Multimedia Đọc Báo in

Nông dân bất an vì sông… "nuốt" đất!

08:07, 01/03/2017

Thời gian qua, người dân có đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Cư Kty (huyện Krông Bông) khu vực dọc hai bên bờ sông Krông Na cảm thấy bất an khi bờ sông ngày càng xói lở nghiêm trọng khiến đất đai canh tác bị thu hẹp, thậm chí còn đe dọa đến nhà cửa, tính mạng của con người…

Huyện Krông Bông hiện có 27 km sông Krông Na chảy qua địa phận các xã Khuê Ngọc Điền, Cư Kty, Yang Reh, Hòa Lễ, Hòa Sơn, Hòa Phong, Ea Trul. Theo người dân trong vùng cho hay thì mấy năm gần đây, đoạn sông này đã sạt lở nghiêm trọng, trong đó nặng nề nhất là địa bàn xã Cư Kty. Ông Võ Văn Hạnh ở thôn 2, xã Cư Kty cho biết, trước đây 2 bên bờ sông có cây cối mọc rậm rạp, lòng sông rộng chưa đầy 25 m, nhưng nay hai bên bờ sông đã bị xói lở, lòng sông đã rộng gấp 2,5 - 3 lần trước kia. Sông sâu hơn và nước sông chảy xiết hơn. Ông Hạnh ước tính mỗi năm dòng sông Krông Na lấn sâu vào đất liền không dưới 5 m.

“Thôn 2 xã Cư Kty có 30 ha đất sản xuất nằm ven sông, nhưng nay chỉ còn hơn 10 ha. Riêng ruộng mía nhà tôi đã bị con sông này “ăn” vào hơn 20 m. Trước đây, tôi có mở một con đường ven bờ sông để đi vào ruộng nhưng đã bị sạt lở trôi mất. Mới đây, tôi lại phải phá hoa màu để làm đường mới. Nhưng trong tháng Chạp vừa qua con đường này lại bị sông “nuốt” mất một đoạn” – ông Hạnh kể.

Bờ sông Krông Na đoạn qua thôn 2, xã Cư Kty sạt lở cuốn trôi một đoạn đường và lấn vào rẫy mía  của người dân.
Bờ sông Krông Na đoạn qua thôn 2, xã Cư Kty sạt lở cuốn trôi một đoạn đường và lấn vào rẫy mía của người dân.

Ông Võ Văn Sơn, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thăng Bình ở thôn 2 cho hay: Những năm gần đây, HTX Thăng Bình tập hợp nông dân xây dựng cánh đồng mẫu chung trồng mía ở ven bờ sông Krông Na nhưng càng ngày sông càng lấn đất của người dân. Hiện con đường HTX mở để đi vào cánh đồng mẫu chung đã bị sạt lở mất một đoạn dài hơn 20 m, thậm chí sông còn lấn sâu vào trong ruộng mía của người dân. “Trong thôn có nhiều hộ sinh sống chỉ cách bờ sông chưa đầy 100 m, nên ngoài việc bị sạt lở mất đất sản xuất, họ còn rất hoang mang vì nguy cơ tính mạng, nhà cửa của mình bị đe dọa…” – ông Sơn không giấu được vẻ lo lắng

Cũng theo ông Sơn, nguyên nhân chính xảy ra tình trạng lòng sông ngày càng lấn sâu vào đất liền là do nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình sử dụng các loại phương tiện có công suất lớn khai thác cát bừa bãi ở dưới lòng sông, làm thay đổi dòng chảy. Thậm chí ở các vùng đất ven sông đã bị sạt lở mạnh và đang có nguy cơ sạt lở cao vẫn xuất hiện các tàu khai thác cát hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đắk Lắk về vấn đề này, ông Huỳnh Bài, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, hiện Công ty khai thác cát Tây Nguyên, Công ty TNHH Hưng Vũ và một số công ty ở huyện Krông Pắc đang được tỉnh cấp phép khai thác cát tại khúc sông Krông Na chảy qua địa phận xã Cư Kty và các xã lân cận. Chính quyền địa phương đã nhận được ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng sạt lở hai bên bờ sông nhưng phía UBND huyện chưa xác định được chính xác nguyên nhân có phải do hút cát hay không. “Hiện tại chúng tôi đang cho rà soát, kiểm tra lại diện tích bờ sông bị sạt lở, đồng thời tìm nguyên nhân để báo cáo lên UBND tỉnh nhằm tìm ra các biện pháp xử lý phù hợp nhất” – ông Huỳnh Bài nói. 

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.