Multimedia Đọc Báo in

"Dệt" giấc mơ bảo tồn nghề truyền thống

08:51, 16/06/2018

Ngay từ khi còn ở lứa tuổi thiếu niên, chị H’Hương Niê (buôn Brah, xã Ea Tul, huyện Cư M'gar) đã yêu thích công việc dệt thổ cẩm. Từ hình ảnh các Amí bên khung cửi, tỉ mỉ dệt nên những tấm thổ cẩm đẹp làm say mê lòng người mà chị H’Hương đã “dệt” trong lòng mình ước mơ về việc phát triển và bảo tồn nghề truyền thống.

Sau 3 năm theo học Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên, chị đã có thể tự tay dệt những tấm vải thổ cẩm đạt chất lượng. Nhận thấy học trò có tố chất, thầy giáo giảng dạy tiếp tục cho chị theo học nâng cao nghề dệt 6 tháng. Với chị, đó là khoảng thời gian quý báu, vì khi được dồn toàn bộ tâm trí, công sức để trau dồi kỹ năng về nghề, chị đã trưởng thành lên rất nhiều. Chị H’Hương chia sẻ rằng, những hình ảnh hoa văn trong tấm vải dệt đã mê hoặc, khiến chị luôn khao khát và cố gắng để theo đuổi. Với chị, học ra không chỉ để phục vụ nhu cầu mưu sinh của bản thân, mà còn là góp sức để bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Sau khi ra trường, chị tham gia truyền dạy cho những bạn trẻ hoặc những người yêu thích thổ cẩm thông qua các lớp được mở ở các buôn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, chị cũng trăn trở khi thấy các bạn trẻ không yêu thích dệt thổ cẩm lắm, chỉ đi học cho biết thôi chứ không theo nghề.

Đến khi trở về buôn Brah, chị mới có điều kiện để hiện thực hóa ước mơ. Nhận thấy ở đây có rất nhiều phụ nữ yêu thích nghề dệt nhưng không có vốn, chị đã đứng ra thành lập tổ dệt thổ cẩm, tự đi vay vốn để mua chỉ, lên khung và mời những “nghệ nhân” của buôn dệt vải, sau đó lại tự đem sản phẩm đi chào mời và bán cho những người có nhu cầu.

Chị H’Hương Niê tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm.
Chị H’Hương Niê tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm.

 Để hoàn thành một tấm vải thổ cẩm mất rất nhiều thời gian, nhưng được sự động viên của chị H’Hương, các chị em thường xuyên tranh thủ tận dụng những thời gian rảnh để dệt. Đó vừa là một cách rèn tính kiên trì, sự khéo léo, vừa là liệu pháp thư giãn tinh thần nên mọi người hưởng ứng tích cực. Ban đầu tổ chỉ có 4 thành viên, đến nay đã tăng lên 11 người, có cả những chị ở xã khác, bởi như các chị chia sẻ, khi tham gia vào tổ dệt thổ cẩm này, họ không chỉ được thỏa nguyện ước mơ, nâng cao tay nghề của mình, mà còn có thêm thu nhập để cải thiện đời sống. Hiện nay, trung bình mỗi thành viên có thêm thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng.

Với tinh thần sáng tạo, ngoài việc giữ lại nét độc đáo của nghề dệt truyền thống, chị H’Hương đã “cách tân” các sản phẩm để phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Đó có thể là những sợi chỉ đa màu sắc khiến tấm vải bắt mắt hơn, hoặc là những họa tiết lạ, đặc sắc theo yêu cầu của khách hàng. Mỗi một chi tiết của thổ cẩm là một câu chuyện về cuộc sống hàng ngày, được chị đưa vào khung cửi và dệt nên. “Đó là đất, là trời, là hồn người Êđê…”, chị H’Hương tâm sự.

Chị H’Hương Niê bên những sản phẩm  thổ cẩm.
Chị H’Hương Niê bên những sản phẩm thổ cẩm.

Hiện nay, chị H’Hương vẫn tiếp tục truyền dạy dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ, mở một cửa hàng nho nhỏ tại nhà để may những sản phẩm từ vải thổ cẩm. Điều chị mong mỏi hiện nay là đem sản phẩm của mình, của chị em đi khắp nơi, mong sao thành quả lao động bằng trí tuệ và công sức của người phụ nữ Êđê được ghi nhận, để những “nghệ nhân” gắn bó với nghề sẽ sống được bằng nghề.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.