Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội cấp quốc gia, tại sao không?

08:58, 23/06/2018

Theo thông tin từ Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT-DL), năm 2017 và đầu năm 2018, đã có thêm 28 di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình lễ hội truyền thống được Bộ đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng số di sản văn hóa phi vật thể lễ hội truyền thống trên địa bàn cả nước lên con số 96.

 Điều khá bất ngờ là trong danh mục trên, Đắk Lắk không có lễ hội nào, mặc dầu đây là một trong những địa phương được đánh giá là giàu bản sắc văn hóa, có vốn lễ hội truyền thống phong phú và đa dạng được hình thành từ rất lâu trong đời sống sinh hoạt của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ. Qua tìm hiểu thì Sở VH-TT-DL cho hay chưa làm hồ sơ, hay nói đúng hơn là chưa có ý định thực hiện việc vinh danh các lễ hội truyền thống ở đây.

Đua voi từ lâu đã trở thành nét đặc sắc tại Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn. Ảnh: Lan Anh
Đua voi từ lâu đã trở thành nét đặc sắc tại Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn. Ảnh: Lan Anh

Trong khi đó các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước rất quan tâm đến việc này – và họ đã có không ít lễ hội truyền thống được ghi danh. Đây chính là động lực để giúp chính quyền địa phương tích cực xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị các lễ hội với sự tham gia chủ động, sáng tạo của cộng đồng cũng như cơ quan có thẩm quyền. Bởi vốn di sản này đang ngày càng góp phần quan trọng vào việc xây dựng đời sống văn hóa, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của chủ thể và khách thập phương trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

Vậy tại sao ngành văn hóa ở đây không quan tâm, chú trọng vấn đề trên nhằm đáp ứng yêu cầu, mục đích chính đáng đặt ra? Nhiều người cho rằng, Đắk Lắk cần nhanh chóng xây dựng và triển khai Đề án điều tra, khảo sát và chọn lọc một số lễ hội cổ truyền tiêu biểu của các dân tộc thiểu số tại chỗ để đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận cấp quốc gia. Việc làm này là cần thiết trong bối cảnh giá trị văn hóa truyền thống nói chung đang đứng trước nguy cơ mai một và dần biến mất khỏi đời sống sinh hoạt của các cộng đồng.

Có thể nói, trong các loại hình di sản văn hóa phi vật thể thì lễ hội truyền thống ở Đắk Lắk được xem là một loại hình di sản tiêu biểu, mang tính tổng thể nguyên hợp đặc thù, trong đó nổi bật các giá trị được tuyên bố phổ quát: Lễ hội truyền thống là một dạng sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh, thể hiện tính cố kết sức mạnh cộng đồng, giáo dục tinh thần dân tộc; Hoạt động lễ hội còn hướng đến việc phổ biến, phát huy các giá trị văn hóa song hành như phong tục, tập quán, âm nhạc, vũ điệu, trang phục và ẩm thực của các tộc người tại chỗ. Những giá trị ấy thể hiện rõ tâm tư, tình cảm, cách ứng xử và quan niệm sống của mỗi cộng đồng với môi trường cư trú. Nó luôn được gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ - và dĩ nhiên có tác động hết sức tích cực đến nhận thức của chủ thể, lẫn khách thể khi lễ hội được mở ra.        

Với chức năng và vị trí quan trọng đó, lễ hội truyền thống ở Đắk Lắk hoàn toàn xứng đáng để chúng ta tìm cách bảo tồn ở mọi cấp độ, đồng thời không ngừng phát huy giá trị văn hóa hàm chứa trong đó nhằm phục vụ mục tiêu bảo tồn văn hóa song song với phát triển kinh tế cho cộng đồng các dân tộc thiểu số ở đây theo hướng bền vững hơn.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.