Multimedia Đọc Báo in

Đánh thức tiềm năng du lịch Núi Hoa

09:17, 15/11/2016

Cư M’gar là tên gọi ngọn núi lửa đã tắt hàng triệu năm qua trên vùng đất bazan màu mỡ này. Cũng có nhiều người gọi vùng đất ấy bằng cái tên rất gợi: Núi Hoa-và hình ảnh đó đã in sâu vào tâm tưởng bao người.

Giàu tiềm năng

Có thể nói, về Núi Hoa là về với không gian văn hóa - sinh thái vô cùng phong phú, đa dạng và hết sức độc đáo. Không gian ấy là vốn quý để huyện Cư M’gar khai thác, phát triển du lịch. Đến nay đã có 5 lễ hội được khảo sát, nghiên cứu và chọn lựa trong “kho tàng văn hóa” sâu dày, tiêu biểu của các dân tộc thiểu số được phục dựng và tổ chức thường niên trên địa bàn. Cùng với đó là hệ thống sông suối, thác hồ, núi rừng được phân bố đều khắp, trong đó có nhiều điểm nhấn ấn tượng càng làm cho bức tranh thiên nhiên ở đây trở nên hài hòa và tuyệt đẹp. Tiềm năng đó đã mở ra hướng phát triển du lịch của Cư M’gar là văn hóa-sinh thái đúng nghĩa.

Thác  Drai Dlông - danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia ở huyện Cư M'gar.
Thác Drai Dlông - danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia ở huyện Cư M'gar.

 

 

Chiến lược phát triển du lịch Cư M’gar (giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030) là nhằm phá thế độc canh cây cà phê, từng bước chuyển dịch tỷ trọng, cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ và thương mại để kết nối hành lang phát triển Đông-Bắc Buôn Ma Thuột.      

Ông Y Wem Hwing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết: Về sản phẩm du lịch, phải huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư mô hình du lịch cộng đồng gắn với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa ở các buôn làng người Êđê, Sê Đăng, Thái, Tày, Nùng đang sinh sống trên địa bàn. Bản sắc văn hóa đó được tái hiện và cảm nhận thông qua các lễ hội (mừng lúa mới của người Sê Đăng buôn Kon H’ring; cúng bến nước, cúng sức khỏe của người Êđê ở buôn Tul; ăn cơm mới của người Thái ở Ea Kuêh) gắn với Không gian Văn hóa cồng chiêng và ẩm thực truyền thống. Cùng với đó là nỗ lực đầu tư, xây dựng các điểm du lịch làng nghề truyền thống. Trước mắt, chính quyền địa phương cùng các ban ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ người dân khôi phục, phát triển làng nghề dệt thổ cẩm buôn Pốk A (thị trấn Ea Pốk), buôn Drao (xã Cư Dliê M’nông), buôn Tar (xã Ea Drơng), buôn Kna B, buôn Triă (xã Ea Tul) và đan lát, làm đồ thủ công mỹ nghệ, tạc tượng gỗ dân gian ở buôn Kroa (xã Cuôr Đăng), buôn Ea Sar (xã Ea Đrơng)… nhằm biến những địa chỉ này thành điểm đến tham quan, trải nghiệm cho du khách dưới hình thức Homestay kết hợp với các tour lữ hành trong và ngoài tỉnh.

Định hướng các điểm, tour du lịch trọng điểm

Chính quyền huyện Cư M’gar đang có kế hoạch xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các điểm, tour du lịch trọng điểm trên địa bàn. Đó là khu du lịch sinh thái Đồi Cư H’lâm, thác ba tầng Drai Dlông và hồ buôn Joong. Các danh thắng này đã được ngành văn hóa xếp hạng di tích cấp tỉnh và quốc gia. Ông Y Wem Hwing cho biết, thời gian qua đã có các doanh nghiệp như Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, Công ty Du lịch Đường mòn Châu Á, Công ty dịch vụ-du lịch Phúc Thiên Ân… đến khảo sát và cam kết đầu tư. Kỳ họp HĐND huyện sắp tới sẽ thông qua Nghị quyết chuyên đề về Phát triển du lịch (giai đoạn 2016-2025). Trong đó chính sách và chủ trương thu hút đầu tư, ưu đãi doanh nghiệp trên các mặt: thuế sử dụng đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ chế phối hợp bảo vệ trật tự - trị an được quan tâm hàng đầu.

Không gian bến nước (buôn Triă - xã Ea Tu) và nghi thức cúng thần nước, thần rừng hằng năm là tài nguyên quý giá để Cư M'gar phát triển du lịch.
Không gian bến nước (buôn Triă - xã Ea Tu) và nghi thức cúng thần nước, thần rừng hằng năm là tài nguyên quý giá để Cư M'gar phát triển du lịch.

Được biết, bước đầu các tour du lịch trên địa bàn huyện Cư M’gar đã được xác định và nhiều hãng lữ hành trong và ngoài tỉnh đã đưa khách đến đây với số lượng ngày càng tăng. Ví như tour du lịch nội địa Buôn Ma Thuột - Cư M’gar - Buôn Đôn: Đón khách từ Buôn Ma Thuột về thưởng ngoạn danh thắng đồi Cư H’lâm, đồi Cư M’gar, thác Drai Dlông, kết hợp thăm thú và trải nghiệm đời sống sinh hoạt văn hóa của người Êđê tại các buôn làng cổ như buôn Sut M’grư (xã Cư Suê), buôn Ê Mắp (thị trấn Ea Pốk) và buôn Ea M’droh (xã Ea M’droh)… sau đó vào Buôn Đôn. Trong tương lai không xa, khi các danh thắng được xếp hạng nói trên hấp dẫn các doanh nghiệp tìm đến đầu tư khai thác; đồng thời với việc người dân và chính quyền địa phương nỗ lực xây dựng, hoàn thiện mạng lưới giao thông, dịch vụ - thương mại - du lịch đều khắp trên toàn vùng thì bức tranh du lịch ở đây sẽ sáng rõ hơn.  

 

  Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.