Multimedia Đọc Báo in

Voi đá ở kinh thành Simhapura

08:58, 26/06/2018

Voi là con vật gần gũi với cư dân Champa trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong đời sống tâm linh.

Theo truyền thuyết của Hindu giáo, voi là vật cưỡi của thần Indra (Thần Sấm Sét - cai trị trên các cõi trời) và cũng là con vật tượng trưng cho nữ thần phú quý Laksmi. Đối với văn hóa Champa, voi là linh vật được thể hiện khá phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc của họ. Voi đá là những tác phẩm điêu khắc mang giá trị nghệ thuật cao, thể hiện rất sinh động, tôn thêm vẻ đẹp tự nhiên, duyên dáng, bí ẩn và thiêng liêng cho các công trình kiến trúc đền tháp Chăm.

Là một kinh đô của tiểu quốc Amaravati Champa (Chiêm Thành) tên là Simhapura, Trà Kiệu (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là nơi có nhiều đền tháp, thành quách và nhiều tác phẩm điêu khắc, trong đó có rất nhiều bức tượng voi mang giá trị nghệ thuật tiêu biểu, góp phần hình thành nên Phong cách Trà Kiệu - một phong cách đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc Champa.

Hai tượng voi Trà Kiệu trưng bày ở Bảo tàng Guimet, Pháp.
Hai tượng voi Trà Kiệu trưng bày ở Bảo tàng Guimet, Pháp.

Điều đáng nói là những bức tượng voi đá đẹp nhất của kinh đô Trà Kiệu hiện được lưu giữ và trưng bày ở nhiều bảo tàng trong và ngoài nước. Vào những năm 1927 - 1928, nhà khảo cổ học người Pháp Jean - Yves Claeys đã khai quật kinh đô Trà Kiệu trong 9 tháng. Ông đã phát hiện nhiều vết tích kiến trúc bằng gạch cùng với một số lượng lớn tác phẩm điêu khắc bằng sa thạch từ các ngôi đền thuộc đạo Bàlamôn của các vương triều Champa từ thế kỷ 7 - 8. Nhiều tác phẩm trong số này đã được đưa về Bảo tàng Khải Định (tức Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế ngày nay), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Guimet (Cộng hòa Pháp). Những tác phẩm điêu khắc độc đáo được lưu giữ và trưng bày ở các bảo tàng này gồm nhiều chủ đề như tượng vũ nữ, nam thần, các linh vật như sư tử, khỉ, chim thần garuda, trong đó có khá nhiều tượng voi mang rõ phong cách Trà Kiệu…

Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam có trưng bày 3 bức tượng voi có nguồn gốc từ kinh thành Trà Kiệu. Bức thứ nhất, ký hiệu: LSb 21189, cao 57 cm, dài 54 cm. Tượng voi tả thực với tư thế đang bước đi, một chân nhấc lên, đầu hướng về phía trước, vòi cuộn tròn. Bức tượng voi thứ hai mang ký hiệu: LSb 21197, có hình khối hiện thực và sống động, voi ở tư thế đang bước đi, một chân nhấc lên, đầu đội mũ miện và quay đầu về bên phải, tai xòe rộng. Bức tượng thứ ba ký hiệu: LSb 21200 cao 48 cm, dài 53 cm. Tượng voi được mô tả hiện thực với tư thế đang bước đi, một chân nhấc lên, đầu hướng về phía trước, vòi cuộn tròn.

Tượng voi dưới Đài thờ Duy Trinh trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Champa, huyện Duy Xuyên.
Tượng voi dưới Đài thờ Duy Trinh trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Champa, huyện Duy Xuyên.

Bảo tàng Guimet (Pháp) trưng bày ba bức tượng voi có xuất xứ từ kinh thành Trà Kiệu. Bức tượng thứ nhất thể hiện một chú voi đực đang bước về phía trước, đôi tai xòe rộng ra hai bên, đầu voi đeo miễn nhìn về phía đối diện người xem, mắt voi rõ nét nhưng phần trên của vòi voi bị đục hỏng chỉ còn lại chiếc vòi cuộn trong phía dưới. Hai bức tượng voi khác đặt trong thế đối nhau. Đây là hai bức tượng voi khá hoàn hảo về nghệ thuật điêu khắc, chi tiết còn khá rõ nét. Voi bên trái trong tư thế bước tới, đầu ngẩng lên, có hai chiếc ngà ngắn còn nguyên vẹn, tai voi dính sát vào thân, cổ voi có ba ngấn nổi lên rất đẹp về mặt tạo hình, vòi voi cong lên một chút chứ không cuộn lại, phiến đá nền nhô hẳn ra phía trước làm nền cho bức phù điêu voi thêm vững chãi. Bức tượng voi bên phải miêu tả chú voi đực trong tư thế bước đi, chân trước bên trái nhấc lên, hai chiếc vòi ngắn, vòi bên trái bị sứt nhẹ, vòi cuộn tròn, cổ cũng có vài đường ngấn.

Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đang trưng bày hai bức tượng voi bằng sa thạch khai quật ở Trà Kiệu. Bức thứ nhất gọi là “Voi đeo miễn” (ký hiệu: BTH/ĐKC 17), cao 59 cm, rộng 55 cm, dày 26 cm. Tượng voi trong tư thế đi về phía trước. Đầu voi mang một cái miễn hai lớp được chạm trổ rất chi tiết và phong phú, lớp trước có ba đóa hoa hình mũi giáo, lớp sau hai đóa, tất cả những đóa hoa đều được chạm trổ tỉ mỉ bằng những cánh nhỏ. Tác phẩm này được thể hiện nổi bật với vẻ đẹp cầu kỳ của cái miễn trang trí trên đầu voi. Bức tượng voi thứ hai mang ký hiệu: BTH/ĐKC 32, cao 49 cm, rộng 56 cm, dày 43 cm, phù điêu voi trong tư thế đi về phía phải.

Trong khi những tác phẩm voi đá hiện trưng bày ở nhiều bảo tàng trong và ngoài nước thì ở nơi xuất xứ của nó là kinh thành Trà Kiệu xưa lại không được sở hữu những tác phẩm quý giá này. Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Champa tại Trà Kiệu hiện đang trưng bày một hiện vật điêu khắc rất đáng giá, đó là Đài thờ rất độc đáo, phía dưới bệ có phù điêu bốn con voi. Hiện vật này được phát hiện tại di chỉ khảo cổ Triền Tranh, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên. Xung quanh chân đế bệ thờ thể hiện bức phù điêu bốn con voi trước một tòa sen, mỗi con voi mang một vẻ sinh động khác nhau nhưng có một nét đặc trưng chung về kiểu dáng của “voi Trà Kiệu” là cả bốn con voi đều quay mặt nhìn ra ngoài, đôi tai vểnh ra, một chân nhấc lên phía trước như đang bước đi. Bệ thờ có lối bố cục bằng các đường kỷ hà. Loại đài thờ này phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc Champa mang rõ dấu ấn của phong cách Trà Kiệu, vào khoảng thế kỷ 10 – 11.

Cùng với các tác phẩm điêu khắc độc đáo vô giá như sư tử, vũ nữ múa lạu, khỉ...., bộ sưu tập điêu khắc voi ở kinh thành Simhapura là những tác phẩm vô giá khẳng định phong cách Trà Kiệu, một phong cách tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc Champa.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.