Multimedia Đọc Báo in

"Giữ hồn" Tây Nguyên (Bài cuối)

09:13, 04/11/2016

[links(left)]

Bài cuối: Truyền dạy sử thi

Dẫu cho người đam mê khan (sử thi Êđê) đang ít dần, trên vùng đất núi lửa Cư M’gar vẫn có nghệ nhân nhiệt tình truyền dạy kỹ năng hát kể khan cho thế hệ sau.

Bắc cầu đưa khan đến lớp trẻ

Cuối mùa mưa, rẫy cà phê xanh tốt của ông Y Wang Hwing (68 tuổi, buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Ông bỏ dở công việc dọn rẫy, vui vẻ vào nhà tiếp khách, dạo vài nhạc cụ cho câu chuyện về sử thi thêm phần hào hứng.

 Để minh họa, Y Wang hát kể bằng tiếng Êđê một trong những đoạn hào hùng nhất trong khan Đam San, một sử thi nổi tiếng của Tây Nguyên. Rồi ông dịch: “Đam San nói hãy đánh những cái chiêng kêu nhất, những chiêng cất trong gùi có đeo lục lạc. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua nhà sàn vang xuống đất. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua mái nhà vọng lên trời và lan ra khắp cả xứ. Hãy đánh cho đến lúc voi và tê giác phải lắng nghe mà quên cho con bú. Đánh cho ếch nhái và dế cũng phải lắng nghe mà không kêu nữa… Nhà Đam San đông đặc người đến uống rượu. Người lớn, trẻ con và các tù trưởng vùng lân cận cũng đến ăn mừng lễ chiến thắng của Đam San… Đất dưới nhà bị rượu chảy xuống tràn ngập đến nỗi giun phải bò ra khỏi đất, dế bò ra khỏi lỗ, ếch nhái nổi lên kêu như là có mưa lụt…”.

Ngoài kể khan, Y Wang cũng diễn tấu thành thạo nhiều nhạc cụ truyền thống.
Ngoài kể khan, Y Wang cũng diễn tấu thành thạo nhiều nhạc cụ truyền thống.

Y Wang Hwing hiện là một trong số ít nghệ nhân kể khan hay nhất ở Đắk Lắk. Ông cho biết thuộc gần 10 khan Êđê nhưng hát kể nhuần nhuyễn 4 khan là Đam Bhu - Đam Bha, Đam San, Đun Bru và Y Bong Hiu Knuh. Phần lớn các khan được ông tiếp thu từ ông ngoại của mình là Y Im, một nghệ nhân kể khan lừng danh trước đây ở vùng Cư M’gar. Ngay từ nhỏ, Y Wang đã theo chân ông ngoại đến các lễ hội, lễ cúng trong buôn làng, hoặc vào dịp “ăn năm uống tháng” đón mừng vụ mùa bội thu… Ở đó, sau lễ cúng là cuộc vui của cộng đồng với những ché rượu cần nghiêng ngả, âm thanh giục giã của tiếng trống, tiếng tù và, cồng chiêng, những điệu hát kưưt, hát ayray thôi thúc…

Thường thì những dịp như thế không thể thiếu vắng kể khan. Khi đêm dần về khuya, sau cùng lời kể khan của những nghệ nhân mới cất lên, giọng kể rì rầm cuốn hút người nghe thâu đêm suốt sáng. Cứ thế, những trường ca bất tận của núi rừng đêm đêm rót vào tai khiến Y Wang thuộc lòng khi nào không hay. Y Wang nói ngày trước không ai dạy kể khan cả, người nào thích thì theo chân các nghệ nhân hát kể năm này qua năm khác, rồi hát theo, nhớ theo, thừa hưởng tác phẩm của người đi trước truyền lại.

Chính vì đam mê mà lúc trẻ mỗi ngày chàng trai Y Wang đã bỏ ra nhiều giờ để học kể khan, lẩm bẩm lời khan cả khi đi làm rẫy, lên rừng, vào trong giấc ngủ…

Trong những lần Y Wang kể khan ở nhà dài của buôn, người nghe ban đầu rất đông nhưng “rơi rụng” dần chỉ còn những người thực sự yêu thích, muốn ông truyền thụ khả năng hát kể. Ông bảo kể khan đòi hỏi người học phải kiên nhẫn, sống hết mình với khan thì mới nhập tâm, diễn tả thuần thục nội dung của khan, người nào mau nản thì khó theo học.

