Multimedia Đọc Báo in

Trút bỏ gánh nặng cho voi

08:11, 04/08/2018

Cuối cùng thì đàn voi nhà còn lại ít ỏi ở Đắk Lắk cũng trút được gánh nặng bấy lâu nay, khi dịch vụ cưỡi voi du lịch ở đây được hạn chế và từng bước tiến tới xóa bỏ hoàn toàn theo đề xuất, cam kết giữa Vườn Quốc gia Yok Đôn với Tổ chức Động vật châu Á vừa mới đưa ra vào trung tuần tháng 7-2018.

Thay vào đó, đàn voi sẽ được chăm sóc, đối xử thân thiện hơn, nhất là trong hoạt động du lịch tại Buôn Đôn và Lắk – loài vật gần gũi và thông minh này không còn phải oằn mình đưa đón du khách bất kể ngày đêm trong tình trạng kiệt sức vì bị con người xích xiềng và bóc lột quá mức.

Còn nhớ gần hai thập kỷ qua, đàn voi nhà Đắk Lắk được đưa vào khai thác phục vụ du lịch như sản phẩm đặc thù và có tính cạnh tranh cao. Những khu, điểm du lịch có sản phẩm cưỡi voi băng rừng, lội suối để  thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên như Buôn Đôn, Hồ Lắk, Ea Súp… bao giờ cũng thu hút du khách nhiều hơn so với nơi khác. Và dĩ nhiên một khi du khách đến nhiều, sẵn sàng rút hầu bao ra để thỏa mãn nhu cầu cưỡi voi thì người sở hữu voi, cũng như người sử dụng voi cho mục đích thương mại kia chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền, bất chấp quy luật sinh tồn, tập tính  sinh hoạt tự nhiên của loài vật này. Vì thế mới dẫn đến hệ quả là năm nào cũng có 1 – 2 cá thể voi lần lượt nằm xuống, khiến số lượng đàn voi nhà ở đây không ngừng giảm sút – từ gần 70 con vào những năm 1997 – 1998, đến nay chỉ còn 45 con. Số voi còn lại này, nói như ông Huỳnh Trung Luân – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk nói rằng nó không còn nguyên vẹn và lành lặn nữa, vì hầu hết đều suy kiệt dinh dưỡng. Đáng nói hơn là trong số đó, nhiều con bị vặt trụi lông đuôi, thậm chí bị chặt đuôi để phục vụ nhu cầu nhảm nhí, thời thượng hay nói đúng hơn là xấu xí của không ít “thượng đế” ham muốn sở hữu một, hoặc càng nhiều càng tốt sợi lông đuôi voi để cầu may, lấy hên (!)

Sắp tới không còn cảnh voi phải làm việc quá sức vì thường xuyên chuyên chở khách như thế này.   Ảnh: Đ. Đối
Sắp tới không còn cảnh voi phải làm việc quá sức vì thường xuyên chuyên chở khách như thế này. 

Có thể nói, từ khi ngành du lịch biến voi thành sản phẩm du lịch theo kiểu tận thu, nước mắt voi đã chảy, hơn thế sinh mạng bị đe dọa từng ngày do lợi nhuận khủng từ loài vật hiền lành này mang lại. Ngoài việc bắt voi chở khách hằng ngày, người ta còn tổ chức hội voi với nhiều hoạt động (đua voi, đá bóng, diễu hành) mang nặng mục đích thương mại nhiều hơn là văn hóa tinh thần càng làm cho tập tính, sinh hoạt tự nhiên của voi bị mất cân bằng và méo mó. Điều này được ông Y Ka Byă (buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) chứng thực rằng không ít lần đàn voi nhà ở đây nổi giận tung vòi quật đổ trụ đèn, cây cối, xe cộ… trong khu du lịch Bản Đôn vì áp lực khách quan bủa vây dày đặc và nặng nề.

Hãy trả lại đời sống tự nhiên cho đàn voi, đặc biệt là vấn đề chăm lo và nâng cao phúc lợi cho mỗi cá thể voi ở đây bằng cách không duy trì hoạt động cưỡi voi du lịch, không được xích nhốt voi thường xuyên, không sử dụng voi trong các hoạt động lễ hội, các sự kiện cộng đồng hay các trải nghiệm khác…làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tập tính tự nhiên của đàn voi  là thông điệp mà Tổ chức Động vật châu Á muốn gửi đến cho chủ sở hữu và các tổ chức, đơn vị kinh doanh, khai thác voi như sản phẩm du lịch thuần túy, thiếu bền vững hiện nay. Hy vọng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân cùng nhau hiện thực hóa thông điệp trên một cách triệt để, rốt ráo bằng nhiều giải pháp hữu hiệu, phù hợp và kịp thời. Để lúc ấy, đàn voi nhà Đắk Lắk không còn là đối tượng bị khai thác, bóc lột nữa mà trở thành vốn di sản đáng được mọi người bảo bọc và khám phá nhiều điều kỳ thú từ tập tính, sinh hoạt tự nhiên của voi, ít nhất là dưới góc nhìn du lịch.

Dịch vụ cưỡi voi du lịch dần được  hạn chế và tiến tới xóa bỏ.    Ảnh: H.Gia
Dịch vụ cưỡi voi du lịch dần được hạn chế và tiến tới xóa bỏ. Ảnh: H.Gia

Ngày 13-7-2018, Tổ chức Động vật châu Á, một tổ chức phi chính phủ có uy tín toàn cầu đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hỗ trợ chuyển đổi mô hình du lịch với Vườn Quốc gia Yok Đôn. Theo đó, tổ chức này sẽ tài trợ 65.000 USD để hỗ trợ việc triển khai, phát triển mô hình du lịch thân thiện không cưỡi voi tại Đắk Lắk. Qua đó góp phần thay đổi quan điểm, hành vi, phương pháp sử dụng voi nhà cho hoạt động du lịch tại địa phương. Thời gian thực hiện dự án bắt đầu từ tháng 7-2018 đến tháng 6-2023.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.