Multimedia Đọc Báo in

Lá cỏ đá – vật thiêng của người Cadong

08:08, 08/04/2018

Theo tục lệ, khi mừng được mùa, mừng cưới hỏi, ma chay, mừng nhà mới…, người Cadong tại huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) thường dùng lá cỏ đá (ram cham) làm phép để tổ chức lễ hội đâm trâu nhằm tạ ơn thần linh, mừng mùa bội thu.

Nhìn bên ngoài, lá cỏ đá có màu xanh, mép lá hình răng cưa, hình dạng rất giống với cây dương xỉ. Lá mọc ra nhiều nhánh và có mùi thơm rất dễ chịu thường mọc ven suối, thung lũng nơi người Cadong sinh sống. Người Cadong cho rằng, lá cỏ đá đã được tổ tiên người Cadong dùng cúng phép từ lúc mới lập làng, lập bản. Lá cỏ đá là vật cúng linh thiêng. Theo quan niệm, khi người Cadong thực hiện các nghi lễ như đâm trâu, đám cưới, tang ma… thì lá cỏ đá cùng với rượu cần, rượu nếp, xôi nếp như một vật phẩm không thể thiếu để dâng lên cúng ông bà, tổ tiên, cúng thần linh, ma lúa, cầu cho mùa màng bội thu, bản làng yên ấm, dân làng được khỏe mạnh, đoàn kết, đùm bọc thương yêu nhau.
Khi cúng thần linh, tổ tiên, ông bà, chủ nhà luôn cầm cỏ đá để làm phép cầu sức khỏe  cho gia đình, cầu an cho dân làng.
Khi cúng thần linh, tổ tiên, ông bà, chủ nhà luôn cầm cỏ đá để làm phép cầu sức khỏe cho gia đình, cầu an cho dân làng.

Trong lễ hiến trâu của gia đình ông Hồ Văn Vinh (77 tuổi, ở nóc ông Nếp, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), dân làng đi hái lá cỏ đá về cắm cột trâu, trang trí ở thân và phần ngọn cây nêu, trên vòng quấn quanh sừng trâu, treo ngay cửa ra vào của ngôi nhà sàn... Việc cúng tế diễn ra trong nhiều ngày liên tục rồi mới đến nghi lễ đâm trâu. Khi cúng trâu, chủ nhà sẽ cầm chùm lá cỏ đá trên tay để làm phép, lẩm nhẩm trong miệng điều gì đó trước mũi con trâu rồi cầm chùm lá cỏ đá nhúng vào bát rượu nếp, vẩy lên đầu trâu. Ngoài ra, trong lễ đâm trâu, lá cỏ đá còn được chủ nhà dùng làm phép cầu an cho dân làng. Chủ nhà sẽ cầm chùm lá cỏ đá và lẩm nhẩm những bài cúng làm phép cho từng người dân trong làng, đến lượt người nào, người đó sẽ nắm tay vào chùm lá cỏ đá. Sau khi cúng phép, chủ nhà sẽ phân phát từng nhánh lá cỏ đá cho mỗi người trong làng. Mọi người lấy lá cỏ đá đó cắm trên đầu hoặc lưng quần. Mỗi người sẽ giữ lá cỏ đá bên mình trong suốt quá trình diễn ra lễ hội đâm trâu mà theo quan niệm của họ là giữ sự may mắn cho suốt cả một năm. Từ già đến trẻ, từ đàn ông đến đàn bà, ai cũng có chùm lá cỏ đá như một vật trang trí, tô đẹp thêm bức tranh lễ hội.

Tham gia lễ hội đâm trâu, khi hát a cheo quanh con trâu, người Cadong luôn cắm lá cỏ đá trên đầu.
Tham gia lễ hội đâm trâu, khi hát a cheo quanh con trâu, người Cadong luôn cắm lá cỏ đá trên đầu.

Tục hiến trâu cúng mừng được mùa, cưới hỏi, ma chay, mừng nhà mới… và dùng lá cỏ đá để cúng phép hiện chỉ còn ở các xã Trà Đốc, Trà Bui, Trà Tân, Trà Sơn, Trà Giáp, Trà Giác, Trà Ka trong huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam). Ngoài dùng lá cỏ đá để cúng phép, người Cadong còn dùng lá cỏ đá treo thành từng chùm trên giàn bếp để làm bùa, trừ ma quỷ, đuổi cái xui.

Trước khi thực hiện nghi lễ đâm trâu, người Cadong còn thể hiện tấm lòng cộng đồng người Cadong với con trâu - vật hiến tế. Khi con trâu được cột mũi tại cây nêu, những già làng lớn tuổi, hoặc trung niên sẽ nối vòng tròn đi quanh trâu, sờ đầu trâu, đuôi trâu, mình trâu và hát những bài hát theo làn điệu dân ca bằng tiếng Cadong. Trên đầu, và trên lưng của họ luôn cột thêm chùm lá cỏ đá. Những bài hát khóc trâu được hát theo lối a cheo (một làn điệu dân ca hát đối đáp của người Cadong). Kiểu khóc trâu của người Cadong thường được hát theo kiểu là một người hỏi, người kia sẽ trả lời, có ý nghĩa kể về tiểu sử ma lúa, những lời chúc nhau làm ăn phát lộc, dân làng Cadong đừng có đau ốm, con cháu được khỏe mạnh và đoàn kết, mùa màng bội thu. Trước khi đâm trâu, người phụ nữ Cadong lớn tuổi nhất gia đình sẽ mang một gùi lá cỏ đá cùng với những phụ nữ khác múa những điệu múa truyền thống quanh con trâu. Theo họ, làm như vậy là để xua đi những điều xui xẻo, mong con trâu là vật phẩm sẽ đến với thần linh nhanh hơn.

Đến nhiều ngôi nhà của người Cadong, dễ nhìn thấy những chùm cỏ đá đã khô vắt rất nhiều nơi trong nhà. Sau mỗi lần cúng tế bằng lá cỏ đá, không ai được phép vứt lá cỏ đá đi mà phải mang về nhà. Nhà nào có càng nhiều chùm lá cỏ đá khô treo trên cửa ra vào, cửa buồng ngủ hoặc treo giàn bếp sẽ càng được thần linh, tổ tiên, ông bà phù hộ, mùa màng no đủ, bản thân và con cái trong gia đình khỏe mạnh.            

Sơn Gia Phúc


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.