Multimedia Đọc Báo in

Sức lan tỏa các lễ hội truyền thống của người Tày, Nùng trên đất Tây Nguyên

10:11, 24/05/2018

Dù đã chuyển cư đến vùng đất Đắk Lắk để lập nghiệp và sinh sống, nhưng những người con của dân tộc Tày, Nùng xứ Tây Bắc vẫn giữ được  văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa qua các lễ hội. Không những vậy, họ còn tiếp nối, kế thừa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến đời sống xã hội.

Trên địa bàn tỉnh, người Tày, Nùng sinh sống tập trung ở các huyện như Ea H’leo, Cư M’gar, Krông Bông, thị xã Buôn Hồ… Tuy ở những địa phương khác nhau nhưng họ vẫn thường xuyên kết nối, giao lưu và hơn hết là cùng nhau bảo tồn những giá trị văn hóa đã ăn sâu vào tâm hồn, đời sống... Điều thể hiện rõ nhất chính là các lễ hội được tổ chức bài bản, giữ đúng tinh thần, cốt cách mà bao đời để lại.

 Những người con Tày, Nùng xa quê khi cùng chung sống một nơi đã thống nhất là cứ vào các ngày truyền thống sẽ tổ chức lễ hội, nhất là những ngày hội lớn như: Lễ hội Lồng Tồng (lễ hội xuống đồng) tại xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) diễn ra vào ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vật nuôi sinh sôi nảy nở, làm ăn phát đạt; Lễ hội Thanh Minh (lễ hội Sinh Mình) ở xã Cư A Mung (huyện Ea H’leo) thường được tổ chức vào khoảng tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch nhằm tưởng nhớ đến mối tình thủy chung, son sắt của chàng trai, cô gái người Nùng, đồng thời ghi nhớ cha ông - những đấng sinh thành có công nuôi dạy con cháu khôn lớn, trưởng thành… Hay Lễ hội Hảng Pồ diễn ra ở xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ) vào ngày 28 tháng Giêng âm lịch hằng năm, đây là nơi gặp gỡ, trao đổi tâm tư tình cảm của người dân luôn khát khao mong chờ những điều may mắn, thể hiện ước nguyện trao duyên của những đôi trai gái …

Biểu diễn hát then, đàn tính trong lễ hội Lồng Tồng 2018 tại xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar).
Biểu diễn hát then, đàn tính trong lễ hội Lồng Tồng 2018 tại xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar).

Tuy mỗi lễ hội có những ý nghĩa riêng biệt, nhưng khi diễn ra trên mảnh đất Tây Nguyên thì nó cùng mang một ý nghĩa rộng lớn hơn, đó chính là nơi gặp gỡ của những người con xa quê, được ôn lại truyền thống, trò chuyện (bằng tiếng nói của dân tộc mình) về cuộc sống và trao đổi kinh nghiệm sản xuất để cùng phát triển, làm giàu trên quê hương mới.

“Cả năm làm việc vất vả, đến những ngày hội chúng tôi được thoải mái nâng chén rượu nồng, hát đôi câu đối, thưởng thức ẩm thực chuẩn hương vị quê hương, chơi các trò chơi dân gian như: ném còn, lày cỏ… mà ngày thường khó có cơ hội ”, đó là lời chia sẻ của anh Đinh Văn Ung (xã Cư M’gar). Cũng chính từ đây, những nét văn hóa truyền thống có cơ hội được phát huy, từ trang phục đến hát múa hay ẩm thực. Những câu hát giao duyên được cất lên ngân nga, vang vọng cả khoảng trời rộng; mùi thịt heo quay thơm nức níu kéo biết bao khách mời; già trẻ gái trai diện bộ trang phục truyền thống xúng xính đến dự hội…

Nhưng nổi bật nhất vẫn là tâm trạng, là niềm vui của người tham dự thể hiện rõ trên khuôn mặt. Những người con Tày, Nùng trên quê mới háo hức chờ đợi, chuẩn bị chu đáo mọi thứ cho ngày hội. Những thanh niên đi làm ăn xa nhà  tranh thủ nghỉ phép về với thôn, làng… Những du khách đến với lễ hội cũng vui vẻ không kém, mọi khoảng cách dường như được xóa bỏ, mọi người gặp gỡ nhau trong niềm  hạnh phúc và sự thấu hiểu.

Phần thi ẩm thực với các món ăn truyền thống.
Phần thi ẩm thực với các món ăn truyền thống.

Việc duy trì được những nét văn hóa truyền thống không chỉ mang lại niềm vui cho bản thân những người con Tày, Nùng mà còn góp phần gắn kết cộng đồng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp thu hút các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn cùng tham gia tạo nên một ngày hội đúng nghĩa.

Như lễ hội Thanh Minh ở xã Cư A Mung (huyện Ea H’leo) diễn ra vào đầu tháng 4 vừa qua. Dù đây là ngày hội của người Nùng, nhưng đã thu hút đông đảo người dân đủ mọi thành phần, lứa tuổi từ nhiều địa phương tìm đến . Chính quyền xã đã có kế hoạch cụ thể để tổ chức lễ hội từ việc hỗ trợ chi phí, bố trí công việc phù hợp với đơn vị, cá nhân; đảm bảo an ninh, trật tự; tuyên truyền rộng rãi về lễ hội để thu hút nhiều tầng lớp, đặc biệt là giới trẻ tham gia…Thế nên, đối với người dân xã Cư A Mung, lễ hội Thanh Minh đã trở thành một ngày hội của toàn xã.

Các hoạt động trong ngày hội cũng được các đơn vị trên địa bàn nhiệt tình hưởng ứng, cùng nhau cắm trại, thi nấu ăn, tham gia các trò chơi dân gian… Cô Trần Thị Hòe (Trường Mầm non Tuổi Ngọc, xã Cư AMung, huyện Ea H’leo) tâm sự: “Với tôi, tham gia lễ hội Thanh Minh đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần, khiến tôi thêm gắn bó với vùng đất này”.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.