Multimedia Đọc Báo in

Bị cụt 1 chân có được học lái xe hạng B1?

09:09, 14/10/2016

Mới đây, ông L.X.Q. (xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk) có gửi đơn đến Sở GTVT thắc mắc về trường hợp của ông bị cụt chân phải ngang gối có được học, thi lấy giấy phép lái xe (GPLX) hạng B1 hay không (thực tế ông đã lái được xe số tự động)?

Trước đó, vào tháng 8-2016, ông Q. đến Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ khám sức khỏe để học, thi (GPLX) hạng B1, trong đó ở mục 7, phần II (khám cơ xương khớp) ghi kết quả khám “cụt 1/3 đùi (P) ngang gối” và ở phần IV (kết luận): “Sức khỏe loại III đủ điều kiện lái xe ôtô hạng B1 (theo mục VII, phụ lục 01 TTLT số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT Thông tư liên tịch Bộ Y tế - Giao thông Vận tải, ngày 21-8-2015). Giấy khám sức khỏe này có giá trị trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký kết luận)”. Tuy nhiên, khi ông Q. đến đăng ký học và thi bằng lái xe tại Trường Trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) thì trường phân vân trường hợp của ông có được thi sát hạch hay không, yêu cầu ông đến hỏi cơ quan quản lý Nhà nước là Sở GTVT để được giải thích.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trịnh Hữu Kiệm, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT) cho biết, Sở cũng phân vân và đã có văn bản gửi Sở Y tế để trả lời cho công dân. Còn thực tế, từ trước tới nay, các cơ sở, trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh chưa tiếp nhận và đào tạo người dân nào bị cụt chân vào học, thi sát hạch lái xe và Sở cũng chưa cấp giấy phép lái xe cho trường hợp nào bị cụt 1 chân.

Bảng phụ lục 1 tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe tại Thông tư nêu trên quy định: Người có một trong các tình trạng bệnh, tật: Bị cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng) thì không đủ điều kiện để lái xe hạng B1. Mới đây, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) lại có Công văn số 1124/KCB-PHCN&GĐ ngày 27-9-2016 trả lời Công văn của Sở Y tế Đắk Lắk  nêu rõ: “Đối với trường hợp cụt 1 cẳng chân hoặc 1 cẳng tay và các chân tay còn lại toàn vẹn (không cụt và không giảm chức năng) thì đủ điều kiện sức khỏe để học và lái xe thuộc nhóm 1 (hạng A1) và nhóm 2 (hạng B1). Trường hợp mất 2 bàn tay hoặc mất 2 bàn chân hoặc mất 1 bàn tay và 1 bàn chân đương nhiên không đủ điều kiện sức khỏe để học và lái xe hạng A1, B1’’. Căn cứ văn bản trả lời này, đối với trường hợp của ông Q. (chỉ bị cụt 1 chân, các chân tay còn lại còn nguyên vẹn) nên vẫn đủ điều kiện để lái xe hạng B1 như kết luận của Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ).

Để biết rõ hơn về trường hợp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với anh Trương Nhất Vương, giáo viên Trường Trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên, anh cho biết, đối với xe số sàn thì chân trái điều khiển côn (ly hợp), chân phải điều khiển phanh và ga, còn với xe trang bị hộp số tự động, người điều khiển xe chỉ dùng chân phải để điều khiển bàn đạp ga và bàn đạp phanh. Và theo đáp án của câu hỏi số 230 trong 450 câu hỏi lý thuyết thi sát hạch lái xe cũng chỉ rõ. Khi điều khiển ôtô có số tự động, không sử dụng chân trái, chân phải điều khiển bàn đạp phanh và bàn đạp ga. Như vậy, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, áp dụng với trường hợp của ông Q. bị cụt chân phải thì không thể học lái xe ôtô hạng B1.

Với văn bản chưa rõ ràng của Cục Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), để  có kết luận chắc chắn, Sở GTVT tiếp tục có văn bản gửi đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam để trả lời thắc mắc của ông Q., đồng thời sẽ có thông báo cụ thể đến các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trong tỉnh biết, thực hiện.            

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.