Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn Văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk: Hiệu quả đến đâu? (Kỳ 1)

08:13, 12/08/2018

Kể từ khi Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại (tháng 11-2005), Đắk Lắk đã nỗ lực triển khai thực hiện việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản tiêu biểu này thông qua 3 đề án được cấp thẩm quyền phê duyệt với tổng kinh phí gần 65 tỷ đồng.

Kỳ 1: Mới giải quyết “phần nổi”

Theo báo cáo của Sở VH-TT-DL, qua 3 Đề án “Bảo tồn, phát huy Di sản Không gian Văn hóa Cồng chiêng Đắk Lắk” (giai đoạn 2007 – 2010, 2011 – 2015 và 2016 – 2020) đã làm được những phần việc cơ bản như: Tổng điều tra cồng chiêng trên địa bàn tỉnh; Tuyên truyền, mở lớp dạy đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng cho lớp trẻ trong cộng đồng; Tôn tạo không gian văn hóa tại một số buôn làng; Phục dựng một số lễ hội truyền thống và tổ chức liên hoan, giao lưu văn hóa cồng chiêng các cấp…

Biểu diễn cồng chiêng ở xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột.  Ảnh: H. Gia
Biểu diễn cồng chiêng ở xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: H. Gia

Tuy nhiên, nhìn lại kết quả thực hiện đề án trên trong hơn 10 năm qua, vẫn còn tồn tại không ít vấn đề khiến nhiều người quan tâm. Với kinh phí 65 tỷ đồng cho 3 giai đoạn, đến nay ngành văn hóa chỉ mở được khoảng 45 lớp truyền dạy cồng chiêng, chỉnh chiêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tại các huyện Krông Pắc, Cư Kuin, Cư M’gar, Krông Bông, Lắk, Krông Ana, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột; tổ chức 3 lớp tập huấn công tác sưu tầm nghi lễ - lễ hội cho gần 160 học viên là cán bộ văn hóa cơ sở; trang bị cho đội chiêng nữ buôn Trấp 1 bộ chiêng Jho (kèm trống) và 8 bộ chiêng Knak cho các buôn làng từng khuyết thiếu cồng chiêng.

 
“Việc sưu tầm, chỉnh lý các bài chiêng cổ và mới để làm căn cơ lâu dài cho việc bảo tồn, phát triển văn hóa cồng chiêng vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi đó là vấn đề sống còn của văn hóa cồng chiêng, có liên quan mật thiết đến các nghệ nhân nắm giữ vốn di sản này”. 
 
Ông Y Kô Niê – Phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT-DL

Theo báo cáo, Sở VH-TT-DL còn hỗ trợ kinh phí cho 15 đội chiêng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh (Qua tìm hiểu từ các nghệ nhân diễn tấu, truyền dạy cồng chiêng thuộc diện được thụ hưởng thì được biết họ không nhận được đồng nào (?!)). Ngoài ra, ngành văn hóa có tổ chức một số buổi giao lưu, trình diễn cồng chiêng tại một số địa phương trong tỉnh và toàn quốc do một số cơ quan, đơn vị ở Trung ương mời tham gia.

Từ kết quả trên, Sở VH-TT-DL đánh giá: Nhìn chung công tác triển khai thực hiện việc bảo tồn, phát huy Di sản Văn hóa Cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk từ năm 2007 đến nay đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giáo dục ý thức, trách nhiệm cho mọi thành viên trong cộng đồng và toàn xã hội về việc giữ gìn có hiệu quả Không gian Văn hóa Cồng chiêng Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung trong bối cảnh hội nhập kinh tế, văn hóa ngày càng sâu rộng như hiện nay. Song, nhiều người cho rằng, đánh giá của ngành văn hóa là quá chung chung, nếu không nói là thiếu xác đáng. Bởi hơn 10 năm qua, Đề án “Bảo tồn, phát huy Di sản Không gian Văn hóa Cồng chiêng Đắk Lắk” mỗi giai đoạn đều được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thẩm định kèm theo kinh phí tương đối, nhưng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ mới thực hiện được “phần ngọn”, còn gốc rễ của vấn đề vẫn chưa chạm tới.

Truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ tại huyện Cư Kuin.  Ảnh: T. Hùng
Truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ tại huyện Cư Kuin. Ảnh: T. Hùng

Ví như việc sưu tầm, chỉnh lý các bài chiêng cổ và mới để làm căn cơ lâu dài cho việc bảo tồn, phát triển văn hóa cồng chiêng vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi điều hệ trọng này được các nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên như ông Y Kô Niê, nghệ sĩ Vũ Lân và bà Linh Nga Niê K’dăm cảnh báo: “Chảy máu” cồng chiêng không bằng mất bài bản cồng chiêng, vì đó là hạt nhân quan trọng nhất của văn hóa cồng chiêng. Mất bài bản ở đây đồng nghĩa với mất dần nghệ nhân - người nắm giữ đời sống cồng chiêng trong các buôn làng. Những nhà nghiên cứu trên lưu ý, cứ nhìn vào các kỳ Lễ hội văn hóa - thể thao, trong đó có gắn kết mật thiết với yếu tố cồng chiêng được tổ chức trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua sẽ thấy - cứ lần sau thì các bài chiêng đi kèm với nghệ nhân diễn tấu lại ít đi và “teo tóp” dần, vì một lẽ là người già ra đi mà không có người trẻ kế thừa.

Có thể nói thực tế này ngày càng trở nên bức bách, nhức nhối trong đời sống sinh hoạt văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ cũng như  sự nghiệp bảo tồn, phát huy Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trong bối cảnh đầy biến chuyển hiện nay.  

 Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.