Multimedia Đọc Báo in

"Giữ hồn" Tây Nguyên (Bài 3)

09:11, 02/11/2016

[links(left)]

Bài 3: Hồi sinh nhạc cụ truyền thống

Giữa phố núi sôi động, người nghệ nhân già vẫn say mê chế tác, diễn tấu nhạc cụ dân tộc, truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ ở buôn làng.

Về hưu trở thành nghệ nhân

Không khó để tìm nhà nghệ nhân Ama H’Loan ở buôn Akô Dhông, một buôn Êđê nằm giữa TP. Buôn Ma Thuột. Hằng ngày, người qua lại đều thấy ông ngồi trước hiên nhà, trên tay là chiếc rìu sắc, cần mẫn đục đẽo các ống tre, quả bầu để chế tác thành một loại nhạc cụ nào đó.

Ama H’Loan năm nay đã 77 tuổi, ông còn có tên khác là Y Bhiông Niê, quê ở vùng Cư Pơng, huyện Krông Búk, cách Buôn Ma Thuột chừng 70 km. Người nghệ nhân có 55 tuổi Đảng này cho biết thời chống Mỹ, ông thoát ly ra rừng từ năm 1960, tham gia làm giao liên, công tác dân vận, cầm súng chiến đấu bảo vệ vùng căn cứ kháng chiến suốt thời trai trẻ. Năm 1969, ông được ra miền Bắc học tập, đến năm 1972 trở lại chiến trường Tây Nguyên. Sau ngày thống nhất đất nước 1975, ông từng làm Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, sau đó công tác ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk đến ngày nghỉ hưu vào năm 2000. Ghi nhận cống hiến của ông, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì cùng nhiều bằng khen khác…

 Về hưu, sống ở buôn Akô Dhông, tham gia các sinh hoạt truyền thống cùng bà con, niềm đam mê văn nghệ của Ama H’Loan dường như trỗi dậy sau những năm tháng miệt mài công tác. Ông bảo hồi tuổi thiếu niên đã tập tành làm các nhạc cụ đơn giản để cùng lũ bạn chăn bò “thổi cho vui tai” ở ngoài rừng, ngoài rẫy. Giờ đây, chỉ với những vật liệu đơn giản có sẵn là ông lại có thể “hồi sinh” những nhạc cụ mà mình yêu thích. Hơn thế, ông dồn tâm huyết vào việc tìm hiểu cấu trúc các nhạc cụ truyền thống làm từ tre nứa, gỗ, thậm chí sáng tạo dùng các ống nhựa trong chế tác mà trước đây ít có nghệ nhân làm được. “Ngày trước chiếc kipăh (tù và) thường làm bằng sừng trâu, nay sừng rất hiếm nên mình phải chuyển sang dùng loại gỗ có độ bền như hương, tạo dáng, hong bồ hóng đen nhức như sừng thật. Phần chóp kipăh được làm khá công phu, nhất là bộ phận lưỡi gà làm thanh rung tạo âm phải bằng vỏ cây tre đực cứng và dẻo”, Ama H’Loan giải thích tỉ mỉ.

Ama H’Loan diễn tấu kèn đing năm do mình chế tác.
Ama H’Loan diễn tấu kèn đing năm do mình chế tác.

Theo Ama H’Loan, trong các nhạc cụ của người Êđê, khó làm nhất là kèn đing năm, do có đến 6 ống trúc đấu chung vào thân kèn là quả bầu khô, khoét lỗ tạo âm trên mỗi ống trúc phải tuyệt đối chính xác, nếu sai lệch vị trí các lỗ là sai âm. Thời gian đầu chế tác đing năm, ông làm hỏng nhiều lần mới thành công. Ông cho biết phải mất từ 2 - 3 ngày mới hoàn thành một chiếc đing năm nhưng bán chỉ với giá khoảng 300.000 đồng.

