Multimedia Đọc Báo in

Du ngoạn, khám phá "đảo Hải Tặc"

18:12, 02/12/2017

Hòn Đốc thuộc xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Hòn Đốc còn có tên gọi rất ấn tượng là “đảo Hải Tặc”, nằm ở khu vực biển Tây của Việt Nam. Hòn Đốc hợp với các đảo lân cận hình thành quần đảo Hải Tặc có diện tích đất nổi 1.100 ha, gồm 16 hòn đảo cách bờ biển Hà Tiên 11 hải lý (27,5 km).

Tấm bia chủ quyền ở bờ Tây đảo Hải Tặc được xây vào năm 1958, ghi rõ dòng chữ: “Quần đảo Hải Tặc. Hải đồ số: 3686 S.H; vĩ tuyến 10 độ 10’ 8; kinh tuyến 104 độ 20’ 0”. Quần đảo Hải tặc gồm có các đảo: Hòn Kèo Ngựa, hòn Kiến Vàng, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Vinh, Hòn Gùi, Hòn Hòn Ụ, Hòn Giang, Hòn Chơ Rơ, Hòn Đước Non, Hòn Bô Dập, Hòn Đồi Mồi”.

Đảo Hải Tặc ngày nay.
Đảo Hải Tặc ngày nay.

Từ cảng Hà Tiên, du khách xuống tàu vượt biển đi Hòn Đốc. Ở trên boong tàu, bạn sẽ thấy thành phố Hà Tiên xinh đẹp với núi Tô Châu mờ xa dần trong biển nước mênh mang; núi Pháo Đài, đồi Bình San, Núi Đèn, Mũi Nai xanh xanh như  một dải trường thành kỳ vĩ, nên thơ… Tàu phăm phăm gối sóng hướng về Hòn Đốc. Giữa biển khơi xanh biếc, phía nào cũng nhìn thấy đảo, du khách tưởng chừng như đang du ngoạn giữa “tiểu Hạ Long”! Sau hai giờ hải hành, tàu cập bến bãi Nam đảo Hải Tặc. Lên đảo vào lúc xế chiều, du khách sẽ có dịp ngắm hoàng hôn với mặt trời lặn dần xuống biển. Cảng cá nhộn nhịp hàng lên xuống với các cá bớp, cá đuối, ghẹ, mực, tôm… vô cùng tươi ngon, giá rẻ. Du khách có thể chọn mua về, mượn nồi hoặc nhờ người dân luộc, nướng giùm để thưởng thức ngay tại chỗ.

Nếu may mắn, bạn sẽ được người dân địa phương dẫn đi săn cua biển. Cua biển về đêm thường vào bờ, nép ven các vách đá để kiếm ăn, tìm bạn tình, giao phối và sinh sản. Bạn sẽ được trang bị đèn 3 pin cực mạnh để soi xuyên xuống mặt nước cùng một cây chỉa hai có ngạnh, dài chừng hai thước. Khi soi gặp cua, bạn phải giữ tâm của ánh đèn chiếu ngay mắt cua. Mắt cua sẽ phản chiếu lại ánh sáng đỏ hồng như hai hạt lựu, trong suốt. Chúng sẽ bất động “ăn đèn”, bạn nhắm theo luồng ánh sáng và phóng chỉa vừa tầm cho thật ngọt và êm. Nếu săn tìm và đâm  giỏi, một đêm trúng có thể thu được vài ký cua biển đem về nấu cháo hoặc hấp bia nhậu lai rai.

Để đến Hòn Đốc, từ TP. Hồ Chí Minh, du khách theo Quốc lộ 1A về Vĩnh Long, rẽ qua Quốc lộ 80 đi Sa Đéc - Long Xuyên. Từ TP. Long Xuyên đi Tri Tôn - Vàm Rầy - Kiên Lương - Hà Tiên. Đường dài chừng 350 km, dễ đi. Đường biển Hà Tiên - Hòn Đốc 11 hải lý (21,7 km), biển thường êm, ít sóng gió.

Sáng hôm sau, thức dậy trong tiếng sóng vỗ bờ rì rào, du khách cảm thấy vô cùng sảng khoái, sẵn sàng cho chuyến khám phá đảo. Vượt qua Dốc Miếu thoai thoải đổ xuống Bãi Dừa thơ mộng hiện ra một không gian hoang sơ với khoảng trời biển bao la, tĩnh lặng; hàng dừa soi bóng yên bình bên bờ biển cát trắng phau. Trên núi, ven rừng  thỉnh thoảng có tiếng chim “lấu lấu”, chim “bắt cô trói cột” cất tiếng hót lảnh lót, vang động rồi yên ắng chìm sâu giữa biển, rừng hoang vu, tịch mịch… Con đường lát bê tông dài khoảng 5 km chạy vòng quanh đảo, một bên là núi với rừng cây um tùm, một bên là biển với sóng vỗ gành tung bọt trắng xóa. Hoa bìm bìm tím, ngải chuối đỏ, muồng vàng, trâm ổi, hoa ly trắng… mọc hoang dại theo lối đi vô cùng nên thơ, lãng mạn. Ven đảo hiện vẫn còn một số cây cổ thụ nguyên sinh hàng trăm năm tuổi.

Theo người dân địa phương kể lại, cái tên đảo Hải Tặc xuất phát từ chuyện ngày xưa trên đảo có băng cướp “Cánh Buồm Đen”. Bọn cướp chủ yếu “đánh” những tàu buôn, thường là tàu của Trung Quốc và các nước đi ngang  vịnh Hà Tiên - Rạch Giá. Trên cột buồm của tàu “Hải Tặc” chúng thường treo cây chổi với ý nghĩa quét sạch tàu qua lại. “Cánh Buồm Đen” hoạt động trên một vùng biển rộng lớn thuộc vịnh Thái Lan. Đến bây giờ, người ta vẫn đồn râm ran về một kho báu được bọn  cướp biển chôn giấu đâu đó trên đảo…

Chuyện cướp biển ở quần đảo Hải Tặc chỉ còn là chuyện kể của quá khứ. Hòn Đốc đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Xã đảo Tiên Hải đã có trường THCS, trạm xá, bưu điện, đường giao thông quanh đảo. Ngư dân có một cuộc sống ấm no, sung túc. Khách tham quan, du lịch tìm đến đảo một ngày một đông.

Đặng Hoàng Thám


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.