Multimedia Đọc Báo in

Thơ Huế ở Krông Năng

12:55, 21/01/2018

Ở Tây Nguyên, từ Kon Tum đến Lâm Đồng, có rất nhiều người Huế làm thơ, viết văn có tiếng như Trần Duy Phiên, Văn Công Hùng, Tôn Nữ Ngọc Hoa, Hà Linh Chi, Trần Ngọc Trác, Lê Quang Kết, Hoàng Ngọc Châu, Ngô Hương Thủy, Ngô Tú, Mưu Lê...

Nhưng có lẽ “đông đặc” nhất là ở huyện Krông Năng (Đắk Lắk). Nơi đây có hẳn một Chi hội Văn học nghệ thuật (VHNT), trong đó hai phần  ba người làm thơ viết văn là người Huế!

Năm 1977, hàng trăm trí thức trẻ là sinh viên vào thanh niên xung kích đưa 10.000 dân từ 11 phường và 6 xã vùng ven Huế đi kinh tế mới, vào khai phá rừng hoang ở phía đông huyện Krông Búk, Đắk Lắk. Mười năm sau, huyện Krông Năng được thành lập sau khi chia tách huyện Krông Búk, cũng năm đó hình thành nên xã Phú Xuân mang đặc trưng của người dân xứ Huế. Những trí thức trẻ ngày ấy bây giờ tuổi đã trên dưới 60, cùng với lớp cán bộ sinh ra từ năm 1977 về sau trở thành những cán bộ chủ chốt góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng bộ mặt khang trang của huyện Krông Năng hôm nay.

Hai nhà thơ Võ Quê (phải) và Trần Văn Tương (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng).
Hai nhà thơ Võ Quê (phải) và Trần Văn Tương (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng).

Ở Krông Năng, Phú Xuân bây giờ có đủ món đặc sản Huế như cơm hến, bánh bèo, bánh lọc, bánh nậm, nhà rường, nhà vườn… và cả thơ Huế! Thơ Huế như sông Hương, lặng lẽ, quyến rũ mà quyết liệt, không lẫn với địa phương khác: “Trở lại Phú Xuân theo chiều cao năm tháng/Tìm lại tuổi đôi mươi tìm lại một thời hoa nắng/Thuở trăng rừng vời vợi soi bóng em…” (Trần Chi); “Em về xứ Huế không em/Dường như trăng đã buông rèm tháng năm” (Trần Văn Tương). Những câu thơ ấy viết ở Phú Xuân, Krông Năng mà như viết ở Huế, viết về Huế! Ở Krông Búk  xưa, Krông Năng bây giờ người yêu thơ ai cũng biết các nhà thơ Trần Chi, Trần Văn Hội, Trần Văn Tương….

Đội ngũ các cây bút ở Krông Năng hình thành có lẽ là do trong đội ngũ những người viết Huế đầu tiên đến Krông Búk (Krông Năng sau này) có nhà thơ Thái Ngọc San. Thơ văn Thái Ngọc San xuất hiện từ giữa thập niên 60 của thế kỷ 20. Khi lên Phú Xuân, anh đã là nhà thơ nổi tiếng. Máu thi sĩ đã đưa nhà thơ Thái Ngọc San lên với Phú Xuân cùng phát nương làm rẫy, cùng ăn cùng làm với bà con nghèo khó. Nhà thơ Thái Ngọc San từng là bí thư chi bộ đầu tiên của xã Phú Xuân, lúc đó chỉ có 5 đảng viên.

Nhà thơ Trần Chi trước là Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, bây giờ là Chi hội trưởng Chi hội VHNT, Trưởng Đài PT-TH Krông Năng. Anh là tác giả tập thơ “Uống rượu bên nhà mồ” do Hội VHNT Đắk Lắk xuất bản năm 2007. Cái tít tập thơ đã nói lên chất thi sĩ của tác giả, cái chất chịu chơi của thi sĩ Huế trước Tây Nguyên thăm thẳm. Trần Chi viết về Phú Xuân đầy xúc cảm: “Bao năm rồi trở lại/ đường làng đã thênh thang/ Huế trên cao rất lạ/ tím giữa trời cao nguyên”.

