Multimedia Đọc Báo in

Trăn trở từ những lớp chiêng trẻ

09:14, 30/07/2016

Những ngày này, người dân hai buôn Hra Ea Tlă và Hra Ea H’ning, xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) dường như đã quen thuộc với âm thanh của tiếng chiêng tre, chiêng đồng vang lên tại nhà cộng đồng vào mỗi buổi chiều.

Đây là những lớp học đánh chiêng được chính các nghệ nhân trong buôn giảng dạy cho các em thiếu nhi. Cứ đều đặn vào 16 giờ hằng ngày, ông Y Ơng Bdap (56 tuổi), nghệ nhân cồng chiêng buôn Hra Ea Tlă lên lớp tỉ mẩn sắp xếp lại bộ chiêng tre và chiêng đồng chuẩn bị cho các em đến học. Đúng 16 giờ 30, 11 em trong buôn đã có mặt đầy đủ. Ông Y Ơn tâm sự: “Năm nay tôi cũng đã gần 60 tuổi nhưng đây là lần đầu tiên được truyền dạy một cách bài bản cho các cháu trong buôn về cách đánh chiêng của cha ông, tôi vui lắm!”.

Nghệ nhân  Y Ơng Bdap, buôn Hra Ea Tlă, hướng dẫn các em thiếu nhi diễn tấu chiêng đồng.
Nghệ nhân Y Ơng Bdap, buôn Hra Ea Tlă, hướng dẫn các em thiếu nhi diễn tấu chiêng đồng.

Có mặt tại các lớp chiêng mới cảm nhận được sự háo hức luyện tập của các em thiếu nhi. Y Phúc M’drang (11 tuổi), buôn Hra Ea H’ning háo hức khoe: “Lúc đầu cháu học khó lắm, gõ không đúng nhịp nhưng được thầy Y Kuôm H’đơk chỉ dạy nên giờ đã đánh được bài đón khách rồi, cháu vui lắm. Giờ chuyển sang tập chiêng đồng tuy có khó hơn nhiều nhưng chúng cháu nhất định cố gắng để biểu diễn trong ngày tổng kết cho các cô chú trên huyện và người dân trong buôn nghe”. Còn tại lớp học đánh chiêng của buôn Êrang, phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột), không khí cũng không kém sôi động khi hơn 10 em trong buôn được nghệ nhân Y Hiu Niê Kdăm, buôn Mdúk phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột), một nghệ nhân nổi tiếng của tỉnh truyền dạy. Ông Y Hiu Niê tâm sự: “Mong sau này những lớp dạy đánh chiêng thường xuyên được tổ chức để các cháu được sinh hoạt từ đó hiểu về ý nghĩa của tiếng chiếng rồi gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau”.

Anh Hoàng Minh Tuấn, cán bộ văn hóa của Trung tâm Văn hóa thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, những năm qua việc truyền dạy gặp không ít khó khăn, nhiều hộ dân đã bán đi những bộ chiêng quý dẫn đến tình trạng nhiều buôn trên địa bàn thành phố đang “trắng” về chiêng, không có đội hình diễn tấu cồng chiêng. Anh Tuấn chia sẻ: “Để việc truyền dạy cồng chiêng đạt hiệu quả cũng cần ở nghệ nhân đánh chiêng có năng khiếu sư phạm truyền dạy cho lớp trẻ…”. Chị H’Mỹ Linh H’mok, Phó Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Cư Kuin cũng bày tỏ: “10 năm trở lại đây, mùa hè nào huyện cũng cố gắng tổ chức các lớp học đánh chiêng cho thiếu nhi trên địa bàn. Tuy nhiên việc có được những nghệ nhân truyền dạy tốt cho các em cũng là một vấn đề nan giải. Trước đây có 4 nghệ nhân nhưng nay do tuổi cao sức yếu nên hiện chỉ còn hai nghệ nhân. Nhiều nghệ nhân tài giỏi chưa kịp truyền dạy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ trẻ đã về với ông bà là một sự mất mát cho việc gìn giữ nét đẹp văn hóa trên địa bàn”.

Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu – Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đặt ra yêu cầu cho các cấp, các ngành và người dân có ý thức hơn trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị đó trong quá trình xây dựng và phát triển. Trong nhiều giải pháp để nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể về vai trò trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy di sản quý báu này, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch H’Lim Niê cho biết: “Trong thời gian tới Sở sẽ tăng cường phối hợp với các nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc cho con em đồng bào dân tộc thiểu số; bồi dưỡng phương pháp truyền dạy cồng chiêng cho các đối tượng là nghệ nhân trẻ để họ có kỹ năng truyền dạy cồng chiêng cho các thế hệ kế tiếp…      

Nguyễn Gia
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.