Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới

15:21, 16/09/2017

Thực tế cho thấy, tại những xã ở Tây Nguyên đã được công nhận nông thôn mới đều có đầy đủ các thiết chế văn hóa đạt quy chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nhưng những hoạt động thuộc về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” hay các thể loại văn hóa truyền thống khác của các dân tộc thiểu số phía Bắc di cư đều gần như không có gì, ngoài những hoạt động hội diễn, liên hoan, hội thao thường niên và phục dựng một số lễ hội do ngành văn hóa cấp tỉnh tổ chức

Không chỉ đối với vùng dân tộc thiểu số, mà ở những xã nông thôn mới của người Kinh sinh sống tại Tây Nguyên, những di sản quốc tế, quốc gia của quê hương như ca trù, dân ca Nghệ Tĩnh, hát xoan Phú Thọ, dân ca quan họ Bắc Ninh… cũng gần như không có sự truyền dạy hay diễn xướng gì. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, ở Tây Nguyên còn có những đoàn tuồng, chèo, cải lương tư nhân… nhưng đến nay không còn tồn tại.

Đội nghệ nhân cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên năm 2016.  Ảnh: N. Gia
Đội nghệ nhân cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên năm 2016. Ảnh: N. Gia

Điều này, ngoài việc ngay cả chính Nhà nước cũng chưa có các tiêu chí đặc thù cho nông thôn những vùng có di sản văn hóa, còn đồng nghĩa với thực trạng những hoạt động tự thân của cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống cũng không có bao nhiêu.

Tuy nhiên, cũng có một hiện thực “an ủi”, là việc truyền dạy nghệ thuật diễn tấu ching chiêng, múa dân gian… cho thế hệ trẻ,  vẫn được nhiều người cao tuổi ở các buôn, bon, kon, plei chú trọng. Nhưng không phải để tổ chức các sinh hoạt lễ hội, lễ thức liên quan tới nông nghiệp hay vòng đời của cộng đồng, gia đình hay dòng họ như quá khứ đã từng, mà chủ yếu để tham gia trình diễn tại những hội diễn, liên hoan… do ngành văn hóa tổ chức, hoặc phục vụ khách du lịch ở những địa bàn có liên quan, nhất là khi ngành văn hóa phục dựng lễ hội theo kinh phí những dự án “Bảo tồn không gian văn hóa” (tức là nếu không được hỗ trợ, sẽ không còn tổ chức nữa).

Những biến dạng của văn hóa truyền thống vùng các dân tộc thiểu số Trường Sơn - Tây Nguyên không dễ chấp nhận đối với công tác bảo tồn văn hóa nếu chúng ta thật sự quan tâm. Rất cần phải có sự chỉ đạo ở tầm vĩ mô, với sự hiểu biết, sâu sát thậm chí là riêng biệt. 

Ở một vài vùng tập trung đồng bào dân tộc phía Bắc chuyển cư vào Tây Nguyên sinh sống từ 20 – 25 năm, với ý thức “di dân tự do” không được hưởng nhiều ưu tiên như đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã rất nỗ lực học hỏi kỹ thuật và làm kinh tế nên đời sống khá ổn định. Từ nhu cầu giữ gìn truyền thống và cho con cháu tìm về cội nguồn, bà con đã tự nguyện kêu gọi cộng đồng đóng góp tổ chức các lễ hội truyền thống, như lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) của người Tày, hội Háng Pồ của người Nùng, lễ Khai hạ của người Mường, hội Xuân của người Thái, lễ Gầu Tào của người Mông ở Đắk Nông, hội Xuân của đồng bào Tày - Nùng ở huyện Phú Thiện, Gia Lai vừa được tổ chức lần đầu tiên năm 2016… Các lễ hội này chưa nhiều nhưng chắc chắn sẽ được tổ chức theo chính nhu cầu tự thân mà cộng đồng tự nguyện tham gia đóng góp để thực hiện.

