Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lòng của người con xa quê

06:37, 14/01/2018

Từ những năm ba mươi của thế kỷ trước, Nam Trân đã đúc kết thành hình tượng Huế đẹp và thơ (1937). Huế nổi tiếng là xứ sở của thơ ca nên người Huế xa quê, nhớ Huế, mang tâm thức Huế trải lên từng trang giấy, trở thành thơ / giọng điệu tâm hồn cũng là hợp lẽ.

Trần Văn Tương là một trong những trường hợp như thế. Năm 1975, anh đang ghi danh học Đại học Văn khoa Huế năm đầu tiên, thì nước nhà thống nhất, cơ cấu của nền giáo dục đại học thay đổi, không có trường lớp và hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên anh thôi học và có mặt trong đoàn thanh niên xung phong xây dựng vùng kinh tế mới (1977) ở miền đất phía Đông huyện Krông Búk, nay là xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Bốn mươi năm dựng nghiệp trên vùng đất mới, với sự lao động cần mẫn, anh có được ngôi nhà tương đối khang trang, đời sống kinh tế gia đình ổn định, nuôi tám đứa con ăn học trưởng thành, anh còn làm thơ, viết nhạc và hiện nay là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk và là Trưởng Đài truyền thanh xã Phú Xuân. Ngoài thơ in rải rác trên các báo và tạp chí, trong các công trình in chung, anh còn có tập Giọt trăng khuyết (Nxb Đại học Huế) gồm có 45 bài đáng được ghi nhận.

 Thơ anh là nỗi lòng anh đem hong ấm trang giấy, là tiếng nói của đời sống, nỗi nhớ quê xa. Ngay từ bài thơ mở đầu tập thơ, anh đã thốt nên thành lời là nỗi nhớ nguồn cội, rồi sau đó là hàng loạt bài viết về Huế như Tôi về với Huế, Bên bờ sông Hương, Chiều Đại nội, Phố phiêu bồng, Ngõ tím, Nỗi nhớ,… Có đến hàng chục lần anh nhắc đến nỗi nhớ, nhớ thương, nhớ mong, nỗi buồn, ngày xưa, trăng xưa, thuyền xưa… Thơ anh là sự xâu chuỗi tất cả những cảm xúc buồn thương trôi xuôi man mác ấy, kết thành câu thành chữ, thành hình tượng nỗi nhớ cố hương da diết của một người con xa quê: Tôi về với Huế, Huế ơi!/nghe con chim hót giữa trời gọi nhau/lòng như nước lũ cuộn đau/bạc lòng áo trắng, phai màu tóc xanh/xin mù sương Huế để dành/mùa thu gom hết mong manh tơ trời” (Tôi về với Huế). Cả những bài thơ anh viết về nơi khác, về Krông Năng, hoặc phiếm chỉ, có vẻ “trung tính” không nêu một địa danh nào, nhưng từ cảm quan hiện thực, bộc lộ cảm xúc, cách nghĩ đến ngôn từ đều thoát ra từ tâm thức Huế, là cách nói của người chôn nhau cắt rốn từ xứ sở mộng mơ, do thuyền đời đưa đẩy đến lạc dòng trôi mà thôi: người đi sông vẫn cứ trôi/lục bình bến lá bồi hồi tím hoa/là em hiện dáng bờ xa/dùng dằng con nước chia ra đôi dòng/chờ ai, ai đứng bờ trông/lạc dòng con nước trôi không trở về/triền đau lở xói cơn mê/tháng mười mưa trút dầm dề gọi ai/gọi ngày xưa trả nắng mai/để hong nỗi nhớ với ai qua cầu/dòng sông đưa võng tình đầu/người đi con nước bạc đầu buồn trôi.

 Người làm thơ thường đi nhiều nơi. Đi để "phổ" tâm hồn mình ngân lên thành cung bậc hát ca cho đời. Người ta thường ví nhà thơ với người hát rong. Với Trần Văn Tương, anh còn là người phổ nhạc thơ của các bằng hữu mà khi hát nghe không thua gì các nhạc sĩ chuyên nghiệp, như các bài Bây giờ ở Huế của Trần Văn Hội, Trở lại Phú Xuân của Trần Chi hoặc Phố phiêu bồng phổ thơ của anh. Bản đồ đường đi của nhà thơ, kể cả đường đi trong tâm tưởng, tỷ lệ thuận và gần trùng với cảm xúc và hình tượng thơ ca. Trần Văn Tương cũng thuộc mẫu người ưa xê dịch. Ngoài Huế và Tây Nguyên, anh còn ra Hà Tĩnh thăm mộ Nguyễn Du, hoặc leo lên Yên Tử mộng phù vân… nhưng quan trọng hơn là anh rong chơi trong tâm tưởng, anh thâm nhập thiên nhiên với suối sông cỏ cây hoa lá, khám phá môi trường sinh thái chung quanh, chăm chú quan sát các loài hoa mang sắc màu trinh nguyên như màu tím bằng lăng và lục bình, màu vàng cúc quỳ và hoa phượng,… Thậm chí có loài hoa sắc màu không để lại ấn tượng lâu bền trong tâm tưởng thi nhân, mà là mùi hương thoang thoảng ủ men tâm hồn một thời trai trẻ, anh mang theo suốt cả cuộc đời như dạ lý, quỳnh hương, phù dung, pơ-lang hoặc có khi “thương chiều hoa dại, gian truân giữa vời” (Hát một mình).

