Multimedia Đọc Báo in

Nặng lòng với văn hóa truyền thống

08:31, 20/02/2018

Say mê, trân quý nét đẹp văn hóa truyền thống, nhiều phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số đã dày công tìm tòi, học hỏi, lưu giữ và phát huy những giá trị độc đáo của cha ông mình…

Để lời kể khan mãi ngân vang

Từ nhỏ, H’Ru Kđoh (SN 1966) ở buôn Phơng, xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) đã bị cuốn hút, đắm say trong những lời kể khan, tiếng vang của các nhạc cụ như đing năm, đing tak ta, đing buôt của bố Y Ơm Niê (SN 1938) - một trong những nghệ nhân kể khan, hát Ay ray và chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống của người Êđê. Mỗi khi bố đi biểu diễn tại lễ hội, tiệc ăn mừng, lễ cúng trong buôn làng, H’Ru đều xin đi cùng để xem và học hỏi. Không chỉ học từ bố mình, bà còn theo chú, bác, các dì học múa hát, kể khan, chơi các loại nhạc cụ truyền thống. “Năm 2011 bố của tôi bị bệnh nặng. Trước khi qua đời, ông trăn trối bảo phải biết giữ gìn các vật dụng, nhạc cụ truyền thống của người Êđê, gắng mà học và sử dụng thành thạo để truyền dạy lại cho con cháu. Lời dặn dò đó đã tiếp thêm động lực để tôi tiếp tục theo đuổi đam mê và hoàn thành tâm nguyện của ông”, bà H’Ru chia sẻ. 

Mặc dù cuộc sống nhiều bận rộn, lo toan nhưng bà H’Ru vẫn dành thời gian học thuộc những bài kể khan, bài cúng Yàng và chơi các nhạc cụ truyền thống. Năm 35 tuổi, bà đã trở thành một nghệ nhân biết kể khan, hát Ay ray, múa dân gian và thuộc các bài cúng, nghi lễ cúng Yàng như: cúng sức khỏe, cúng cầu mưa, cúng mong được mùa màng tốt tươi. Bà cũng chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ. 

Nghệ nhân H’Ru Kđoh sử dụng thành thạo đing năm.
Nghệ nhân H’Ru Kđoh sử dụng thành thạo đing năm.

Là người yêu và say mê nhạc cụ truyền thống của dân tộc trong khi lớp trẻ lại không còn mặn mà với văn hóa cội nguồn nên bà H’Ru luôn đau đáu nỗi lo: Rồi đây ai sẽ là người đưa những câu hát Ay ray, những lời kể khan mãi ngân vang? Năm 1997, bà bắt đầu tuyên truyền, vận động mở các lớp truyền dạy cách thổi buôt tu tit, đing năm, đing tut, hát Ay ray, múa dân gian cho người dân các buôn: Phơng, Knia, Đing, Brah, Sah A, Sah B (xã Ea Tul) và nhiều xã khác trên địa bàn huyện. 

Sự tận tình của bà đã giúp 12 người biết hát Ay ray, 40 người biết thổi buôt tu tit, 47 người biết múa dân gian. Ông Y Uôt Ayun, Bí thư Đảng ủy xã Ea Tul đánh giá: “Với niềm đam mê và nhiệt huyết của mình, bà H’Ru Kđoh đã luôn nỗ lực học hỏi, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và có nhiều đóng góp trong phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương”.

“Từ điển sống” của người Mường

Ở thôn 3, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột), người dân thường gọi bà Nguyễn Thị Lộc (77 tuổi) là “từ điển sống” của người Mường, bởi bà là người đánh được chiêng Mường, biết may trang phục truyền thống, đọc, viết và nói thành thạo tiếng Mường, ghi nhớ và thực hiện được các nghi lễ cúng, sẵn sàng truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. 

Hơn 10 tuổi, bà Lộc cùng gia đình di cư từ Hòa Bình vào Đắk Lắk sinh sống. Mặc dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, bà vẫn dành thời gian theo học đánh chiêng từ bố mẹ và những người lớn tuổi trong thôn. Dần dần những âm thanh trầm bổng của tiếng chiêng Mường và lời ca, tiếng hát mượt mà của các làn điệu dân ca truyền thống đã khiến bà mê đắm. 

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lộc may trang phục truyền thống của người Mường.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lộc may trang phục truyền thống của người Mường.

“Tiếng hát kết hợp với nhịp cồng chiêng tạo nên những âm hưởng ngọt ngào, ngợi ca quê hương đất nước, tình làng nghĩa xóm, “gọi dậy” cả đất trời xứ Mường. Nếu không có người học và truyền dạy lại thì giá trị văn hóa quý giá bao đời có nguy cơ bị mai một”, bà Lộc trăn trở. Và rồi, từ nỗi niềm trăn trở ấy, những kiến thức về cồng chiêng tiếp thu được, bà Lộc ghi chép cẩn thận vào sổ và đem đến truyền dạy tại 3 lớp dạy đánh chiêng cho các thiếu nữ Mường trong xã. Nhờ vậy, hiện nay xã Hòa Thắng vẫn duy trì được 3 đội chiêng Mường ở thôn 1, thôn 3 và một đội chiêng trẻ. 

 
“Muốn duy trì, phát huy bản sắc văn hóa thì chỉ còn cách truyền dạy cho lớp trẻ. Tôi luôn sẵn lòng dành thời gian, tâm huyết chỉ bảo cho mọi người, chỉ mong muốn các cấp, ngành chức năng quan tâm, đầu tư kinh phí tổ chức lớp học”. 
 
H’Ru Kđoh

Không chỉ biết đánh chiêng, bà Lộc còn là người duy nhất trong thôn biết may trang phục và may đồ cho người chết theo truyền thống của người Mường như: gối chân, gối tay, gối cổ, túi trầu, chăn đắp, quả còn… Theo bà Lộc, trang phục truyền thống của người Mường gồm có 5 phần chính gồm: khăn trắng đội đầu tượng trưng cho trời; váy đen tượng trưng cho đất; áo cánh trắng và yếm trắng chính là sự chung thủy, trong trắng của thiếu nữ Mường; đai lưng màu xanh là sự gần gũi với thiên nhiên; cạp váy có các hoa văn biểu trưng cho trống đồng cổ và con rồng cháu tiên. 

Trong căn nhà nhỏ của mình, bà Lộc say sưa kể cho chúng tôi nghe những phong tục, lễ hội của người Mường như: tục thách cưới, tục chôn cất người chết, lễ hạ đồng cày, lễ thượng điền, lễ cơm mới, lễ khai hạ… và cả ý nghĩa của những bài cúng bằng tiếng Mường. Những ai tìm đến nhờ chỉ bảo các nghi lễ, bà Lộc luôn sẵn lòng. “Hiện nay, số người biết đọc, viết và hiểu tiếng Mường chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Tôi chỉ mong sao có lớp dạy tiếng Mường để con cháu còn biết mà gìn giữ phong tục truyền thống của cha ông”, bà Lộc bày tỏ.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.