Multimedia Đọc Báo in

Mây tre đan Vân Kiều: Sắc màu truyền thống trong sự giản tiện

09:39, 27/05/2018

Sống cách trở giữa núi rừng, tách biệt với miền xuôi nên mọi sinh hoạt thường ngày như phát rẫy, trồng trọt, săn bắn, hái gặt… người Vân Kiều đều tự làm lấy bằng chính những công cụ mà họ sáng tạo ra.

Trong nhiều vật dụng tự chế tác đó thì đồ mây tre đan chiếm vị trí chủ đạo. Từ việc lấy mây, nứa gia công thành những sản phẩm giản đơn và tiện lợi, người Vân Kiều đã tạo ra được dấu ấn văn hóa riêng biệt qua việc “điểm xuyết” lên những sản phẩm đơn điệu ấy những hoa văn bình dị và những đường nét, màu sắc tinh tế. 

Sản phẩm đan từ mây tre của người Vân Kiều không nhiều chủng loại nhưng đó luôn là những công cụ không thể thiếu và phục vụ đắc lực cho đời sống của đồng bào. Ngay cả những đồ dùng công nghiệp với đủ loại chất liệu và mẫu mã cũng không thể thế chỗ được dụng cụ đan lát bằng mây tre. Đơn giản vì đó là những đồ vật được đan bằng các vật liệu thân thiện, bền vững, dễ kiếm và dễ uốn dẻo. Có những vật dụng vẫn mới mẻ dẫu đã qua hàng chục năm sử dụng.  

Nghệ nhân người Vân Kiều đang hoàn thiện chiếc a-chói (gùi lớn).
Nghệ nhân người Vân Kiều đang hoàn thiện chiếc a-chói (gùi lớn).

Làm bất cứ công việc gì thì người Vân Kiều đều có cho mình những công cụ sử dụng bằng mây tre phù hợp. A-chói (chiếc gùi lớn) từng được những anh bộ đội người Vân Kiều sử dụng để vận chuyển lương thực, đạn dược, thuốc men ra mặt trận. A-chói cũng là công cụ sản xuất đa năng và quan trọng nhất của người Vân Kiều. Mùa gặt, mùa hái dược liệu, đi lấy mật ong rừng hay cả khi địu con lên nương, a-chói đều gắn bó với bà con như hình với bóng. Là phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu và tiện lợi, cùng một lúc có thể chứa được khoảng 30 – 50 kg hàng hóa nên a-chói được đồng bào Vân Kiều làm rất kỹ. Mây đắng, mây nước và mây song là những loài mây có khả năng chịu tải, dẻo dai với độ bền cao thường được người Vân Kiều lấy về để đan a-chói. Làm a-chói phải đặc biệt chú ý tới hai công đoạn, trước hết là kiếm cho được bốn thanh tre già, cật đã ngả màu vàng để dựng bốn trụ góc, ngắn dài tùy vào chủ định của người sử dụng. Sau đó, sử dụng gỗ cây bằng lăng rừng nhẹ nhàng, ít rạn nứt, ít cong vênh để đẽo xén thành chiếc đế rồi định vị lại chắc chắn bằng dây mây dưới đáy a-chói. Tre già và gỗ rừng sẽ là xương sống và bệ đỡ cho chiếc gùi có thể mang vác nặng.

Ngoài a-chói, còn có một số vật dụng nhỏ nhắn hơn, hình thù độc đáo hơn đang được đồng bào Vân Kiều đan và sử dụng hằng ngày, như: Ta-vin (mẹt), a-ru (trúm đơm lươn), a-dàng (a-chói thu nhỏ) hay chiếc típ hình khối trụ, đan bằng tre giang được vót từng thanh nhỏ như dây lạt lợp mái rạ, nắp đậy nhỏ nhắn cũng được tạo dáng kỳ công. Típ để đựng cơm, xôi, thức ăn khi phải đi làm xa nhà và nghỉ lại trên nương. Để bày biện thức ăn thì có ku-tôộc (mâm). Mâm ăn Vân Kiều là vật dụng được đan công phu, với mặt mâm thường có đường kính 50 cm cùng vành tre nức mây chắc chắn; phần chân đế được thiết kế bằng một thanh tre to bản nắn tròn lại làm trụ; khoảng hở từ chân đế đến mặt mâm chừng 30 cm là các họa tiết được nhấn nhá bằng dây mây. 

	Một số đồ mây tre đan của người Vân Kiều.
Một số đồ mây tre đan của người Vân Kiều.

Giá trị của đồ mây tre đan Vân Kiều sở dĩ bền vững qua thời gian là nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa các loại lóng đan với nhiều họa tiết, hoa văn. Thường thì kiểu thức đan lóng đơn, lóng hai, lóng ba được sử dụng nhiều nhất khi đan các vật dụng; riêng lóng bốn, lóng năm chỉ dùng đến để bắt góc vuông hay điều chỉnh các nhịp độ sao cho đúng với hình thù, dáng điệu các hình vẽ mà nghệ nhân muốn thể hiện trên bề mặt tấm đan mà thôi.

Sóng đôi cùng lóng đan là hoa văn. Nét độc đáo của hoa văn mây tre Vân Kiều là mỗi vật dụng được bố trí một dạng hoa văn có thể khác nhau nhưng rất phù hợp. Quan trọng hơn những họa tiết mà họ thể hiện không chỉ để tăng mức bóng bẩy mà còn bổ trợ với lóng đan để tạo nên độ vững bền cho đồ đan. Như trên a-chói thì sử dụng loại hoa văn sóng đuổi co giãn, cân xứng; hoa văn chữ V nhịp nhàng, đan kết nguyên khối có trên chiếc típ đựng cơm; trên chiếc mẹt là hoa văn xiên chéo, chìm nổi, mới lạ hay trên chiếc ku-tôộc là loại hoa văn sóng đuổi trông vững chãi và đẹp mắt… 

Hoa văn trên mỗi vật dụng tre đan còn là cách để người Vân Kiều mang hết tài trí gửi gắm đến các thế lực siêu nhiên. Gia đình Vân Kiều nào sở hữu được nhiều sản phẩm mây tre đan bền chắc, đẹp mắt thì đó là một sự may mắn do thần linh mang tới và theo quan niệm, gia đình ấy sẽ được chúc phúc để luôn khỏe mạnh và sung túc.

Những vật dụng mây tre ra đời từ nhu cầu phục vụ mưu sinh, qua thời gian người Vân Kiều đã “nâng tầm” lên bằng cách tạo biểu cảm riêng cho chúng qua những kiểu cách trang trí đặc sắc mà không mất đi đặc tính hữu dụng và ý nghĩa tinh thần vốn có. Đó là dòng chảy văn hóa thuần chất cần được tiếp tục khơi nguồn và gìn giữ. Giá trị hơn, nó vẫn còn hiện hữu trong đời sống của người Vân Kiều cho đến hôm nay.

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.