Multimedia Đọc Báo in

Những người "đánh thức" khung cửi ở buôn K'bu

08:33, 26/06/2018

Giữa cuộc sống xô bồ hiện đại, nhiều buôn làng Êđê không còn mặn mà với thổ cẩm. Thế nhưng ở buôn K’bu (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn có những con người tài hoa, tâm huyết ngày ngày âm thầm “đánh thức” khung cửi đang “ngủ yên” nơi góc bếp, hiên nhà.

Mùa này, người dân buôn K’bu đang bận rộn với việc thu hoạch lúa, riêng cụ H’ Răng Kđok vẫn miệt mài bên khung cửi dệt tấm chăn khổ lớn để kịp giao cho khách. Ở tuổi 70, đôi mắt cụ vẫn sáng, đôi tay còn chắc khỏe và khéo léo để dệt nên những tấm thổ cẩm chất lượng, hoa văn tinh xảo. Cụ H’ Răng không nhớ mình đã ngồi bên khung cửi được bao nhiêu năm, chỉ biết là đã rất lâu rồi, từ thời còn con gái. Cụ nhớ lại, thời đó phụ nữ trong buôn ai cũng biết dệt vải, khâu áo và mẹ cụ cũng vậy. Khi người con gái lớn lên sẽ được mẹ dạy cho cách se vải, nhuộm màu và cứ thế truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nghề truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng. Nguyên liệu dệt thổ cẩm trước kia của người Êđê được làm từ sợi bông vải tự trồng, màu sợi nhuộm từ vỏ cây giã trộn với bột gạo cho màu sắc đẹp và khó phai. Hoa văn thổ cẩm do người dệt luồng chỉ ngang – dọc tạo nên. Người nào có đôi tay tài hoa, cái đầu thông minh sẽ tạo ra nhiều họa tiết đẹp, sắc sảo.

Cụ bà H’ Răng Niê (phải) vẫn còn đam mê với khung cửi.
Cụ bà H’ Răng Niê (phải) vẫn còn đam mê với khung cửi.

Con gái cụ H’ Răng cho hay, từ khi sinh ra đã thấy mẹ say mê dệt vải, đến nay đã 40 năm bà vẫn nguyên vẹn tình yêu với thổ cẩm. Hết dệt vải may áo, váy, chăn mền, địu… cho con, cháu, bà lại nhận dệt thuê. Ngồi dệt cả ngày, đau vai, mỏi lưng nhưng cụ vẫn không thôi dệt.

Người Êđê dù khó khăn đến mấy cũng phải có một bộ thổ cẩm tươm tất mặc trong các lễ hội, nhưng giờ mọi chuyện đã khác… Khi “cơn lốc” đô thị hóa tràn đến buôn làng, nhiều người bắt đầu quen với kiểu ăn mặc mới, dần bỏ sắc phục truyền thống. Khung cửi theo đó cũng bị “bỏ quên” nơi góc nhà, nghề dệt thổ cẩm mai một dần. Hoài niệm về những năm tháng cùng chị em miệt mài bên khung cửi, cụ H’ Răng chỉ biết duy trì đan dệt, giữ nghề cha ông. Con gái cụ H’ Răng cho hay, từ khi sinh ra đã thấy mẹ say mê dệt vải, đến nay đã 40 năm bà vẫn nguyên vẹn tình yêu với thổ cẩm. Hết dệt vải may áo, váy, chăn mền, địu… cho con, cháu, bà lại nhận dệt thuê. Ngồi dệt cả ngày, đau vai, mỏi lưng nhưng cụ vẫn không thôi dệt.

Chị H’ Bur Niê mê dệt thổ cẩm từ mẹ.
Chị H’ Bur Niê mê dệt thổ cẩm từ mẹ.

Cũng từng được mẹ dệt, khâu cho những bộ váy thổ cẩm xinh đẹp, chị H’ Bur Niê (sinh năm 1977 ) thích thú, tò mò tìm hiểu rồi mê khi nào không hay. Năm 2006, chị đăng ký khóa học dệt thổ cẩm tại Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên (nay là Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên) để học cách tạo hoa văn trên thổ cẩm sao cho đẹp (đây được xem là công đoạn khó nhất trong khâu dệt). Không chỉ học nghề cho bản thân, chị H’Bur còn truyền nghề cho nhiều chị em trong buôn. Ai muốn học, chị đều tận tình chỉ dạy, nhất là các em nhỏ. Theo chị H’ Bur, để dệt một tấm thổ cẩm hoàn chỉnh, phải mất 1 tuần hoặc nửa tháng mới làm xong, có khi lâu hơn tùy theo kích thước của tấm thổ cẩm, nhưng giá trị kinh tế không cao. Thông thường 1 tấm vải để may áo người lớn có giá 1,1-1,2 triệu đồng, 700-800 nghìn đồng/tấm vải may cho trẻ, tính ra tiền công dệt 1 ngày chưa tới 100 nghìn đồng. Bản thân chị vừa làm nông, bán tạp hóa, khi nào có hàng chị mới dệt kiếm thêm thu nhập và quan trọng nhất là giữ và truyền nghề.

Cuộc sống buôn làng đang dần vắng đi tiếng lách cách, kẽo kẹt của khung cửi khiến nhiều người tiếc nuối. Rất may có những người như cụ H’ Răng, chị H’Bur còn giữ nghề, biết “đánh thức” khung cửi, để nghề dệt thổ cẩm được hồi sinh ở buôn K’bu.

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.