Người nông dân Huế chính hiệu Trần Văn Tương đã trở thành người làm thơ viết văn có vị trí ở Krông Năng. Trước năm 1977, Trần Văn Tương là sinh viên văn khoa Huế năm thứ nhất, anh thôi học, gia nhập đoàn Thanh niên xung phong đầu tiên lên Tây Nguyên. Anh đã lăn lộn với nương rẫy mấy chục năm ròng để nuôi tám đứa con ăn học nên người. Hãy nghe anh kể những ngày đầu tiên ấy trong bút ký “Ký ức về một vùng đất” (đăng trong tạp chí Chư Yang Sin số 302, 10-2017): “Dân cày đường nhựa” tôi không nhớ rõ là từ đâu có danh xưng này, do người dân địa phương ở đây đặt cho chúng tôi, hoặc do ai đó buột miệng gọi đùa. Nghe ra có vẻ mỉa mai, nhưng danh xưng đó rất đúng với đa số dân xã Phú Xuân lúc ấy. Những người dân thành thị lần đầu tiên đến với rừng, lần đầu tiên thực sự cố làm quen với những dụng cụ lao động nông thôn như cuốc, rựa, rìu… với những công việc: Đẵn cây, cắt tranh để dựng nhà ở, phát quang, vỡ đất, gieo trỉa... Tất cả mọi công việc được làm trong cảm giác ngỡ ngàng mới mẻ. Vừa làm vừa học vừa rút kinh nghiệm. Tôi không bao giờ quên được cảm xúc khi thu hoạch vụ mùa đầu tiên, cái cảm giác ngon đến lạ lùng với những sản phẩm mộc mạc đơn sơ lần đầu tiên do bàn tay mình cày cuốc, gieo trỉa. Những cảm giác lần đầu thật khó tả, với rừng, với gió đại ngàn, bụi đỏ, những giỏ phong lan hoang sơ, tiếng kêu của thú rừng lạ lẫm giữa đêm. Những ấn tượng ấy hòa quyện vào nhau còn đơn sơ trong tôi cho đến tận bây giờ...”. Bây giờ nhà thơ Trần Văn Trương là Trưởng Đài truyền thanh xã Phú Xuân. Anh đã xuất bản tập thơ “Giọt trăng khuyết” (NXB Đại học Huế, 2014). Anh còn tham gia vào nhiều tập thơ in chung như: “Lời chiêng” (2006); “Giao mùa” (2008); “Krông Năng một miền thơ” (2008)... Thơ Trần Văn Tương rỉ rả mà ý tứ ẩn sâu, mà da diết tâm trạng, đúng chất thơ Huế: “Cầu in bóng nước chia đôi/Mây che dáng núi mồ côi giữa chiều/Cũng đành thành cũ xanh rêu/Cũng đành nước cuốn lêu bêu lục bình” (Phố phiêu bồng). Anh có bài thơ “Tìm em vàng lối cúc quỳ” in trong tập “Giọt trăng khuyết” viết về Krông Năng, quê hương “Huế trên cao” của mình, rất gần gũi mà rất xa xôi: “Nhà em ở phía Krông Năng/ngược cơn gió thổi, bụi ngang đường về/cúc quỳ vàng lối trăng thề/pơ-lang một tối rơi về mênh mông”.                 

Đến Krông Năng, thăm xứ Huế trên cao nguyên, tâm hồn tôi cứ miên man với những câu thơ Trần Chi như những âm vang trầm của quá khứ Huế - Phú Xuân vọng về: “Tìm lại dấu yêu những ngày còn gian khổ/Bạn bè ngồi quanh đây, từng chiều bên bếp lửa/Nhớ con đường lầy lội, trong mái tranh nghèo ngồi hát vô tư”…

Ngô Minh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.