Multimedia Đọc Báo in

Về Quy Nhơn chơi hội bài chòi

15:43, 16/12/2017

Đầu tháng 12-2017, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 chính thức công nhận “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện quan trọng này là niềm tự hào, niềm vui của nhân dân cả nước nói chung, người dân miền Trung và tỉnh Bình Định nói riêng.

Bài chòi là loại hình nghệ thuật dân ca kết hợp trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung nước ta, phổ biến ở các tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận. Trong đó, Bình Định là một trong ba địa phương (cùng với Quảng Nam và Phú Yên) có truyền thống bài chòi lâu đời và phát triển mạnh nhất. Theo các nhà nghiên cứu, bài chòi ở Bình Định độc đáo và đa dạng nhất trong các tỉnh. Nghệ nhân bài chòi ở Bình Định được đánh giá có chuyên môn tốt (giữ được nhiều kịch bản, tuồng tích và đặc biệt là giữ được chất cổ trong các làn điệu). Công tác bảo tồn, phát huy bài chòi ở Bình Định cũng được đánh giá là hướng về nguyên bản, chuyên nghiệp và bền vững.

Một hội đánh bài chòi ở tỉnh Bình Định (nguồn: Báo Bình Định)
Một hội đánh bài chòi ở tỉnh Bình Định (Nguồn: Báo Bình Định)

Đến Bình Định, không cần phải đến các làng chài miền biển hay một số làng quê ở vùng nông thôn, du khách có thể thưởng thức và chơi bài chòi ngay tại trung tâm thành phố Quy Nhơn. Hội đánh bài chòi Quy Nhơn được tổ chức định kỳ vào ba tối cuối tuần tại Quảng trường trung tâm (gần ngã ba Nguyễn Tất Thành - Trần Thị Kỷ). Hiện nay, đây là một hoạt động văn hóa sôi nổi của thành phố, thu hút nhiều du khách trong và người nước đến thưởng thức, tham gia chơi.

Một trong những nét độc đáo nhất của bài chòi là tức hứng và độc diễn. Tức hứng là ứng khẩu thành lời hát ngay tại chỗ; còn độc diễn là người nghệ sĩ đóng nhiều vai khác nhau, lúc tướng, lúc quân, lúc ông, lúc cháu… và diễn nhiều cảnh khác nhau. Người trình diễn không cần về sân khấu, hóa trang, trang phục… Nói chung, về hình thức biểu diễn không cần những đạo cụ phức tạp; những nhân vật trong chuyện kể thì bình đẳng; lời thơ, câu hát phụ thuộc vào sự ngẫu hứng của người diễn xướng.

(Theo TTVH)

Về Quy Nhơn chơi hội bài chòi, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc biệt của người dân miền Trung, được tận tai nghe những câu hô thai đặc trưng của loại hình bài chòi, được xem những lá bài với hình vẽ và tên gọi độc đáo như nhứt nọc, nhì nghèo, ba gà, tứ sách, ngũ dụm, ông ầm, tám miếng…

Làm người chơi trong từng hội đánh bài chòi, du khách ngồi trên một chòi nhỏ, nghe anh hiệu hô bài, mỗi hội được chơi 8 ván. Ở mỗi ván, người chơi nào có 3 lá bài trong thẻ bài trùng với những các lá bài mà anh hiệu hô trước nhất thì sẽ thắng ván đó. Tiền thưởng của mỗi ván bằng số tiền mua thẻ bài cho một hội. Giữa các ván, người chơi còn được nghe các nghệ nhân biểu diễn một số trích đoạn bài chòi cổ. Cuối mỗi hội, người chơi sẽ được ban tổ chức mời thưởng thức ly rượu Bàu Đá thơm nồng, loại rượu được xem là đệ nhất danh tửu của người dân xứ võ.

Về Quy Nhơn, giữa thành phố thơ mộng, trong cái mát rượi của gió mang theo hương vị mặn mòi của biển, tham gia chơi hội bài chòi, nghe những câu hô thai khi mượt mà khi hóm hỉnh đậm chất giọng xứ Nẫu sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời mà không phải ở đâu du khách cũng có được.

Phạm Tuấn Vũ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.