Multimedia Đọc Báo in

"Giữ hồn" Tây Nguyên (Bài 1)

09:29, 31/10/2016

Họ là những người “giữ lửa” ở các buôn làng Đắk Lắk, những nghệ nhân thuộc lòng, biên dịch hàng trăm sử thi; chế tác nhiều nhạc cụ dân tộc, cất công sưu tầm, lập bảo tàng tại nhà với vô số hiện vật quý…

Bài 1:   “Bảo tàng sống” sử thi M’nông

Ở quê hương săn bắt, thuần dưỡng voi rừng Buôn Đôn, có người nghệ nhân già vẫn cần mẫn biên dịch những sử thi M’nông mà mình thuộc từ hàng chục năm trước.

Mê sử thi từ nhỏ

Đêm đêm, khi người dân buôn Tul A (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) chìm vào giấc ngủ thì nhà Điểu Klung vẫn sáng đèn. Ai cũng biết ông già 76 tuổi này làm việc đến khuya, dù ngày mai bận rộn với công việc trên nương rẫy. Sau bữa cơm tối, ông mắc võng nằm nghỉ một chút rồi lồm cồm dậy, chong đèn ghi chép, dịch lại theo trí nhớ những thiên sử thi (người M’nông gọi là Ót N’drông) mà mình từng thuộc từ thời trẻ.

Âm vang cồng chiêng Tây Nguyên.
Âm vang cồng chiêng Tây Nguyên.

Sinh ra trong một gia đình vốn yêu thích văn nghệ dân gian ở bon Pu Prâng (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông), thuở thiếu thời, cậu bé Điểu Klung đã đắm mình trong không khí sử thi của bon làng. Theo lời ông, bon Pu Prâng ngày trước gần vùng biên heo hút, đời sống sinh hoạt văn hóa của bà con M’nông gắn với những lễ nghi cúng bến nước, cúng cơm mới, lễ bỏ mả, lễ thổi tai cho trẻ… Những dịp cúng lễ dường như đem lại cho cậu bé Điểu Klung niềm vui khác ngoài những thanh âm cồng chiêng rộn rã, nhất là khi nghe già làng, nghệ nhân trong bon hát kể Ót N’drông. Trí tưởng tượng của Điểu Klung như bay bổng theo điệu hát kể, theo câu chuyện hấp dẫn, huyền hoặc của những nhân vật sử thi… Những lần hút hồn vào lễ hội của bon làng như thế khiến cậu bé chăn trâu này nhanh chóng nhập tâm, thuộc lòng những sử thi dài dằng dặc, có khi hát kể suốt ngày đêm. Khi trưởng thành, Điểu Klung có thêm nhiều cơ hội sinh hoạt diễn xướng với cộng đồng nên ông càng thuộc nhiều sử thi hơn nữa.

 “Giờ mình đã bắt đầu quên rồi, nhớ được phần sử thi nào là tranh thủ ghi vào giấy ngay. Không như những năm trước, ngày nào cũng có thể hát kể, thu băng rồi chép ra, in thành nhiều cuốn sách dày”, ông trầm ngâm nói.

Nghệ nhân Điểu Klung với những cuốn sử thi ông góp công sưu tầm,  biên dịch.
Nghệ nhân Điểu Klung với những cuốn sử thi ông góp công sưu tầm, biên dịch.

Từ năm 1995, Điểu Klung đã bắt đầu cộng tác, tham gia điều tra, sưu tầm dịch thuật cuốn Luật tục M’nông, rồi sau đó là tác phẩm sử thi Kể dòng con cháu mẹ Chêp, được xem là sử thi gốc, trong đó xuất hiện các nhân vật mở đầu cho kho tàng đồ sộ Ót N’drông. Đóng góp lớn nhất của ông Điểu Klung là khi tham gia dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên” do Viện Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì thực hiện. Gần 7 năm liền (2001 - 2007), ông rong ruổi điền dã khắp vùng cao nguyên M’nông, cùng anh trai Điểu Kâu, chị gái Thị Doanh và cháu gái là Thị Mai ghi âm, biên dịch để in hơn 50 sử thi M’nông.

