Multimedia Đọc Báo in

Tái hiện sinh động đời sống của người Xê Đăng

09:01, 05/05/2018

Đã thành thông lệ, cứ 4 năm một lần, người Xê Đăng sinh sống tại xã Ea Uy, Ea Yiêng (huyện Krông Pắc) lại háo hức chuẩn bị để tham gia hội thi “Buôn vui chơi, buôn ca hát”. Sự tranh tài của các đội chơi tại các môn thi thể thao, văn hóa đã góp phần tái hiện sinh động đời sống sinh hoạt, văn hóa truyền thống của người Xê Đăng.

Ngày nay, ở nhiều buôn làng người dân vẫn giữ được thói quen mang gùi ra suối lấy nước về dùng nhưng vật dụng dùng để đựng nước như quả bầu, ống tre đã được thay thế bằng những chiếc chai, lọ bằng nhựa. Với phần thi gùi nước vượt chướng ngại vật, người xem có thể hình dung và cảm nhận được một cách chân thực về công việc gùi nước ngày xưa của người Xê Đăng; để có nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày, người phụ nữ phải đi một quãng đường xa, gặp không ít khó khăn, vất vả mới có thể mang được nước từ suối mang về dùng. Theo đó, với chiếc gùi trên lưng, sau khi lấy đủ 3 chiếc ống lồ ô đựng đầy nước, người chơi phải lần lượt vượt qua các chướng ngại vật như cầu khỉ, cầu bập bênh thì mới đưa được nước về đích. Để đưa được lượng nước nhiều nhất trong thời gian nhanh nhất đòi hỏi người chơi không chỉ nhanh nhẹn mà còn phải cực kỳ khéo léo và có khả năng giữ được thăng bằng khi đi qua chướng ngại vật.

Người Xê Đăng dùng cây  lồ ô để làm  vật dụng  đựng thức ăn.
Người Xê Đăng dùng cây lồ ô để làm vật dụng đựng thức ăn.

Cây lồ ô là vật liệu chính được các đội thi ẩm thực sử dụng để tạo ra những đồ dùng khác nhau như khay, thìa, đũa, ly để phục vụ việc ăn uống mà không hề có sự xuất hiện của những chiếc bát, đĩa được làm bằng sứ hay thủy tinh. Còn lá chuối dùng để làm tấm lót đồ ăn. Để có những ống lồ ô to bằng bắp chân, tàu lá chuối cao quá đầu người các đội phải cử người vượt chặng đường xa vào tận những cánh rừng già ở huyện Krông Bông mới có lấy được. Theo bà H’ná (buôn Cư Đrang, xã Ea Yiêng), cây lồ ô là một loại cây thân thuộc, gần gũi với người Xê Đăng. Chúng thường được dùng làm cột dựng nhà, đan gùi, đựng nước… nên người Xê Đăng thường chọn nơi có nhiều cây lồ ô để lập làng sinh sống. “Trước đây cuộc sống của người Xê Đăng rất khó khăn, không có tiền để mua ly, chén nên bà con đã dùng cây lồ ô để đựng thức ăn, nước uống”, bà H’ná cho biết.

Với mong muốn thực khách có thể cảm nhận hết được hương vị đặc trưng từ các món ăn truyền thống của người Xê Đăng, phần lớn các nguyên liệu để chế biến đều được các đội thi đi rừng lấy về. Từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như đọt mây, lá nhíp, lá mì, lá môn, măng, lá dương xỉ… người Xê Đăng đã sáng tạo ra những món ăn phong phú, đậm chất dân dã, tạo nên sự khác biệt trong văn hóa ẩm thực của các dân tộc sinh sống trên cao nguyên. Ít ai biết, để có được món sóc nướng thơm phức, béo ngậy; đặc biệt là món cơm lam thập cẩm đúng vị, chỉ có trong lễ hội mừng lúa mới của người Xê Đăng, anh Thê (buôn Ea Mao, xã Ea Yiêng) cùng các thanh niên trong buôn phải cất công đi vào những khu rừng cách nhà hàng chục cây số, và phải mất 2 ngày ngủ lại mới kiếm đủ các loại nguyên liệu như đọt mây, lá giang, hạt sen rừng… để làm món ăn này. Trong đó khó tìm nhất là hạt sen rừng, phải leo lên tận núi cao mới có thể lấy được, và chỉ mùa này cây sen mới cho hạt.

Tiết mục múa dân vũ kết hợp diễn tấu cồng chiêng của buôn Kon Wang (xã Ea Yiêng).
Tiết mục múa dân vũ kết hợp diễn tấu cồng chiêng của buôn Kon Wang (xã Ea Yiêng).

Những tiết mục văn nghệ dân gian được đầu tư công phu và kỹ lưỡng cả về trang phục lẫn nội dung như màn hát đối đáp ca ngợi Đảng và Bác Hồ do chính các mẹ, các chị đến từ buôn Đắk Leng 1 (xã Ea Uy) sáng tác và thể hiện với tinh thần đầy vui tươi, phấn khởi. Hay tiếng chiêng nhẹ nhàng, trầm bổng cùng với điệu múa dập dìu trong tiết mục diễn tấu cồng chiêng kết hợp múa dân vũ của buôn Kon Wang (xã Ea Yiêng) đã tạo nên sự thích thú cho người xem. Điều đó cho thấy, âm nhạc là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Xê Đăng, chính âm nhạc đã góp phần tạo nên bản sắc riêng cho dân tộc. Trong cuộc sống ngày nay, người Xê Đăng vẫn duy trì và bảo tồn được những nét đẹp văn hóa của dân tộc như đánh cồng chiêng, múa chiêu, hát dân ca, chế tác nhạc cụ, đan dệt… và được các thế hệ nơi đây luôn trân trọng, gìn giữ và lưu truyền từ đời này sang đời khác, điều đó được minh chứng qua việc khi ngày càng xuất hiện nhiều đội múa, đội đánh công chiêng trẻ tuổi tham gia dự thi.

Ông Nguyễn Đình Hải, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Pắc cho biết: “Tham gia hội thi lần này, các đội chơi đều có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng trong từng phần thi, từ đó góp phần tái hiện đậm nét đời sống sinh hoạt, văn hóa truyền thống của người Xê Đăng. Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ hiểu được những giá trị văn hóa của dân tộc, ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và bảo tồn những nét đẹp văn hóa của cha ông”.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.