Một đội chiêng trẻ TP. Buôn Ma Thuột đang trình diễn chiêng tre.   Ảnh: N. Gia
Một đội chiêng trẻ TP. Buôn Ma Thuột đang trình diễn chiêng tre. Ảnh: N. Gia

Trước đây, có ý kiến cho rằng do đã chuyển đổi tín ngưỡng nên Tây Nguyên không còn nhiều những lễ thức, lễ hội theo phong tục cổ truyền. Tuy nhiên, khi được hỏi, bà con cho biết nguyên nhân: “Không còn làm lúa rẫy, lo làm thuê để có đủ lương thực gia đình ăn hằng ngày, lấy cái gì mà cúng”; mùa “ăn năm uống tháng, khai ning nơng – tháng nghỉ ngơi” ở Tây Nguyên không còn là mùa thu hoạch lúa bắp mà vừa là mùa tưới và mùa thu hái cà phê, tiêu, không nhiều thời gian rảnh tổ chức lễ; nhiều người không còn tin và theo tín ngưỡng truyền thống cũ…

Tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2015-2020 đã được bổ sung nhiều điểm, trong đó có câu “Nâng cao dân trí, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy”, song trong  báo cáo tóm tắt Kết quả xây dựng nông thôn mới 2014, kế hoạch 2015 và định hướng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới, phần phương hướng vẫn chỉ thấy những hướng dẫn chung chung, rằng “Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn.  Cơ bản hoàn thành cơ sở vật chất nhà văn hóa, khu thể thao thôn, đáp ứng, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa thể thao trên địa bàn thôn; nhà văn hóa, thể thao xã”... chứ không thấy đề cập về bảo tồn văn hóa truyền thống.

Thiết nghĩ, cần kết nối việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống  của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” và các di sản văn hóa quốc tế hay quốc gia đã được công nhận trong toàn quốc với những tiêu chí xây dựng nông thôn mới, theo đặc trưng cũng như sự sáng tạo của mỗi vùng. Cụ thể, cần bổ sung trong tiêu chí thứ 6: đối với các vùng thuộc di sản văn hóa quốc gia hoặc quốc tế: các nhà văn hóa xã phát huy năng lực từ chính người dân thông qua các ý kiến đóng góp, tổ chức truyền dạy và trình diễn di sản, gắn sinh hoạt những  ngày lễ của các đoàn thể chung với các dòng họ, gia đình (ví dụ như: tổ chức tại nhà văn hóa các hoạt động tập thể mừng thọ các cụ vào ngày Người cao tuổi, chúc mừng các mẹ ngày Phụ nữ, ngày Thiếu  nhi, lễ cưới với những phong tục truyền thống của Tây Nguyên như rượu cần, diễn tấu ching chêng, múa hát, vài món ăn truyền thống cùng chung vui… do các dòng họ, gia đình đóng góp…). Bổ sung trong tiêu chí thứ 16: thiết chế văn hóa ở các vùng có di sản được quốc tế, quốc gia công nhận (nhất là Tây Nguyên), ngoài môi trường xanh, sạch đẹp phải có nơi trưng bày, giới thiệu di sản với sự chung tay đóng góp hiện vật, hình ảnh… của cả cộng đồng.

Các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản) nên trao đổi, lấy ý kiến người dân ở từng cơ sở, từng tộc người, động viên sự sáng tạo và phát huy nội lực  về việc lựa chọn những nội dung cần gìn giữ, bảo tồn và cách thức phát huy (chẳng hạn như sáng tạo “Góc văn hóa dân tộc”, quy định mặc trang phục dân tộc 2 ngày/tuần ở các trường tiểu học, THCS vùng dân tộc thiểu số như tỉnh Kon Tum đã làm). Tiếp tục khuyến khích và trích từ nguồn kinh phí bảo tồn, phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hỗ trợ cho việc tự nguyện lựa chọn phục dựng một lễ hội truyền thống trong năm (do dân tự chọn). Tổ chức các lớp tập huấn tại cơ sở cho nhiều đối tượng từ lãnh đạo địa phương, cán bộ văn hóa các cấp, ngoài tài liệu chung, còn có những tài liệu đặc thù riêng từng vùng về nội dung di sản được tôn vinh, phương thức gìn giữ, bảo tồn. Bên cạnh đó, cần mở các lớp hướng dẫn chế tác sản phẩm dệt, mây tre đan và tạc tượng gỗ thành sản phẩm mỹ nghệ  lưu niệm để có thể tham gia vào thị trường du lịch; phát động một cuộc thi mẫu nhà ở bằng vật liệu kiên cố mang kiến trúc đặc trưng từng vùng hoặc tộc người Tây Nguyên, cho bà con tham khảo, lựa chọn…

Linh Nga Niê Kdam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.