“Mình mở lớp kể khan đầu tiên tại buôn Triă này hơn 10 năm trước. Ban đầu cùng già làng Ae Bưih dạy vài người trong buôn, mấy năm sau thêm nhiều người ở buôn khác cũng đến học nhưng số người hát kể thành thạo cũng chưa thật  nhiều”, Y Wang kể lại. Có 3 lớp học sử thi được ông truyền dạy tổng cộng 12 học viên, chủ yếu là thanh niên trong vùng. Đây cũng được xem là những lớp học hát kể sử thi bài bản và thành công nhất ở các buôn làng Đắk Lắk.

Thành tích này đã được Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ghi nhận và tặng giấy khen. Theo lời Y Wang, trong số học viên có khoảng năm, sáu người diễn xướng được nhiều sử thi, có thể kể đến như Y Pui Niê, Y Pắp Ajun, Y Pă Ksơr, và một người nữ hiếm hoi là H’Nhe Niê…

Gặp chúng tôi, Y Pắp Ajun xác nhận vốn liếng 3 sử thi mà anh thuộc nằm lòng là nhờ sự khổ công uốn nắn, chỉ bảo tận tình của nghệ nhân Y Wang. Anh cho rằng bí quyết để tiếp thu môn hát kể sử thi không có trong sách vở, giáo trình nào mà chính là niềm đam mê đối với những thiên hùng ca về cuộc sống của các tộc người xa xưa trên cao nguyên. “Cả thầy và trò đã thức cùng nhau nhiều đêm liền để học cách trình diễn sao cho thật hấp dẫn, truyền cảm. Tuy vậy, nhiều khi lo nghĩ chuyện làm ăn nên cái đầu mình cũng khó thuộc lòng những lời khan dằng dặc hàng ngàn câu”, Y Pắp bộc bạch.

Lo sử thi mất dần “đất sống”

Nghệ nhân Y Wang tự hào nói nhờ khổ luyện mà những học trò sử thi ở buôn làng của ông đã “thành danh” với nhiều giải cao tại các liên hoan cồng chiêng, dân ca, diễn xướng sử thi của huyện và tỉnh tổ chức. Ông bảo học hát kể khan còn tùy cách truyền cảm hứng của người dạy và tiếp nhận của người học, cũng như phải được tiếp sức từ không gian diễn xướng truyền thống. Chẳng hạn, trong những buổi lễ bỏ mả, lễ cúng cơm mới, cúng bến nước, khi tụ tập đông đủ dân làng, hát kể khan có thể kéo dài mấy ngày đêm liền, qua đó người học cũng tham gia hứng thú và nhanh chóng thành công.

Giờ đây, người nghệ nhân ở buôn Triă này cảm nhận “đất sống” cho sử thi Tây Nguyên không còn nhiều do cung cách làm ăn mới với cây cà phê, cao su đã làm thay đổi nếp sinh hoạt truyền thống của buôn làng từ xưa vốn gắn với tập quán canh tác lúa rẫy. Cùng với đó là sự mất dần của nhiều bến nước, nhà dài, khu rừng thiêng, nơi xưa kia thường diễn ra lễ hội, lễ cúng của các buôn làng và là không gian diễn xướng sử thi đầy sức cuốn hút…

Ông cũng tỏ ra lo lắng khi những người đã từng học kể khan vừa qua ít có dịp trình diễn ở buôn làng, như vậy thì dễ quên những gì đã nhớ.  “Mình cũng muốn truyền dạy nữa để tiếp nối thêm nhiều người hiểu biết và hát kể khan nhưng kể ra ngày càng ít người đam mê, ngay cả con cháu trong nhà cũng không thích nghe, thích học như mình ngày xưa”, Y Wang chạnh lòng. 

 

Linh Châu


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.