứ địa cách mạng, ngay từ năm 1961, ông đã có mặt tại H9 xây dựng tuyến hành lang từ buôn Kiêu (nay thuộc xã Yang Mao) đến buôn Chàm (nay thuộc xã Cư Drăm) chuẩn bị cho kế hoạch đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

Đến cuối năm 1964, thực lực cách mạng tại H9 Krông Bông đã có bước phát triển đều khắp trong cả ba vùng như: Tại các dinh điền trọng yếu ở Khuê Ngọc Điền, Quảng Cư, Thăng Quý, ngoài việc lực lượng vũ trang và đội công tác đột nhập móc nối xây dựng cơ sở, ta còn xây dựng cơ sở binh vận trong bảo an, nghĩa quân, phòng vệ dân sự và cả bộ máy chính quyền xã, ấp của địch, hoạt động theo kiểu “xanh vỏ, đỏ lòng”; xây dựng lực lượng du kích và đẩy mạnh sản xuất lương thực trong vùng giải phóng (ba xã Lắk Ea Găm, Lắk Măn và Lắk Yang Đăm).

 

Ông Lâm Sanh Lại là người chỉ huy trận chống càn tháng 2-1965 trong thời gian chiến dịch giải phóng H9 Krông Bông.  Ảnh: Khả Lê
Ông Lâm Sanh Lại là người chỉ huy trận chống càn tháng 2-1965 trong thời gian chiến dịch giải phóng H9 Krông Bông. Ảnh: Khả Lê

 

Trước sự chuyển biến mạnh mẽ của phong trào cách mạng ở H9, Đảng bộ tỉnh quyết định mở đợt tấn công và nổi dậy với quy mô lớn để giành chính quyền và làm chủ toàn bộ vùng nông thôn khu Nam đường 21 (nay là Quốc lộ 26). Với quyết tâm cao, Tỉnh đội B5 tăng cường một bộ phận lực lượng vũ trang V80 cho H9, sau khi hoàn tất kế hoạch tác chiến, ta chủ động tấn công khiến địch “trở tay không kịp” với phương án “nội công, ngoại kích”. Ngày 2-2-1965 ta đã làm tan rã hàng ngũ địch, giành chính quyền về tay nhân dân ở dinh điền Khuê Ngọc Điền, mở đầu cho chiến dịch giải phóng H9 Krông Bông. Tiếp tục tấn công địch từ nhiều phía, chỉ trong một đêm 15-2-1965, ta giải phóng một loạt ba dinh điền: Thăng Quý, Vụ Bổn, Quảng Cư, sau đó hai ngày giải phóng luôn Phước Trạch và Lễ Giáo.

Ông Lâm Sanh Lại là chỉ huy trong trận đánh vào tháng 2-1965. Sau khi Khuê Ngọc Điền được giải phóng, để cứu vãn tình thế, địch huy động Trung đoàn 45 thuộc Sư đoàn 23 tổ chức đi càn với quy mô lớn. Nhận được tin báo của trinh sát, ông Lại đã tổ chức khảo sát địa hình, cho du kích gài mìn để nhử địch ở khu vực đồi 81 (nay là sau chùa Phước Lâm), đồng thời xây dựng bãi mìn trên đường rút quân của địch, tiến hành sơ tán dân. Khi một đại đội địch tấn công lên đồi 81 bị vướng mìn, tháo lui rơi vào trận địa của ta, bị tiêu diệt và thương vong gần một đại đội. Địch từ Hòa Sơn và Hòa Lễ kéo về ba đại đội ứng cứu, nhưng suốt ba ngày đêm chúng không thực hiện được âm mưu càn quét và phải rút quân.

Tiếp tục phối hợp với bộ đội D301 Đắk Lắk, lực lượng du kích Khuê Ngọc Điền mai phục ở vành đai “ấp chiến lược” ở phía tây - bắc Hòa Sơn. Khi binh lính địch từ trên hai chiếc xe GMC đổ bộ xuống thì bị chặn đánh bất ngờ, ta tiêu diệt phần lớn sinh lực địch và đốt cháy hai xe GMC. Trên đà thắng lợi, quân và dân ta liên tục tổ chức vây ép, khiến địch ở đồn Ami Gar bị cô lập hoàn toàn tìm cách tháo chạy về Phước An, còn quân lính địch đang ở quận Phước An đóng ở Phước Trạch bỏ chạy ra Lợi Nhơn (gần đường 21) để lập quận mới. Toàn huyện H9 Krông Bông được giải phóng vào ngày 9-5-1965.

Như vậy, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, với chủ trương dựa vào quần chúng xây dựng thực lực cách mạng, kết hợp giữa tấn công táo bạo của lực lượng vũ trang với nổi dậy của quần chúng nhân dân, chỉ trong gần 100 ngày từ ngày 2-2-1965 đến ngày 9-5-1965, H9 Krông Bông đã được hoàn toàn giải phóng. Thắng lợi đó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với phong trào cách mạng tỉnh Đắk Lắk, lần đầu tiên ta làm chủ một địa bàn có vị trí chiến lược ở "tam giác sắt": Đắk Lắk - Lâm Đồng - Khánh Hòa để xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc, góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.