Multimedia Đọc Báo in

Du lịch rừng - tại sao không?

10:02, 26/10/2016

Đắk Lắk có diện tích rừng đặc dụng lớn, với hệ động, thực vật phong phú, nhiều sông suối, thác ghềnh đẹp nhưng đến nay việc khai thác để làm du lịch còn rất hạn chế.

Giàu tiềm năng…

Bạn tôi đang làm cho một hãng lữ hành quốc tế trong một lần đến Đắk Lắk công tác thắc mắc: “Đắk Lắk rừng nhiều, nhưng không thấy có tuor du lịch sinh thái khám phá về rừng?”. Nghe tôi giới thiệu ở VQG Yok Đôn có dịch vụ du lịch khám phá rừng như: cưỡi voi, đi thuyền độc mộc trên sông, cắm trại ngủ ở rừng…, bạn tôi trầm ngâm: Vậy thì loại hình du lịch này chưa được đầu tư bài bản, còn đơn điệu và chưa được quảng bá rộng rãi. Du khách quốc tế rất thích những trải nghiệm mới lạ, mạo hiểm. Nếu có những tuor như vậy cùng với quảng bá tốt thì sẽ có khách du lịch quốc tế tìm đến. Rồi bạn tôi lại thắc mắc: Mà sao chỉ mỗi VQG Yok Đôn làm du lịch, các nơi khác thì sao?

Lúc này tôi mới sực nhớ ra những cánh rừng ở Đắk Lắk mà mình đã từng đặt chân đến có nhiều điều kỳ thú: hệ động thực vật phong phú,  sông suối, thác ghềnh nhiều vô kể… đang ẩn chứa một tiềm năng về du lịch sinh thái đúng như lời bạn mình nhận xét.

Quần thể thông nước (thủy tùng)  ở xã Ea Ral, huyện Ea H’leo.
Quần thể thông nước (thủy tùng) ở xã Ea Ral, huyện Ea H’leo.

Có thể kể đến như Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, với diện tích rộng khoảng 59.531 ha - nơi đây có đỉnh núi Chư Yang Sin cao 2.242 m, xung quanh là những dãy núi xếp tầng với hệ động thực vật vô cùng phong phú. Ở độ cao từ 1.000 m so với mực nước biển, chúng ta có thể tận hưởng tiếng kêu của muông thú, tiếng róc rách của nước suối; ngắm nhìn những cây pơ mu đại thụ hàng trăm tuổi... Bữa cơm sẽ có thêm những món rau rừng, mà ở thành phố có tiền cũng không mua được, nhưng ở đây chúng mọc khắp nơi…  Thi thoảng ta có thể nhìn thấy những đàn khỉ, vọoc trêu đùa bên các con suối. 

Hay khi đến với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô, nơi được các nhà khoa học đánh giá có đàn bò tót lớn nhất Việt Nam. Vào mùa khô, những trảng cỏ ngả màu vàng óng ánh, điểm xuyết ở giữa là những cây gỗ xanh tốt đẹp như một bức tranh mà thiên nhiên vô tình tạo nên. Nếu may mắn, bạn có thể nhìn thấy những con bò tót hùng dũng, nhởn nhơ gặm cỏ giữa rừng.

 Du khách cũng có thể đến thăm thú, tìm hiểu những quần thể thủy tùng đặc biệt quý hiếm (hay còn gọi thông nước) ở xã Ea Ral (Ea H’leo) hay ở xã Ea Hồ (huyện Krông Năng), tận mắt chứng kiến loài cây đã sống cùng thời đại với loài khủng long đã tuyệt chủng; và đây là 2 quần thể thủy tùng tự nhiên còn lại trên thế giới…

Nhưng thiếu vốn đầu tư

Ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin cho biết, phát triển du lịch sinh thái ở các khu rừng đặc dụng đã được Chính phủ cho phép tại Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày  24-12-2010 về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng, trong đó cho phép các Ban quản lý khu rừng đặc dụng tự tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái. Cụ thể, các chủ rừng đặc dụng có thể sử dụng một phần rừng, đất lâm nghiệp cho tổ chức, cá nhân thuê nhằm mục đích kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp với bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn thiên nhiên theo đúng quy hoạch được phê duyệt và các quy định hiện hành của pháp luật; liên doanh, liên kết giữa với tổ chức, cá nhân khác để tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái. Yêu cầu đối với dự án du lịch sinh thái là không gây ảnh hưởng tiêu cực đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường và các chức năng khác của khu rừng; phù hợp với quy hoạch của khu rừng đặc dụng được duyệt. Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ được xây dựng các tuyến đường mòn, đường cáp trên không, đường ngầm dưới mặt đất, trạm quan sát cảnh quan, biển chỉ dẫn phục vụ du lịch sinh thái…

Chủ trương đã có, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các chủ rừng đặc dụng là thiếu nguồn vốn, thiếu đối tác để liên kết đầu tư. Như VQG Chư Yang Sin, tiềm năng lợi thế là vậy nhưng đến nay, việc làm du lịch cũng chỉ mới dừng lại ở quy hoạch vì thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. “Nếu phát triển được du lịch, bên cạnh việc có thêm nguồn thu để đầu tư phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng và nghiên cứu khoa học, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, thì nó còn góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng trong các loại hình du lịch của địa phương”, ông Nghĩa trăn trở. 

Đắk Lắk hiện có khoảng 231.000 ha rừng đặc dụng, trong đó VQG Yok Đôn 115.000 ha, VQG Chư Yang Sin 59.531 ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô 26.484 ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar 20.575 ha, Khu bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước (thủy tùng) 120 ha, Khu rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lắk 10.200 ha.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.