Multimedia Đọc Báo in

Khám phá vẻ đẹp Mường Lay bên dòng Đà Giang

07:07, 24/06/2018

Tên gọi địa danh Mường Lay không chỉ gợi lên sự nhẹ nhàng mà còn gợi lên trong trí tưởng tượng của con người về một vùng đất đẹp và thơ mộng. Đó là “viên ngọc quý” của đất trời Tây Bắc bên dòng Đà Giang đẹp đến nao lòng.

Mường Lay là một thị xã nhỏ thuộc tỉnh Điện Biên nằm bên lòng hồ thủy điện Sơn La, nơi tụ thủy của dòng sông Đà. Trước đây, vùng đất này hoang vu, ít người ở, cỏ cây rậm rạp. Xưa kia, nơi đây, trên mỏm núi cao là nơi xây dựng khu dinh thự của vua Thái Đèo Văn Long. Đến nay, dinh thự đó đã trở thành phế tích bên dòng sông Đà.

Dừng chân ở Mường Lay, du khách như được bước vào một không gian khác với cuộc sống ồn ã nơi phố thị. Cứ nghĩ là thị xã thì cuộc sống nơi đây phải tấp nập, mang sắc màu công nghiệp nhưng Mường Lay, đúng như sự nhẹ nhàng, mềm mại gợi lên từ tên gọi của nó, đã mở ra trước mắt con người một không gian thoáng nhẹ, khoáng đạt và tĩnh lặng đến lạ thường. Đó là một khoảng trời mây non nước giao hòa đến hữu tình.

Bao bọc quanh vùng đất Mường Lay là những dải núi trập trùng uốn lượn đẹp tựa như một bức tranh sơn thủy. Những thảm rừng đã tạo cho vùng đất này một màu xanh tươi mát và bầu khí quyển trong lành, mát mẻ quanh năm. Đặc biệt, Mường Lay đẹp và thơ mộng bởi có dòng Đà Giang như một dải lụa màu xanh mềm mại chảy qua. Ở quãng đi qua Mường Lay, dòng Đà Giang uốn mình quanh những triền núi tạo nên những đường cong tuyệt đẹp như tô điểm cho thị xã nhỏ. Làn nước sông Đà ở Mường Lay trong xanh tựa ngọc đã làm cho không gian nơi đây thêm dịu nhẹ và trong lành.

Thủy điện  Sơn La  giữa thị xã Mường Lay.
Thủy điện Sơn La giữa thị xã Mường Lay.

Bên dòng sông Đà, những bản nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái quần tụ quanh những triền núi, dưới thung lũng nhỏ, soi bóng xuống dòng sông trong xanh. Từ lâu, đồng bào Thái ở Mường Lay có tập quán làm nhà sàn bằng gỗ, tựa lưng vào núi, mặt nhìn ra dòng sông. Những căn nhà sàn vững chãi san sát nhau đã tạo nên một sắc màu dân tộc đặc trưng nơi lòng hồ thủy điện này. Người Thái ở đây chất phác, mến khách và đã tạo dựng cho mình một vốn văn hóa mang đậm bản sắc. Trong đó, đặc sắc nhất là văn hóa trang phục, ẩm thực và những phong tục tập quán được hun đúc từ bao đời.

Đứng trên những mỏm núi cao, phóng tầm mắt ra xa, tầm nhìn của bạn sẽ rơi vào một khoảng không gian vừa có nét hoang sơ, vừa có sắc màu cuộc sống. Ở đây, không gian có sự giao hòa đến kỳ diệu giữa núi, rừng, sông và nhà sàn. Thật tuyệt khi khám phá Mường Lay dưới đáy sông xanh thẳm. Đó là một bức tranh thủy mặc được tạo bởi vẻ đẹp của hình bóng trời mây, non nước và cuộc sống hữu tình.

 Vẻ đẹp huyền ảo và thơ mộng của dòng Đà Giang qua Mường Lay.
Vẻ đẹp huyền ảo và thơ mộng của dòng Đà Giang qua Mường Lay.

Chiều chiều, Mường Lay huyền ảo bởi vẻ đẹp lung linh của ánh điện soi bóng xuống lòng hồ, bởi màu xanh ngọc bích của nước sông Đà và những đám mây chờn vờn hư ảo quanh những triền núi. Mường Lay đẹp cả bốn mùa. Mỗi mùa có một đặc trưng riêng, nét hấp dẫn riêng mà khó nơi nào sánh được. Vào mùa lúa chín, những triền ruộng bậc thang của đồng bào Thái đẹp như một bức họa khiến cho vùng đất này như trào dâng sức sống. Mùa xuân hoa đào, hoa mận bung nở tô điểm vẻ đẹp cho đất trời Tây Bắc. Những con thuyền đuôi én ngược xuôi dòng Đà Giang khiến cho cuộc sống nơi đây lúc nào cũng đông vui.

Đến Mường Lay, dù ở thời điểm nào, bạn cũng có cơ hội được khám phá vẻ đẹp nơi đây và thưởng thức những đặc sản chỉ có ở vùng đất này. Thật lý tưởng khi không gian nghỉ dưỡng chính là những căn nhà sàn truyền thống vững chãi bên dòng Đà Giang. Tại đây, bạn sẽ được chủ nhà thết đãi những món ăn đặc trưng của người Thái như gà đen nướng, pa pỉnh tộp (cá gập), xôi nương, măng rừng và rượu ngô... Sông Đà đoạn chảy qua Mường Lay có nhiều loại cá thơm ngon như cá măng, cá chép, cá anh vũ…

Mường Lay hữu tình và thơ mộng, nhẹ nhàng đến thư thái. Đó cũng là lý do bạn nên đáp lại lời mời gọi trìu mến của Mường Lay để xua tan đi bao ưu phiền, có thêm một cảm nhận về vẻ đẹp Tây Bắc.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.