Ama H’Loan cho rằng các loại vật liệu chế tác như tre nứa, bầu khô tuy dễ tìm trong rừng rú, nương rẫy nhưng cũng đòi hỏi khắt khe như tre đủ độ già, ống có độ mỏng cần thiết, bầu khô phải có hình dáng đẹp và chuẩn để giữ hơi khi thổi. Vì vậy, có những vật liệu ông phải đặt mua từ các huyện xa như M’Đrắk, Ea H’leo, Krông Búk, Buôn Đôn… Hơn 15 năm qua, gần như ngày nào Ama H’Loan cũng bận rộn với công việc chế tác các nhạc cụ đing năm, đing puôt, đing klut, đing tăkta, kipăh, đàn t’rưng, ching kram… Ông bảo không nhớ mình làm ra bao nhiêu sản phẩm, chỉ biết rằng tháng nào cũng có người đến đặt hàng, không chỉ ở Buôn Ma Thuột mà còn từ nhiều huyện trong tỉnh. Khách hàng không chỉ là du khách đến mua làm kỷ niệm mà còn là các đoàn ca nhạc dân tộc, các đội văn nghệ dân gian ở các huyện, xã, buôn làng có nhu cầu biểu diễn nhạc cụ truyền thống…

Lo vắng người kế nghiệp

Năm 2014, Ama H’Loan cùng một số nghệ nhân ở Đắk Lắk được mời sang biểu diễn trong chương trình Festival âm nhạc dân gian quốc tế Sommelo ở Phần Lan. Ông nói đó là một trong những chuyến đi nước ngoài đem lại ấn tượng khó quên nhất, khi đi ông mang theo một thùng to chứa nhạc cụ và vật liệu tre nứa. Ông kể công chúng nước bạn tỏ ra ngạc nhiên, thán phục trước những nhạc cụ được ông biểu diễn và tự tay chế tác từ vật liệu đơn giản, mộc mạc lấy từ núi rừng Tây Nguyên. Nhiều người đã mua các nhạc cụ này để làm quà lưu niệm và còn học hỏi cách sử dụng chúng.

Ngoài tay nghề chế tác nhạc cụ, Ama H’Loan còn được mến mộ bởi tài chỉnh chiêng. Đôi tai thẩm âm chính xác cùng đôi tay khéo léo của ông đã giúp sửa chữa, hoàn thiện nhiều bộ chiêng hỏng ở nhiều buôn làng trong tỉnh. 5 năm trước, ông tham gia chỉnh sửa hàng trăm bộ chiêng trong một dự án cấp chiêng cho các buôn làng của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đắk Lắk. 
 

Ama H’Loan còn là một nghệ nhân tham gia biểu diễn cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Có năm, ông cùng vợ và con gái út thạo nghề dệt thổ cẩm được mời trình diễn các sinh hoạt văn hóa, lễ hội, tập tục của đồng bào Êđê nhiều tháng liền ở Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội). Ngôi nhà nhỏ của gia đình ông gần như ngày nào cũng rộn rã tiếng chiêng, đàn t’rưng hay kèn đing năm, đing tăkta của những thanh thiếu niên trong buôn đến luyện tập. Ông Ama Bi, đội trưởng đội chiêng buôn Akô Dhông, cho biết nhờ Ama H’Loan tận tình truyền dạy mà ngày càng có thêm nhiều người trẻ trong buôn biết đánh chiêng, chơi thành thạo các nhạc cụ.

Tuy vậy, với nghệ nhân Ama H’Loan, ông vẫn trăn trở khi tuổi già sức yếu nhưng không có ai tiếp bước theo nghề chế tác nhạc cụ, cái nghề mà theo ông phải chấp nhận đánh đổi nhiều thứ vì khó làm giàu. “Người đánh cồng chiêng, thổi đing năm ít nhiều đã có lớp trẻ kế thừa, nhưng người làm nhạc cụ thì ngày càng hiếm. Có người từ huyện xa phải lặn lội đem nhạc cụ hỏng lên Buôn Ma Thuột cho mình sửa chữa. Mình lo lắm vì giờ đây ở các buôn làng không còn mấy người biết chế tác, chỉnh sửa nhạc cụ nữa”, người nghệ nhân già bày tỏ nỗi ưu tư.

(Còn nữa)

Linh Châu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.