Multimedia Đọc Báo in

Nét văn hóa dân tộc ở chợ phiên vùng cao Tây Bắc

18:15, 02/12/2017

Ở vùng cao Tây Bắc có một hình thức bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc hết sức sinh động và có sức lan tỏa là những phiên chợ vùng cao, một không gian sinh hoạt cộng đồng đặc trưng của đồng bào các dân tộc.

Nhiều phiên chợ Tây Bắc nổi tiếng như chợ Bắc Hà (Lào Cai), chợ Mù Cang Chải (Yên Bái), chợ Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái), chợ Cán Cấu (Si Ma Cai, Lào Cai), chợ Đồng Văn (Hà Giang)… và cả những phiên chợ mang đậm sắc thái tình yêu như chợ tình Khau Vai (Mèo Vạc, Hà Giang), chợ tình Sa Pa (Lào Cai). Mỗi khi nhắc đến chợ vùng cao Tây Bắc, người ta thường nghĩ đến một không gian văn hóa mang đậm màu sắc dân tộc được đồng bào nơi đây gìn giữ và “trình diễn” tại mỗi phiên chợ.

Sắc màu chợ phiên vùng cao Tây Bắc.
Sắc màu chợ phiên vùng cao Tây Bắc.

Rõ nét nhất là văn hóa trang phục của các dân tộc. Khi xuống chợ, đồng bào thường mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp bình dị mà khỏe khoắn sắc chàm trên trang phục của đồng bào Tày, vẻ đẹp rực rỡ, tinh tế trên trang phục thổ cẩm của đồng bào Mông, Dao, Pà Thẻn… Những bộ trang phục truyền thống ấy với những màu sắc đặc trưng của từng dân tộc đã tạo thành một vườn hoa đa sắc trong các phiên chợ.

Một nét văn hóa vô hình song khá độc đáo ở chợ phiên vùng cao Tây Bắc, đó là cách bán hàng phản ánh đậm nét những quan niệm nhân sinh của mỗi tộc người. Trải qua thời gian, người vùng cao vẫn gìn giữ được bản sắc độc đáo này. Nổi bật là tập quán bán hàng một giá duy nhất của người Mông, người Tày, người Dao vùng Tây Bắc. Tại đây, không hề có lời kỳ kèo ngã giá, mặc cả hay bớt một thêm hai. Người bán chỉ bán duy nhất một giá mà không hề thay đổi dù món hàng đó đến tan chợ không ai mua, rau quả có héo cũng không hạ giá, dù phải mang về cũng không bán đổ, bán tháo cho hết. Cách bán một giá này xuất phát từ phẩm chất thật thà, trung thực và thẳng thắn của đồng bào.

Bên cạnh việc bán một giá, ở phiên chợ Tây Bắc còn có kiểu bán đôi. Cách bán này chủ yếu được áp dụng cho việc bán những con vật do đồng bào nuôi được. Chẳng hạn, bán đôi vịt, đôi gà, đôi lợn, đôi chó, đôi chim, đôi ngỗng... Khi đến chợ phiên, hiếm thấy khi nào đồng bào bán từng con vật mà phải bán cả đôi dù khách muốn mua chỉ một con vịt hay một con gà về dùng trong một bữa.

Nói đến chợ phiên vùng cao không thể không kể đến văn hóa ẩm thực. Các món ăn bán trong chợ phiên là những món đặc trưng trong cuộc sống của người vùng cao. Phải kể đến các món ăn nổi tiếng như thắng cố ở chợ phiên Bắc Hà, Mường Khương (Lào Cai), rượu ngô, rượu thóc Mù Cang Chải (Yên Bái), phở Bắc Hà, cơm lam Sa Pa, bánh chưng gùi Mèo Vạc hay lạp xưởng, thịt sấy gác bếp, xôi ngũ sắc ở hầu hết các phiên chợ.

Đồng bào vùng cao có cách bán hàng độc đáo.
Đồng bào vùng cao có cách bán hàng độc đáo.

Chợ tình Sa Pa, chợ tình Khau Vai không phải là phiên chợ để trao đổi hàng hóa mà để trao đổi, giao lưu tình cảm. Đó là những không gian đặc biệt chỉ có ở vùng cao, nơi con người lấy đó làm không gian để yêu đương, gặp gỡ, đồng điệu.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường, bản sắc ở những phiên chợ vùng cao Tây Bắc đã ít nhiều bị mai một. Vì thế, trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch cộng đồng, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào vùng cao giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có những nét văn hóa đặc biệt ở các chợ phiên. Gìn giữ bản sắc văn hóa chính là cách phát triển du lịch bền vững.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.