Multimedia Đọc Báo in

Bó củi cầu hôn của người J'rai

10:09, 25/02/2018
Cuộc sống ngày càng hiện đại nhưng đồng bào J’rai vẫn duy trì việc lấy và tích trữ củi từ bao đời nay. Củi cũng là một sính lễ để người con gái J’rai tỏ tình với chồng tương lai…
 
Đến buôn C1, thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp), người ta dễ thấy dưới những ngôi nhà sàn gỗ của đồng bào trong buôn thường có những bó củi xếp dưới sàn nhà hay dựng bên góc sân. Theo già Y Phi M’Jâu (70 tuổi, trú buôn C1, thị trấn Ea Súp), trước đây,  khi muốn bắt chồng thì người phụ nữ J’rai phải biết nấu cơm, dệt vải và chặt củi. Với phụ nữ J’rai, lấy củi là cả một nghệ thuật mà họ phải học và thành thục ngay từ khi vừa mới lớn. Những người phụ nữ luyện cho mình đôi bàn tay khéo léo trong việc chặt củi. Chặt củi phải có những nguyên tắc riêng, không phải thích dài, ngắn, to, nhỏ sao cũng được. Củi thường được chặt thành khúc đều đặn, dài chừng 50-80 cm. Già Y Phi chia sẻ: “Ở buôn C1 không còn tục lấy củi cầu hôn nữa nhưng bà con vẫn duy trì phong tục lấy củi vì đối với dân tộc J’rai, bếp lửa không thể thiếu trong nhà. Bà con chỉ lấy những cành cây khô, gãy rụng trên rừng chứ không chặt cây rừng”.
 
Những người phụ nữ Jrai đi lấy củi.
Những người phụ nữ Jrai đi lấy củi.
Trong trí nhớ của Amí Loan (buôn C1, thị trấn Ea Súp), trong buôn làng của người J’rai, những thanh củi mang một sức mạnh huyền bí, vừa mang ý nghĩa kết nối lại vừa mang một quy ước, một lời thề ngầm về hạnh phúc gia đình khi người con gái đã hoàn thành thủ tục để “bắt” chồng.  Người con gái phải đi bộ từ 4 giờ sáng lấy củi về xếp thành từng hàng ngăn nắp dưới nhà sàn. Nhìn đống củi người ta sẽ biết được chủ nhân của nó là một cô gái đảm đang, cần cù, cẩn thận và chịu khó, hay chỉ là một cô gái vụng về, hời hợt. Khi chàng trai đã ưng bụng với cô gái, cứ mỗi buổi chiều, khi hoàng hôn buông xuống, chàng trai đứng trước cổng làng để ngóng gặp và trò chuyện cùng cô gái khi cô lên rừng gùi củi về. Một phần là muốn chia sẻ những công việc mà người yêu mình gánh vác cho gia đình, một phần là muốn báo cho cô gái biết những tình cảm của mình để cầu mong cô gái đáp trả lại. Chàng trai sẽ làm một chiếc vòng cầu hôn của riêng mình để chứng tỏ tình yêu nồng nàn cho cô gái.
 
Ở các buôn làng của người J’rai bây giờ, tục lấy củi cầu hôn không còn; việc thách cưới cũng không nặng nề như xưa nữa. Chị H’Hiêng Ađrơng (buôn A1, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) vừa cưới chồng được hai năm. H’Hiêng kể: “Hồi xưa, con gái J’rai cưới chồng thì phải chịu những lễ vật do nhà trai đưa ra. Bởi theo quan niệm của nhà trai, thách cưới là một việc làm cần thiết khi gia đình mất đi một lao động chính. Những năm trước, tục thách cưới trong buôn rất nặng nề. Ngày xưa, nhà trai thường đòi lễ vật là trâu, bò, heo, đồng la, cồng chiêng, ghè, khố, váy, vòng cườm, nhẫn bạc... và một đám cưới linh đình kéo dài nhiều ngày. Sau đó một số khoản lễ vật thách cưới khó tìm được quy ra thành tiền mặt.  Tuy nhiên, những năm gần đây, việc này đã giảm đáng kể, không có tình trạng “ép hôn” như ngày xưa mà là sự tự nguyện của hai bên”.
 
Dạ Yến Thảo

Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.