Multimedia Đọc Báo in

Ngọt ngào làn điệu dân ca

23:18, 28/03/2018

Những làn điệu dân ca ngọt ngào, giản dị của các dân tộc, vùng miền… tưởng chừng như bị khuất lấp đi giữa những bộn bề của cuộc sống bỗng dìu dặt vang ngân, khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước… Đó là những ghi nhận từ Hội thi giáo viên và trẻ mầm non múa hát dân ca cấp tỉnh năm 2018 vừa diễn ra vào trung tuần tháng Ba.

Hội tụ các làn điệu dân ca

Hơn 80 ca khúc của 15 đoàn dự hội thi có sự góp mặt của hầu hết các làn điệu dân ca 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đơn cử, tiết mục: “Ngồi tựa mạn thuyền” dân ca quan họ Bắc Ninh (Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột); “Lý kéo chài” dân ca Nam Bộ (Phòng GD-ĐT huyện Cư Kuin); “Thập Âm phụ mẫu” dân ca Nghệ An (Phòng GD-ĐT huyện Ea Kar)...Tất cả được thể hiện đúng tinh thần, âm điệu, lối hát của từng vùng miền.

aaaa

Tiết mục “Chiếc gùi đong đưa” của Phòng GD - ĐT TP. Buôn Ma Thuột.

Đặc biệt những điệu hát riêng của từng dân tộc cũng được các nghệ sĩ không chuyên thể hiện một cách đặc sắc và ấn tượng như tiết mục “Chi Ri Ría” dân ca Êđê (Phòng GD-ĐT huyện Buôn Đôn); “Bạn ơi lắng nghe” dân ca Ba Na (Trường Thực hành Sư phạm Mầm non Hoa Hồng); “Liên khúc Inh lả ơi – Gà gáy le te” dân ca Thái – Cống Khao (Phòng GD-ĐT thị xã Buôn Hồ)… Mỗi tiết mục đều có nét đặc sắc riêng, không thể trộn lẫn.

Tiết mục “Hát văn Cô Đôi Thượng ngàn” (Phòng GD-ĐT huyện Krông Năng) dân ca Thái với lối Hát văn Bắc Bộ độc đáo. Hát văn còn gọi là Chầu văn là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam, là hình thức lễ nhạc gắn với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, có lời văn trau chuốt nghiêm trang. Tiết mục đã khắc họa truyền thuyết về Cô Đôi Thượng ngàn là một vị tiên với nhiều tính cách tốt đẹp, hay giúp đỡ người dân và được nhiều người yêu thương: “Ngọc điện chốn kim môn/Cô ra vào ngọc điện chốn kim môn /Danh thơm ngoài cõi í i tiếng đồn trong í i trong cung…”.

aaaa
Tiết mục hát múa “Cô Đôi Thượng ngàn” của Phòng GD - ĐT huyện Krông Năng.

Hay như tiết mục “Buôn Dur Kmăn” (TP. Buôn Ma Thuột), dân ca Êđê với lối hát Ay ray đối đáp vui tươi, ca ngợi cuộc sống tươi đẹp của buôn làng. Ngoài lời hát tiếng Êđê, ca khúc còn được dịch ra tiếng phổ thông, với lời hát dân dã, dễ hiểu: “Hỡi cô em, em ở buôn nào? Buôn Ma Thuột là nơi em ở. Hỡi cô gái, em uống nước nguồn nào? Em uống nước dòng Ea Krông chàng ạ…”.Những ca từ tái hiện sinh động, chân thực về cuộc sống, văn hóa dân tộc thiểu số tại chỗ, giúp cho khán giả càng thêm hiểu, yêu thích làn điệu dân ca dân tộc Êđê cũng như những dân tộc khác.

Khơi gợi tình yêu nghệ thuật truyền thống cho trẻ

Trong gần 500 diễn viên không chuyên biểu diễn các tiết mục trong hội thi  thì có 1/3 là các em học sinh mầm non. Những gam màu tươi sáng từ nụ cười đến ánh mắt của các em đã thực sự làm các làm điệu dân ca trở nên rất gần gũi, góp phần mang lại thành công cho từng tiết mục nói chung và hội diễn nói riêng. Bé Nguyễn Khánh Đan (huyện Krông Năng) cười rạng rỡ sau khi thể hiện tốt phần thi của mình: “Con rất thích hát, được đi hát dân ca con rất vui”.

aaaa
Trẻ mầm non thuộc đoàn Phòng GD- ĐT huyện  Krông Năng biểu diễn tiết mục “Hò ba lý” – dân ca Quảng Nam.
"Điểm mới của hội thi lần này so với 3 lần trước chính là có sự tham gia của các trẻ mầm non, nhằm giáo dục cho các cháu tình yêu quê hương đất nước, yêu cuộc sống qua các làn điệu dân ca. Từ đó hình thành nhân cách tốt đẹp cho trẻ sau này” -  Lê Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó trưởng Ban tổ chức Hội thi.

Theo Ban tổ chức hội thi, đối với trẻ thơ, dân ca có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Việc tiếp nhận các bài hát dân ca sẽ giúp trẻ cảm thụ được cái hay, cái đẹp trong đó, thêm yêu thiên nhiên, đất nước, con người... Bên cạnh đó, trẻ cũng cảm nhận, thẩm thấu được cái đẹp, sự trong sáng của tiếng Việt với những từ ngữ rất nhẹ nhàng, dễ hiểu như “cái cò”, “H’Zen lên rẫy”… Từ đó, góp phần phát triển và đảm bảo cho ngôn ngữ của trẻ thơ được hình thành một cách chuẩn mực.

Cũng chính vì hiểu được tầm quan trọng như vậy, nên các tiết mục tham gia hội thi đã được đầu tư một cách bài bản, công phu, tạo nhiều điểm mới và “đất” cho trẻ tự tin thể hiện năng khiếu múa, hát… Không những thế còn truyền ngọn lửa đam mê về loại hình hát múa dân ca, giúp các em yêu thích và gắn bó với môn nghệ thuật truyền thống. “Chúng tôi không quan trọng về giải thưởng, mà cốt lõi là mong muốn các em được gần gũi với dân ca, từ đó yêu thích và phát triển tài năng nếu có tố chất”, cô H’Ruôi Niê Kdăm (Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana) tâm sự. Có thể nói đây chính là món ăn tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ và là nhựa sống góp phần làm phong phú vốn văn hóa dân gian đậm đà bản sắc.

aaa
Tiết mục “Buôn Dur Kmăn” của Phòng GD- ĐT TP.Buôn Ma Thuột.

Hội thi đã giúp thế hệ cô trò được gắn kết và nối tiếp truyền thống, phát huy bảo tồn những làn điệu dân ca hay; góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho giáo viên, học sinh; tạo điều kiện để các đơn vị giáo dục được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm…

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.