Nghệ nhân Điểu Klung được Bộ VH-TT-DL tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp VH-TT-DL” năm 2014; Viện Khoa học xã hội Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khoa học xã hội”, Bằng khen về thành tích sưu tầm, hát và truyền dạy sử thi Tây Nguyên năm 2006; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian” năm 2003...

Theo lời Điểu Klung, những sử thi này khá dài, nếu hát kể đầy đủ thì có sử thi kể từ đêm đến sáng, qua cả ngày hôm sau. Những năm trước, việc ghi âm chỉ thực hiện bằng cassette, nhiều sử thi sử dụng từ 7 đến 10 cuốn băng, nếu dịch ra song ngữ M’nông - Việt phải từ 700 trang trở lên. Có những sử thi “khủng” về độ dài như Thuốc cá ở hồ bầu trời, mặt trăng, được dịch, in thành 2 tập, mỗi tập 500 trang. Nhiều tác phẩm khác dài cũng chỉ kém chút ít như: Tiăng đi lấy sừng trâu, Thần cưa răng Kon Rung, Bắt con lươn ở suối Đắk Huch, Tiăng bán tượng gỗ, Đánh cá hồ lau lách; Bán chiêng Yau cho Bon Tiăng, Tiăng lấy ché con mèo…

Ông bảo những năm trước, ở những lễ cúng hoặc hội hè trong vùng, ông thường hát kể sử thi nhưng gần đây thưa dần. Giọng ông thoáng buồn: “Giờ hát kể Ót N’drông ít lắm, buôn làng không còn tổ chức nhiều lễ hội, người già mất dần, còn lớp trẻ thì không mấy ai muốn nghe hát kể nữa. Ót N’drông được in thành sách như thế nhưng để lưu lại, nghiên cứu là chính, bà con không mấy người đọc tới”.

Chật vật đời thường

 
Nhiều năm làm công tác văn hóa dân gian, tiếp xúc với nhiều nghệ nhân nhưng tôi chưa thấy ai có khả năng nhớ tuyệt vời như ông Điểu Klung. Với khả năng hát kể gần 120 Ót N’drông, Điểu Klung là một trong những người nhớ sử thi nhiều nhất Tây nguyên, nếu không nói là quán quân.
 

Ông Trương Bi, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đắk Lắk

Nhiều người thắc mắc tại sao là người M’nông ở Đắk Nông nhưng Điểu Klung lại định cư ở xứ sở săn voi Buôn Đôn, ông cười bảo “tất cả do chữ duyên”. Trước năm 1975, nhờ học hành có chút chữ nghĩa, ông được chế độ cũ tuyển làm làm nhân viên văn hóa ở tỉnh lỵ Quảng Đức (nay là TX. Gia Nghĩa, Đắk Nông). Ở đó, ông quen biết, lập gia đình với người vợ đầu tiên. Trước ngày giải phóng ít lâu ông về quê vợ ở Đắk Lắk, những năm đầu sống ở Buôn Ma Thuột, rồi sau đó về Buôn Đôn. Không ngờ đến tuổi trung niên, dù đã có vài mặt con nhưng người vợ đầu lại rời bỏ ông. Theo ông, do “vợ chê mình không biết làm ăn, có lẽ mình chỉ mê sử thi mà thôi”. Vợ chồng chia tay nhưng người vợ vẫn ở cùng buôn, còn ông thì sau nhiều năm lần lữa đã lập gia đình mới với người phụ nữ kém hơn 20 tuổi, đến nay có thêm hai con. Dẫu vậy, ông cũng thỉnh thoảng ghé thăm nhà người vợ đầu, hai người xem nhau như những người bạn già.

Căn nhà của nghệ nhân già đơn sơ, trống trải như muốn nói chủ nhân hết sức nghèo khó. Điểu Klung kể hơn chục năm trước, có được số tiền 70 triệu đồng từ việc tham gia dự án sưu tầm, dịch thuật sử thi, ông đem mua vài sào ruộng, rẫy, rồi xây nhà, chia cho con cái một ít… Giờ thu nhập chủ yếu từ vài tạ lúa, bắp, đậu mỗi năm, rảnh thì vợ chồng cùng nhau đi nhặt phân bò trên các đồng bãi về phơi bón ruộng hoặc bán kiếm thêm ít tiền.

 

(Còn nữa)

Linh Châu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.