Multimedia Đọc Báo in

"Giữ lửa" văn hóa Mường

13:29, 29/08/2017

Đứng trước thực trạng bản sắc văn hóa Mường ngày càng mai một, thế hệ con cháu không hiểu sâu sắc về cồng chiêng và các làn điệu dân ca của dân tộc mình.

Đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 20-9-2016 của Thành ủy Buôn Ma Thuột về việc "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030", UBND TP. Buôn Ma Thuột phối hợp với UBND xã Hòa Thắng đã mở lớp học đánh chiêng và hát dân ca dân tộc Mường.

Tham gia lớp học có 26 học viên nữ độ tuổi từ 14 - 23 là con em người dân tộc Mường trong xã. Đảm nhận công tác giảng dạy là 3 nghệ nhân: Nguyễn Thị Mừng, Nguyễn Thị Lộc và Nguyễn Thị Ngọc Vân; trong đó nghệ nhân Nguyễn Thị Lộc là người có nhiều kinh nghiệm và đã gắn bó lâu dài với cồng chiêng. Nghệ nhân Nguyễn Thị Ngọc Vân còn rất trẻ, vừa tốt nghiệp đại học nhưng từ nhiều năm nay đã là nghệ nhân chính thức trong đội chiêng của xã Hòa Thắng, từng đi biểu diễn nhiều nơi, trong những dịp lễ, sự kiện quan trọng. Tại lớp học này, Ngọc Vân trở thành “cầu nối” kết nối giữa thế hệ đi trước với thế hệ sau mình. Cũng chính nhờ sự trẻ trung, năng động của Ngọc Vân nên những giờ học trở nên hấp dẫn, sinh động, gần gũi và dễ hiểu hơn.

Đã một tháng qua, chiều nào 26 học viên nữ cũng đến hội trường của UBND xã để được học đánh cồng chiêng. Các nghệ nhân dạy cho các em làm quen từ những âm thanh đơn giản nhất đến cách phối hợp giữa các thành viên của đội trong một dàn chiêng.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lộc trực tiếp
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lộc trực tiếp "cầm tay chỉ việc" hướng dẫn học viên cách đánh cồng chiêng.

Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Lộc, đối với người Mường, cồng chiêng và dân ca không chỉ đơn thuần là nhạc cụ, âm nhạc mà đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Tiếng cồng chiêng âm vang trong mỗi bản, làng từ xa xưa đã trở nên thân thuộc, gần gũi gắn liền với tâm hồn và đời sống tinh thần của bà con dân tộc Mường. Trong ngày Tết cổ truyền, lễ hội đầu xuân, ngày mùa hay những chương trình văn hóa, văn nghệ của đồng bào nơi đây không thể thiếu âm thanh trầm bổng của tiếng cồng chiêng và các giọng hát mượt mà, tha thiết của các làn điệu dân ca truyền thống.

Em Nguyễn Ngọc Bội Bội - một học viên tham gia lớp học chia sẻ: “Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ đánh cồng chiêng Mường dễ nhưng thật sự rất khó. Do không có giáo trình, nghệ nhân cũng chưa qua trường lớp sư phạm, dạy học chủ yếu theo phương pháp truyền thống là truyền miệng và “cầm tay chỉ việc” nên việc truyền đạt kiến thức gặp không ít khó khăn. Những ngày mới học, khi đánh lỗi nhịp em cảm thấy rất nản nhưng được sự động viên, chỉ bảo tận tình của các nghệ nhân, em có động lực để theo đuổi niềm đam mê với cồng chiêng Mường. Ngoài ra, dân ca dân tộc em có rất nhiều bài hát hay nên em theo học để biết và gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Anh Lê Thăng Long, cán bộ phụ trách văn hóa xã Hòa Thắng cho biết, cộng đồng người Mường di cư từ tỉnh Hòa Bình vào mảnh đất Hòa Thắng sinh sống, lập nghiệp từ năm 1954, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử nhưng người Mường nơi đây vẫn giữ nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình, đặc biệt là tiếng cồng chiêng trong các dịp vui, nghi lễ. Việc mở lớp học nhằm góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống, không để bị mai một. Đa số các em tham gia lớp học đều đam mê cồng chiêng của dân tộc mình nên có tinh thần ham học hỏi, chăm chú nghe giảng. Các nghệ nhân dù bận việc gia đình, nương rẫy và mặc thời tiết nắng mưa thất thường nhưng rất nhiệt tình, đều đặn đến lớp với mong muốn truyền dạy nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc