Multimedia Đọc Báo in

"Văn hiến Kinh kỳ" – Một dòng sử thi về Huế

20:37, 30/04/2018

Chương trình Nghệ thuật “Văn hiến Kinh kỳ” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thiết kế, dựng và thực hiện là một trong những “sản phẩm” mới, đồng thời là điểm nhấn thú vị và độc đáo trong kỳ Festival Huế - 2018.

Chương trình diễn ra tại Điện Cần Chánh (Đại nội Huế) vào chiều các ngày 28-4 và 30-4. Ở đó, người xem được nghe kể lại câu chuyện lịch sử sâu lắng và đầy biến động của dân tộc ta trong thế kỷ 19.

Thạc sĩ Nguyễn Phước Hải Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay: Với hơn 400 diễn viên chuyên và không chuyên, chương trình nhằm tái hiện và thăng hoa những giá trị Di sản của Huế theo bước phát triển lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 19.

Chương...
Chương trình Nghệ thuật tổng hợp "Văn hiến Kinh kỳ" được xem là điểm nhấn tại Festival Huế 2018 . Ảnh: Hải Trung

Đây được xem là dòng sử thi hào hùng và đầy bi tráng kể cho hậu thế nghe về công cuộc xây dựng Kinh đô Phú Xuân, thực thi chủ quyền đất nước, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và cuộc sống thanh bình của muôn dân với những giá trị được sáng tạo nên từ  một đất nước văn hiến, độc lập, tự chủ trong tiến trình lịch sử của dân tộc.
      

Hải...
Tái hiện cảnh Hải đội Trường Sa thực thi nhiệm vụ xác lập và bảo vệ chủ quyền biển đảo dưới thời triều Nguyễn. Ảnh: Hải Trung

Bắt đầu từ vó ngựa trường chinh của Nguyễn Ánh (Vua Gia Long sau này) bôn ba khắp nơi tìm cách thống nhất đất nước, đến giang sơn thống nhất, xây dựng kinh đô, phát triển các giá trị văn hóa tinh thần, thực thi chủ quyền lãnh thổ được các vị Hoàng đế triều Nguyễn liên tục kế thừa và phát triển, khiến người xem không khỏi xúc động, tự hào.

“Văn hiến Kinh kỳ” được kể trên cơ sở xâu chuỗi các sự kiện lịch sử nhằm làm nổi bật 5 Di sản văn hóa Huế được thế giới công nhận: Quần thể Di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình, Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Theo dòng lịch sử được “Văn hiến Kinh kỳ” tái hiện lại trong 3 chương, hồi nói trên, người thưởng lãm được “đồng hành cùng lịch sử” đi qua những khúc quanh đáng nhớ:

Năm 1802, Hoàng đế Gia Long chọn Phú Xuân định đô, hình thành nên triều đại nhà Nguyễn. Năm 1804, đặt quốc hiệu đất nước là Việt Nam, từ đó bắt đầu bước vào kỷ nguyên xây dựng, phát triển đất nước ở một tầm cao mới. Kinh đô Phú Xuân được chú trọng kiến thiết, mở mang với nhiều công trình kiến trúc tuyệt mỹ và độc đáo nhằm phục vụ bộ máy hành chính dưới thời các vua triều Nguyễn cũng như sinh hoạt của hoàng gia.
      
Nhiều chỉ dụ quan trọng của triều đình nhà Nguyễn ra đời tại đây như: Lệnh cho  thuỷ quân và Hải đội Hoàng Sa ra thăm dò và đo đạc đường thủy tại Hoàng Sa, xác lập chủ quyền về biển đảo. Các lực lượng bộ binh, thủy binh, tượng binh, mã binh, hỏa pháo binh, ngự lâm quân… luôn được các vị vua triều Nguyễn quan tâm, chăm lo  huấn luyện, diễn tập và hoàn thiện để phòng vệ các thế lực ngoài xâm, góp phần gìn giữ bảo vệ giang sơn gấm vóc.

Cảnh thái bình được mở ra với muôn dân trăm họ yên vui thì Linh khí hội tụ; Điềm lành mở lối; Mùa vụ bội thu; Xuân nghinh khánh hỷ; Vận hội tốt lành; Chấn hưng giáo dục; Bảo vật trường tồn; Nuôi dưỡng tinh thần… cũng lần lượt hiện ra qua từng hồi sinh động trong “Văn hiến Kinh kỳ”, giúp hậu thế tiếp cận và cảm nhận rõ nét hơn 5 Di sản văn hóa của Cố đô Huế.

Đông...
Đông đảo du khách đến với Chương trình "Văn hiến Kinh kỳ" . Nguồn Internet

Có thể nói, Cố đô Huế là nơi ẩn chứa biết bao ký ức về triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam. Kể từ năm 1802 đến năm 1945, triều Nguyễn trải qua gần 150 năm tồn tại và để lại cho hậu thế một phức hệ di sản với nhiều loại hình phong phú. Dòng sử thi chảy trong“Văn hiến Kinh kỳ” đã thu hút hàng chục nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế trong kỳ Festival Huế lần thứ X - năm 2018.

“Văn hiến Kinh kỳ là show diễn nghệ thuật tổng hợp do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dàn dựng và thực hiện tại sân điện Cần Chánh (Đại nội – Huế). Đây là chương trình kết hợp giữa nhiều yếu tố: hát múa, diễn xướng, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, kỹ xảo màn hình led, hiệu ứng ánh sáng, khói màu, pháo hoa kỹ thuật cùng nhiều yếu tố cộng hưởng trong nghệ thuật sân khấu khác được đông đảo du khách đón nhận trong kỳ Festival Huế 2018” (Ông NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)  

                                                                              

  Phương Đình - Hải Trung
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.