Multimedia Đọc Báo in

Kỳ thú động Ngườm Ngao

08:47, 22/07/2018

Cao Bằng, mảnh đất biên cương của Tổ quốc, là nơi có những di tích lịch sử nổi tiếng như hang Pác Bó, suối Lênin, núi Các Mác, rừng Trần Hưng Đạo…  Miền đất này cũng là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, trong số đó phải nói đến động Ngườm Ngao. Động Ngườm Ngao đã được công nhận là Danh thắng Quốc gia.

Từ thành phố Cao Bằng, theo Quốc lộ 3 về phía đông, đến thị trấn huyện Quảng Uyên rồi rẽ theo Tỉnh lộ 206, đi tiếp sang thị trấn huyện Trùng Khánh khoảng hơn 20 km sẽ đến động Ngườm Ngao. Động nằm trong lòng một dãy núi đá vôi cách đường cái không xa, thuộc bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Ngườm Ngao theo tiếng Tày, Nùng nghĩa là động hổ (ngườm: hang, động; ngao: hổ). Cái tên của động có nhiều cách lý giải thú vị. Có ý kiến cho rằng xưa kia nơi này rừng núi hoang vu, có nhiều thú dữ sinh sống; hang động này là nơi trú ngụ của một bầy hổ nên người dân địa phương gọi là Ngườm Ngao. Cũng có cách giải thích khác rằng, sở dĩ có tên gọi này là vì trong động có dòng suối suốt ngày đêm chảy ầm ào, tiếng suối vọng vào vách đá theo gió thoát ra nghe như  tiếng hổ gầm… Dù giải thích theo cách nào chăng nữa thì cái tên gọi của hang động này cũng gợi lên bóng dáng của một thuở hồng hoang, cái thời khai sơn phá thạch của cư dân miền biên viễn.

Nhũ đá hình cây san hô đá trong động Ngườm Ngao.
Nhũ đá hình cây san hô đá trong động Ngườm Ngao.

Từ dưới thung lũng, theo con dốc nhỏ với những bậc đá quanh co sẽ lên đến cửa động. Đó là một vòm đá hẹp chỉ cao hơn đầu người một chút, rộng khoảng vài sải tay, lởm chởm những đá nhọn. Cửa động này được gọi cửa Ngườm Lồm, một trong ba cửa của động Ngườm Ngao. Ngườm Lồm có nghĩa là động gió (Ngườm: động, lồm: gió). Đúng như tên gọi của nó, gió từ trong động thổi ra hây hẩy, mát rượi.

Vào trong động, ta bắt gặp những cảnh tượng thật kỳ thú, đẹp đến ngỡ ngàng. Động có nhiều tầng, nhiều bậc, nhiều hành lang quanh co, uốn lượn trong lòng núi; có đoạn hẹp như một địa đạo, có đoạn lòng động mở rộng thành vòm thênh thang. Nhũ đá từ trên cao rủ xuống, măng đá, cột đá từ dưới đất đâm lên, nhấp nhô cao thấp, tầng tầng, lớp lớp trải khắp dọc lối đi trong động. Tất cả cứ sáng lấp lánh, lung linh, huyền ảo những sắc màu. Có những lúc, ta tưởng mình đang đứng giữa một cung điện nguy nga, lộng lẫy trong truyện cổ tích bởi vẻ đẹp long lanh của những nhũ đá.

Những nhũ đá, măng đá cũng thật lắm hình nhiều vẻ. Có nhũ đá giống hình cây rừng, giống hình các con vật như thỏ, hươu, nai, như nàng tiên đang chải tóc, như bầu sữa mẹ, như ông Bụt, như cây đàn thần. Có những nhũ đá như dòng thác đang chảy, được gọi bằng những cái tên gợi cảm: thác Vàng, thác Bạc. Có nhũ đá hình bàn tay Phật trên vòm cao, thỉnh thoảng lại có giọt nước từ bàn tay nhỏ xuống. Người ta bảo rằng ai hứng được những giọt nước đó sẽ gặp nhiều may mắn. Đặc biệt, có một đoạn, nền đá vôi trải rộng, xếp thành từng tầng trông như những thửa ruộng bậc thang. Nhưng có lẽ độc đáo hơn cả là nhũ đá hình bông hoa sen úp ngược nằm ở khoảng gần cuối động. Đây là một trong số những hình ảnh đẹp nhất, ấn tượng nhất của động Ngườm Ngao. Bông sen đá lóng lánh màu vàng, những cánh sen mịn màng, mượt mà như được đánh bóng. Được biết, đây là một nhũ đá vôi phình ra từ một vách đá thấp, trải qua quá trình phong hóa và xâm thực của các yếu tố tự nhiên, một quá trình kéo dài nhiều triệu năm, nhũ đá mới trở thành một tuyệt tác như vậy. Bông sen úp ngược này còn gắn với một câu chuyện cổ tích. Chuyện kể rằng ngày xưa có một nhà sư ngồi tu trên đài sen nhưng tu mãi mà không thành chính quả, nhà sư sinh ra chán nản, buồn bực. Một lần, do không kiềm chế được nóng giận, nhà sư đã lật úp đài sen xuống. Sau phút nông nổi, nhà sư hóa thành cột đá đứng bên cạnh như để tỏ lòng ăn năn, hối hận của mình.

Du khách “đi trẩy nước non Cao Bằng”, nhớ đến động Ngườm Ngao bởi sẽ có những trải nghiệm kỳ thú, khó quên.

Động Ngườm Ngao được phát hiện vào năm 1921. Đến năm 1995, động được Hội Hang động Hoàng gia Anh khảo sát và xếp hạng là một trong những động dài và đẹp nhất Việt Nam. Năm 1996, tỉnh Cao Bằng bắt đầu đưa Ngườm Ngao vào hoạt động du lịch. Hiện tỉnh mới chỉ khai thác hơn 900 m trong tổng số 2.144 m chiều dài của động.

Hoàng Minh Sơn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.