  Sở trường của Trần Văn Tương là thể thơ lục bát. Có đến 38/45 bài trong tập thơ tác giả gieo vần lục bát. Anh không chọn thơ làm sự nghiệp ở đời. Làm thơ đối với anh dường như chỉ là một nhu cầu tự thân của người thích rong chơi cùng chữ nghĩa, để giải đi những phiền muộn ở đời và nỗi nhớ quê xa. Cảm xúc trước sự chuyển mùa, một nụ hoa vừa nở, bóng đêm che nghiêng bầu trời hoặc ánh nắng chiều sắp tắt, bỗng chiếu rọi qua tâm hồn, làm bật lên một tứ thơ, anh viết vài câu, nhằm giải bày cho chính mình, như cách chơi và cũng là quan niệm nghệ thuật của anh: “bên bờ sông đứng lá rơi/thả câu lục bát rong chơi giữa dòng” (Tôi về với Huế). Vì thế, ưu điểm thơ anh là rất kiệm lời, bài dài nhất cũng chỉ có 17 lần xuống dòng (Phố sương giăng), nhưng nhược điểm dễ nhận ra là có bài chưa tròn câu tròn ý, chưa triển khai hết ý tưởng của tứ thơ, nhiều câu còn vần vè thô mộc làm giảm đi sức lấp lánh của hình tượng (Đi qua, Nỗi nhớ, Gửi con...). Về ngôn từ, thơ anh là giọng điệu tâm hồn đầy sự chiêm nghiệm, có lối nói nhuốm màu hiện sinh, kiểu như “hư vô”, “thu phai”, “phù vân”,... không đau khổ mà buồn thấm thía, nhưng đã được tác giả ươm đầy ý nghĩa nhân sinh, trở thành những sinh thể nghệ thuật, sinh động mới mẻ, phù hợp với tâm lý người đọc hiện đại. Giữa những dòng thơ, người đọc dễ nhận ra hình tượng tác giả - cái tôi trữ tình đằm thắm, đẹp nhưng cô đơn, nỗi cô đơn có chút kiêu sa, đài các của một tâm hồn Huế: một ngày dưới nắng tôi ngồi/sau lưng chiếc bóng quên tôi trước thềm/thôi chờ ngồi với cõi đêm/tôi làm chiếc bóng bên thềm ngóng trăng (Cô đơn). Buồn thay, khi ở nơi thường trú trên cao nguyên đất đỏ, anh đã cô đơn một mình ngóng trăng, khi về với dòng sông quê nhà, nơi chở nặng phù sa bãi bồi trong ký ức, anh cũng chỉ một mình với trăng, hơn thế, trăng còn lặn sâu dưới dòng nước lạnh, trăng còn tan vỡ qua kẽ những ngón tay gầy: trăng dòm xuống bến tìm tôi/lỡ khi trăng lặn bóng ngồi ở đâu?/tôi cùng với bóng đêm thâu/thò tay khuấy nước, vớt màu trăng tan (Bên bờ sông Hương).

  Thơ hay hoặc dở tùy thuộc tài năng của mỗi người, nhưng nhà thơ phải buồn, phải cô đơn mới có “hộ chiếu” để nhập vào vương quốc thơ ca. Những người không buồn, không cô đơn mà “vượt biên” vào thánh địa của nghệ thuật này, chỉ tạo ra “đồ giả”, “hàng giả” chẳng ai thèm đọc đâu. Mong cho Trần Văn Tương, mãi mãi vẫn là anh, để thỉnh thoảng người ta còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nỗi buồn và nỗi cô đơn theo kiểu của riêng anh.

                                                               (Đọc tập thơ Giọt trăng khuyết của Trần Văn Tương)

Phạm Phú Phong


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.