Multimedia Đọc Báo in

Vãn cảnh chùa Ông Núi

08:19, 04/03/2018

Về Bình Định, một địa điểm mà du khách không thể bỏ qua là chùa Ông Núi, một trong những danh tự lâu đời của xứ võ.

Chùa Ông Núi còn có tên gọi khác là Linh Phong sơn tự. Chùa tọa lạc trên Chóp Vung, đỉnh cao nhất của danh thắng núi Bà, thuộc thôn Phương Phi (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát), cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về phía đông bắc.

Chùa Ông Núi là một trong những ngôi chùa lâu đời và nổi tiếng nhất Bình Định, được nhắc đến trong nhiều bộ cổ sử. Chẳng hạn, sách “Đại Nam nhất thống chí” có chép: “Chùa Linh Phong ở thôn Phương Phi, lưng dựa vào núi cao (tức núi Bà), mặt trông ra đầm Biển Cạn (tức đầm Thị Nại), xung quanh có suối nước lượn quanh, phong cảnh thật đẹp”. Ngôi danh tự này cũng được nhắc đến trong thơ văn của nhiều danh nhân như Phan Thanh Giản, Đào Tấn, Quách Tấn,…

Theo các tài liệu lịch sử, chùa Ông Núi do Tổ sư Giám Huyền và đệ tử là Giám Bang (Lê Ban) sáng lập vào năm Giáp Tý (1684), niên hiệu Chánh Hòa thứ 5 đời vua Lê Hy Tông. Tương truyền, thiền sư Lê Ban là bậc tiên phong đạo cốt, quanh năm chỉ ở trên núi tu luyện, mặc đồ bằng vỏ cây (nên còn được gọi là Mộc Y Sơn Ông - ông già trên núi mặc áo vỏ cây), chuyên hái thuốc chữa bệnh cứu người, được dân trong vùng kính trọng gọi là ông Núi. Tên gọi chùa Ông Núi bắt nguồn từ sự tích này.

Chánh điện chùa Ông Núi.
Chánh điện chùa Ông Núi.

Năm 1733, vì mộ đức hạnh của thiền sư Ông Núi, chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho ông pháp hiệu Tĩnh giác Thiện trì Đại lão thiền sư, cho xây lại chùa và đổi tên là Linh Phong tự. Trải qua hàng trăm năm, đến năm 1965, chùa bị tàn phá bởi chiến tranh. Năm 1990, chùa được xây mới với kiến trúc mái cổ lầu, lợp ngói ống, trên nóc có lưỡng long tranh châu, đôi cột trước điện hình rồng cuộn. Trong chùa có tượng Phật cao 2,5 m, đại hồng chung nặng 1,2 tấn. Chùa có kiến trúc trang nghiêm, cổ kính, hài hòa với thiên nhiên.

Mới đây, vào tháng 11-2017, trong khuôn viên chùa Ông Núi, tượng Phật Thích Ca ngồi lớn nhất Đông Nam Á hiện nay (chiều cao 108 m tính cả bệ tượng, đường kính chân tượng 52 m) được khánh thành, trở thành một địa điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.

Trải qua lịch sử hơn 300 năm, với 12 đời thừa tự, chùa Ông Núi là một trong những di tích nổi tiếng nhất của xứ võ Bình Định. Chùa được công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia. Hằng năm, vào ngày 24 và 25 tháng Giêng, lễ hội chùa Ông Núi diễn ra, có hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh hành hương về viếng Phật, vãn cảnh.

Về thăm chùa Ông Núi, du khách sẽ có dịp được chiêm bái tượng Phật, lần theo đá núi đến hang Tổ (hang đá là nơi tương truyền xưa kia Ông Núi từng ở và ngồi tụng kinh niệm Phật) dâng hương ngưỡng vọng về công đức của Ông Núi và các vị tổ sư. Du khách còn được vãn cảnh chùa, hòa mình vào thiên nhiên để tìm cho mình những phút giây an nhiên, thanh tịnh.

Phạm Tuấn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.