Multimedia Đọc Báo in

Kể chuyện về Bác qua điệu K'ưt của chàng trai Êđê

07:06, 07/04/2018

Biết hát K’ưt từ hồi còn học lớp 5, Y Hai Byă (35 tuổi, ở buôn H Ngô B, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) đã để lại cho nhiều người trong buôn những cảm xúc đặc biệt khi anh không chỉ hát K’ứt về đời sống thường ngày mà còn hát kể về Bác Hồ.

Chúng tôi đến buôn H Ngô B, xã Hòa Phong vào những ngày cuối tháng 3 giữa tiết trời hanh nóng của mùa khô Tây Nguyên. Từ xa chúng tôi đã nghe thấy giai điệu lúc trầm lúc bổng phát ra từ phía nhà Y Hai. Thấy người lạ đến, Y Hai niềm nở mời khách vào nhà rồi nhiệt tình giải thích, điệu hát lúc nãy gọi là hát K’ưt (một trong những làn điệu dân ca nổi tiếng của người Êđê). Điệu hát mênh mang, dàn trải theo lối hát nói, không tiết tấu, thường mang tính tự sự, tâm tình hoặc kể lể. Nói về cơ duyên khiến anh say mê với làn điệu K’ưt, Y Hai tâm sự: “Từ nhỏ tôi đã được nghe điệu K’ưt ngân vang trong buôn làng, khi thì ngẫu hứng của các cụ già quây quần chuyện trò, lúc ở lễ cúng sức khỏe, mừng lúa mới, trai gái cưới nhau... cứ thế ngấm vào trong tôi. Học đến lớp 5, tôi bắt đầu theo các già làng để học hát K’ưt”.

Y Hai tâm sự về điệu K’ưt.
Y Hai tâm sự về điệu K’ưt.

Những câu hát của Y Hai luôn lấy cảm hứng xoay quanh những diễn biến đời thường trong buôn làng từ việc làm nương rẫy, hay xuống bến lấy nước… đến các dịp bà con trong buôn tụ họp. Giai điệu K’ưt của đồng bào Êđê rất sâu lắng, nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người, thể hiện sự đoàn kết, sẻ chia của người dân trong buôn với nhau. K’ưt không có sự gò bó về câu chữ nên người hát có thể thể hiện cảm xúc của mình. Xen giữa những câu hát, anh còn thổi thêm Đing buốt cho giai điệu thêm cuốn hút.

Không chỉ hát về thiên nhiên, đời sống thường ngày ở buôn làng, Y Hai còn biết kể về Bác Hồ thông qua điệu K’ưt. Anh rất yêu quý và khâm phục tài đức của Bác qua những trang sử thời học phổ thông nên muốn kể lại câu chuyện này cho người dân trong buôn cùng biết. Và anh đã chọn cách sáng tác, hát kể về Bác bằng điệu K’ưt mềm mại, dễ hiểu. Trong các đợt biểu diễn văn nghệ, Y Hai mạnh dạn thể hiện điệu hát này, được đồng bào tán thưởng. Qua năm tháng, tiếng hát của Y Hai mượt mà, nhuần nhuyễn hơn, nhưng anh ít thể hiện bởi gánh nặng mưu sinh cùng với việc điệu K’ưt ngày càng ẩn dần khiến anh cảm thấy “khác lạ”.

Y Hai đang say mê cùng điệu K’ưt.
Y Hai đang say mê cùng điệu K’ưt.

Ông Y Ngoan Niê – bố của Y Hai cho biết, anh mê hát từ nhỏ, những khi lên rẫy hay lúc nhàn rỗi ở nhà anh đều có thể hát. Thấy vậy, ông dạy thêm cách sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc để anh có thể vừa kể, vừa thổi nhạc phụ họa. Bây giờ Y Hai đã hát kể thuần thục các làn điệu K’ưt của dân tộc mình khiến ông rất tự hào. Ông ước giá như lớp trẻ trong buôn cũng yêu K’ưt như Y Hai, để mỗi ngày ông và bà con trong buôn được nghe âm thanh vốn quen thuộc trong mỗi nếp nhà Êđê.

Huỳnh Thủy – Djuang Niê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.