Multimedia Đọc Báo in

Tây Nguyên bao giờ trở thành điểm đến hấp dẫn? (Kỳ cuối)

08:47, 24/05/2017

Kỳ cuối: Hướng đến sự bền vững, hài hòa giữa phát triển và bảo tồn*

Những nỗ lực của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương nhằm biến Tây Nguyên trở thành điểm đến du lịch vào năm 2020 là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vấn đề bảo tồn và phát triển sao cho bền vững, hài hòa trong hoạt động du lịch ở đây theo lộ trình đặt ra được xem là “bài toán” khá hóc búa. 

Phát huy vai trò cộng đồng      

Tiềm năng, thế mạnh du lịch Tây Nguyên được xác định là văn hóa -  sinh thái. Muốn phát triển dựa trên hai trụ cột này thì nhất thiết phải gìn giữ và bảo tồn bằng mọi giá vốn tài nguyên quý giá ấy. Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ: Một trong những nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên theo hướng bền vững là ưu tiên phát triển du lịch để giải quyết việc làm cho người dân, trong đó bảo đảm “ngành công nghiệp không khói” này có vị trí xứng đáng trong cơ cấu kinh tế của vùng. Theo đó, các giải pháp cụ thể cũng được đề ra: quan tâm đầu tư, phát triển dịch vụ nông nghiệp, thương mại, du lịch trong các buôn làng; khôi phục làng nghề thủ công truyền thống, gắn với việc hình thành các tour du lịch văn hóa ở những nơi có điều kiện; liên kết, hợp tác giữa các tỉnh trong vùng để thiết lập không gian kinh tế du lịch Tây Nguyên một cách đồng bộ và thống nhất về sản phẩm, nguồn nhân lực, quảng bá và xúc tiến; đặc biệt tăng cường mạnh mẽ khâu liên kết, hợp tác giữa vùng Tây Nguyên với các vùng du lịch trong nước cũng như quốc tế. Quy hoạch tổng thể trên cũng nhấn mạnh đến việc phát triển du lịch Tây Nguyên theo hướng bền vững, hài hòa với các ngành nghề khác trên cơ sở, nguyên tắc bảo đảm về môi trường - sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ.             

Lễ cúng rừng của  người Êđê (buôn H’Ngô,  xã  Hòa Phong, huyện  Krông Bông) là thực hành văn hóa nhằm  bảo vệ,  phát triển tài nguyên rừng.
Lễ cúng rừng của người Êđê (buôn H’Ngô, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) là thực hành văn hóa nhằm bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng.

 Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên - TS. Tuyết Nhung Buôn Krông  cho rằng: Rõ ràng “cây gậy” pháp lý đã có, nhưng việc thực thi mục đích, yêu cầu trên không hẳn là chuyện dễ dàng, đòi hỏi sự nhập cuộc của các cấp, ngành chức năng cũng như nhận thức, thái độ và trách nhiệm của cộng đồng trong khu vực. TS. Nhung gợi mở: Cần thay đổi nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống ở Tây Nguyên với phát triển bền vững. Xác định nội hàm giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên - từ cấu trúc văn hóa hữu hình (kiến trúc, trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ, lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng) đến hệ thống giá trị được tuyên bố (thiết chế xã hội truyền thống, luật tục, niềm tin, nhận thức, giao tiếp, ứng xử) để có sự lựa chọn phù hợp khi gắn kết với các giá trị hiện đại, nhằm đáp ứng lộ trình phát triển ngành kinh tế quan trọng này một cách hài hòa, bền vững. Theo đó, cần có cơ chế đặc thù về phát triển văn hóa - xã hội vùng Tây Nguyên để phát huy tối đa, hiệu quả vai trò của cộng đồng trong quá trình hoạch định, xây dựng và triển khai các hoạt động du lịch, nhất là thế mạnh du lịch văn hóa – sinh thái. 

Tái tạo “Nóc nhà Đông Dương”

Vấn đề “sống - còn” ở đây là những cánh rừng - không gian sinh tồn, đồng thời cũng là không gian lịch sử, văn hóa của các tộc người bản địa ở Tây Nguyên được nhìn nhận, ứng xử như thế nào cũng được các nhà nghiên cứu khoa học, xã hội, nhân văn, môi trường, doanh nghiệp kinh doanh du lịch đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị Nhà nước cần có chính sách, giải pháp cấp bách và quyết liệt về việc phục hồi rừng tự nhiên trên địa bàn. Bởi đây là cơ sở quan trọng, bảo đảm cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như góp phần ổn định xã hội, gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của người Tây Nguyên. Đáp ứng nguyện vọng đó, ngày 20-6-2016, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bộ NN- PTNT, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp tổ chức Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm phục vụ mục tiêu, chiến lượt phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và an ninh – quốc phòng, trong đó có vai trò của du lịch trên địa bàn cực kỳ quan trọng này.  

Theo thống kê của Bộ NN- PTNT, chỉ tính riêng trong vòng 5 năm (từ 2011-2015), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm hơn 300.000 ha, độ che phủ của rừng từ 61% giảm xuống còn 48,5%. Hệ lụy của vấn nạn này là tình trạng mất cân bằng đa dạng sinh học, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống và sinh kế của hàng vạn hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vốn gắn bó mật thiết với rừng. Sau khi nghe những con số được các bộ, ngành nêu ra tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận và chỉ đạo:  Bên cạnh vai trò về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, điều tiết khí hậu, rừng ở đây còn gắn với không gian văn hóa cồng chiêng, tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, vì vậy phải kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên. Không chuyển đổi mục đích sử dụng 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại trong khu vực sang mục đích khác nhằm tái tạo lại  “Nóc nhà Đông Dương”.

Hy vọng từ những thông điệp trên, cùng với sự vào cuộc đầy quyết tâm, khẩn trương, khoa học và hợp lý của cả hệ thống chính trị ở Tây Nguyên, vùng đất được mệnh danh là “huyền thoại và giàu mơ tưởng” này sớm trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, nổi tiếng cả trong nước và quốc tế. 

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.