Multimedia Đọc Báo in

Long An chói sáng "8 chữ vàng"

08:58, 06/11/2016

Đến Long An vào những ngày cuối tháng 9 vừa qua, chúng tôi may mắn được trải nghiệm nhiều điều thú vị. Trong đó, có lẽ ấn tượng nhất là được hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu của quân và dân nơi đây trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước khi đến tham quan Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

 Theo lịch sử địa phương, đầu năm 1966, quân Mỹ bắt đầu tham chiến trên chiến trường Long An. Ngay lập tức, Tỉnh ủy Long An đã phát động phong trào toàn dân đánh Mỹ bằng vũ khí thô sơ và phong trào thi đua chiến đấu để giành danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Trong 2 năm 1966 và 1967, quân và dân Long An đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của Mỹ, tiêu diệt khoảng 1.000 tên địch, phá hủy nhiều phương tiện, trong đó, nổi trội là chiến dịch 45 ngày - đêm đánh Mỹ ở vùng hạ Cần Giuộc vào tháng 6 và tháng 7-1967. Trước những chiến công đó, năm 1967, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã phong tặng cho Long An 8 chữ “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” để biểu dương những chiến công vẻ vang, khí tiết, cốt cách sáng ngời của những người con vùng đất này. Tại Công viên Tượng đài Long An, lịch sử được tái hiện thông qua cụm các hộp hình, bảng giới thiệu 8 chuyên đề về những chiến công đặc trưng, những dấu ấn tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những hộp hình bố trí khéo léo nằm dưới mặt đất, nên khi bước vào khu vực này, lập tức du khách sẽ bước ngay vào không gian đêm tối mênh mông.

Hình ảnh “cây cầu người” được tái hiện trong công viên khiến nhiều du khách xúc động
Hình ảnh “cây cầu người” được tái hiện trong công viên khiến nhiều du khách xúc động.

Dưới sự hướng dẫn của cô thuyết minh, khách tham quan như được sống trong những năm tháng bi hùng của quân và dân Long An, lần lượt gồm cảnh: Nhân dân dùng xuồng đưa bộ đội vượt sông đánh giặc; 3 lần đánh đồn Đức Lập; Làng xã chiến đấu ở Long An; Sản xuất vũ khí tại công binh xưởng; Dân công hỏa tuyến Long An làm “cầu người” vận chuyển thương binh; Trạm quân y tại căn cứ xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ; Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sống, chiến đấu trong mùa nước lũ; Trận Hiệp Hòa ngày 23-11-1963 - trận đánh điển hình của 3 mũi giáp công (chính trị, binh vận, vũ trang). Tất cả các hộp hình được thể hiện bằng công nghệ 3D nên những rặng dừa nước, những cây tràm với tổ chim, ổ kiến vàng thật đến không ngờ. Cùng với đó là âm thanh sống động như tiếng côn trùng, tiếng đạn bom, trực thăng pháo kích... khiến không gian càng trở nên chân thật, sự việc như đang diễn ra trước mắt. Chính vì sự tái hiện quá chân thật ấy, nên hình ảnh những chiến sĩ thương tích đầy người,  những chiếc cầu người để cứu thương kịp thời cho đồng đội... khiến ai cũng bồi hồi xúc động với truyền thống anh hùng, những hy sinh cao cả mà quân và dân Long An đã trải qua, góp phần giành lại độc lập, tự do, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh thần thánh.        

Nằm ngay cửa ngõ TP. Tân An, Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” là một trong những công trình văn hóa tiêu biểu của tỉnh Long An. Công trình rộng 6 ha, có 2 phần chính là tượng đài và công viên, bao gồm các hạng mục điêu khắc: nhóm tượng người mẹ và chiến sĩ; quần thể tượng Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc…


Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.